Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu sau lễ tro.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu sau lễ tro.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu sau Lễ Tro
(Mt 9, 14-15)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”

Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.
______________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Bài Tin mừng hôm nay thật vắn gọn, chỉ có 02 câu, 01 câu chất vấn và 01 câu trả lời, nhưng qua câu chất vấn của môn đệ Gioan, Đức Giêsu cho chúng ta hiểu thật đúng đắn về việc Ăn chay, tại sao phải ăn chay và khi nào mới ăn chay. Đó là công việc đạo đức mà người ta vẫn làm, nhưng làm vì mục đích cao cả của nó, chứ không phải vì thói quen, vì hình thức và mang nặng tính phô trương. Đức Giêsu bày tỏ quan điểm rõ ràng và dứt khoát.

“Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”

Bài Tin mừng hôm nay được cả 03 Thánh sử thuật lại: Matthêu (Mt 9, 14-15); Marcô (Mc 2, 18-22) và Luca (Lc 5, 33-39). Nhưng có sự khác biệt giữa các Thánh sử về người đến hỏi Đức Giêsu.

+ Matthêu: Người hỏi là các môn đệ Gioan.
+ Marcô: Người hỏi là một người không xác định, nhưng có thành kiến với Đức Giêsu
+ Luca: Người hỏi là nhóm người Pharisêu.

Sự khác biệt này và còn nhiều sự khác biệt nữa, đã đánh đổ những định kiến xấu, cố ý xuyên tạc, cho Kinh thánh là cuốn sách không đáng tin cậy, vì có sự toa rập giữa các thánh sử. Nếu độc giả có dịp đọc hết 04 sách Tin mừng của 04 Thánh sử, sẽ thấy có những sự kiện chỉ có 01 Thánh sừ duy nhất viết, có những sự kiện được nhiều Thánh sử viết. Những sự kiện được nhiều Thánh sử viết, chắc chắn sẽ có sự khác biệt về chi tiết, còn nội dung thì thống nhất chung về chân lý. Sự kiện này muốn nói lên điều gì? Xin thưa:

- Chứng tỏ 04 Thánh sử có chung Nguồn linh hứng là Chúa Thánh Thần, do đó không thể có sự khác biệt về chân lý được diễn tả, vì chỉ có Một Thiên Chúa

- Có sự khác biệt rất lớn về cách diễn tả, chứng tỏ sự linh hứng không loại trừ sự riêng tư của các thánh sử, ví dụ vể cách hành văn, cách thể hiện, cá tính và phong cách cá biệt.

Như vậy, nếu cho có sự toa rập giữa các Thánh sử khi viết sách Tin mừng là ngộ nhận hoàn toàn, và có lẽ có sự ác ý, không chân tình ở đó.

Trở lại Bài Tin mừng, người hỏi có lẽ không quan trọng cho bằng câu hỏi, nên ta không cần chú ý đến sự khác biệt này. Với câu hỏi này, Matthêu cho biết có sự khác biệt giữa môn đệ Gioan, người Pharisêu và môn đệ Đức Giêsu. Có lẽ đây là trường hợp hiếm hoi mà môn đệ Gioan và người Pharisêu có chung một quan điểm và tạo sự khác biệt với môn đệ Đức Giêsu. Sự khác biệt đó là: Môn đệ Đức Giêsu không ăn chay trong khi những người kia lại ăn. Như vậy lối sống của môn đệ Đức Giêsu bị đặt thành vấn đề dưới cái nhìn của người Do Thái và của các nhóm tôn giáo thời bấy giờ.

Thông thường, người môn đệ sẽ chịu ảnh hưởng bởi thầy của mình. Môn đệ ở thời Đức Giêsu khác hẳn với học trò thời nay. Người môn đệ không những được học về kiến thức, học cách diễn đạt, nhưng quan trọng nhất, người môn đệ có cách sống, lối suy nghĩ và quan niệm giống thầy của mình. Điều này có lẽ là kết quả do việc sống gần gũi với ông thầy. Nói chung người môn đệ sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông thầy.

Chẳng hạn, môn đệ Gioan chịu ảnh hưởng bởi Gioan. Ông Gioan là người có lối sống khắc khổ, Matthêu viết như sau: “Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3, 4) Như vậy môn đệ của Gioan ăn chay cũng là điều dễ hiểu.

Còn người Pharisêu, trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện, Luca viết: “Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” (Lc 18, 11-12). Như vậy về vấn đề ăn chay, người Pharisêu còn chuẩn mực hơn nữa, có lẽ đó là một trong những điều người Pharisêu được dân Do Thái tôn trọng, kính nể.

Còn môn đệ Đức Giêsu không ăn chay, điều này làm cho người đương thời nghi vấn Đức Giêsu và môn đệ của Ngài. Người ta hỏi liệu Đức Giêsu có phải là Rabbi (giáo trưởng) đạo đức không? Hay theo một đường lối nào đó mà trước đây họ chưa thấy, nó đã ra ngoài các chuẩn mực đạo đức thời bấy giờ.

Nếu độc giả chú ý một chút, trong câu hỏi: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”, đối tượng họ muốn nhắm đến là các môn đệ, chứ không phải Đức Giêsu, nhưng tại sao họ không hỏi thẳng các môn đệ? Đây không phải là lần đầu mà rất nhiều trường hợp khác, ví dụ: Vào ngày Sabbath, người Pharisêu thấy môn đệ Đức Giêsu bứt lúa, họ cũng không hỏi các môn đệ, nhưng lại hỏi Đức Giêsu. Như vậy họ đã khẳng định, đây không phải do môn đệ của Ngài quên những điều dạy dỗ, mà họ tin chắc chính ông thầy mới là người có vấn đề, nên họ hỏi thẳng Đức Giêsu.

“Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”

Matthêu viết, “Đức Giê-su trả lời”, có nghĩa Ngài sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho người đương thời hiểu, chứ không né tránh để họ phải tò mò, đồng thời Ngài muốn trình bày quan niệm đúng đắn về việc ăn chay.

Thay vì trả lời tại sao môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay, Ngài theo phương pháp của các Rabbi, nghĩa là trả lời một câu hỏi bằng cách đặt một câu hỏi khác. Đức Giêsu đưa ra ngay hình ảnh tiệc cưới, với câu hỏi: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?”. 

Độc giả sẽ ngạc nhiên khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh tiệc cưới. Tiệc cưới ở thời Đức Giêsu nó phải có gì đặc biệt, làm cho môn đệ Gioan phải chấp nhận không thắc mắc. Ta sẽ tham khảo một chút về Tiệc cưới ở thời Đức Giêsu.

Theo Adolf Pohl, trong tác phẩm Das Evangelium des Markus, R. Brockhaus Verlag Wuppertal 2005, Wuppertaler Studienbibel NT 1. Ông viết:

“Khi người Do-thái nghe đến hai từ “tiệc cưới” thì niềm vui khôn tả hiện lên ngay trước mặt họ một. Một niềm vui đẩy lui tất cả sang một bên: Các Kinh Sư gấp cuốn sách giáo khao Thora lại; kẻ thù giải hòa với nhau. Và người người sẽ tấu lên những khúc nhạc mừng vui, trống đàn hòa tấu. Rồi người ta còn tung những hạt ngũ cốc vào đám đông, nhảy nhót vui mừng trước cô dâu, và ca ngợi vẻ đẹp của cô dâu. Họ mừng vui tiệc cưới bảy ngày trời. Sau bảy ngày mừng vui, thì mọi người trở về lại với cuộc sống thường ngày, với những luật lệ nghiêm ngặt và khô khan. Như vậy, tiệc cưới là một trong biến cố làm thay đổi đời sống thường ngày của người Do-thái. Tiệc cưới cũng làm cho việc ăn chay phải tạm ngưng. Vì làm sao có thể ăn chay được, khi chàng rể còn ở đó. Vâng bao lâu chàng rể và cô dâu còn đang ở đó, thì tiệc mừng vui vẫn được mừng, tất cả mọi chuyện khác cần phải dẹp qua một bên. ”

(Hết trích)

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?”. Đức Giêsu muốn nói cho môn đệ Gioan biết, sự hiện diện của Ngài giữa các môn đệ tương tự như chàng rể hiện diện trong tiệc cưới. Hình ảnh chàng rể, đã được Đức Giêsu sử dụng rất nhiều trong những dụ ngôn về thời sau cùng, như dụ ngôn 05 cô trinh nữ khờ dại và 05 cô khôn ngoan đón chàng rể... Hình ảnh chàng rể trong tiệc cưới được Ngài sử dụng để muốn nói lên một thực tại:

NƠI NÀO CÓ ĐỨC GIÊSU HIỆN DIỆN THÌ NƠI ĐÓ SẼ TRÀN NGẬP NIỀM VUI.

Hệ quả tất yếu phải đến, đó là: Không việc gì các môn đệ của Đức Giêsu phải ăn chay. Như vậy, Ngài cũng ngầm nói luôn cho họ biết, một trong những ý nghĩa của việc ăn chay đó là: ĂN CHAY LÀ ĐỂ CHỜ MONG ĐẤNG CỨU THẾ.

Người Do Thái từ xa xưa họ đã biết ăn chay, ngoài ý nghĩa ăn năn thống hối, đền bù tội lỗi, nó còn nói lên sự mong mỏi Đấng Cứu thế đã được các sách Tiên tri và Ngôn sứ nói đến, ngay cả thời Đức Giêsu cũng mong mỏi như vậy. Nhưng vấn đề đặt ra là: Bao giờ Đấng Cứu Thế mới xuất hiện, đó sẽ là dấu hỏi lớn cho họ.

Nhưng độc giả có thể thắc mắc, vậy Đức Giêsu đối với người Do Thái có phải là Đấng Cứu Thế không? Ta khẳng định ngay, họ không coi Ngài là Đấng Cứu Thế. Tại sao?

Ta còn nhớ sự kiện Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô”, Marcô viết: “Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." (Mc 8, 27-28). Như vậy, người Do Thái mặc dù đánh giá tốt và cao trọng về Đức Giêsu, nhưng họ vẫn không nghĩ Ngài là Đấng Cứu Thế. Như vậy việc người ta vẫn ăn chay là điều dễ hiều, điều bình thường và môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay mới là điều khác thường.

Khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh tiệc cưới làm cho ta phải suy nghĩ. Vâng đúng vậy, nơi nào có Đức Giêsu hiện diện nơi đó sẽ tràn ngập niềm vui. Đó là một thực tại, nhưng nó có phải là thực tại cho ta không, lại là chuyện khác.

Nếu đó là thực tại cho ta, có nghĩa khi ta đã tin vào Đức Giêsu, tại sao ta vẫn buồn như người mất hồn, tại sao ta vẫn thất vọng trong cuộc sống này? Tại sao ta chưa có đủ niềm tin khi đứng trước mỗi biến cố xảy đến cho mình và gia đình mình? Tại sao? Tại sao? Và tại sao? Như vậy tin vào Đức Giêsu có ích gì cho ta không? Ngài có hiện diện trong đời ta để đem lại cho ta niềm vui, mà như Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói, các môn đệ của Ngài không ăn chay vì chàng rể vẫn ở với họ? Hay tại ta đuổi Ngài ra, không cho Ngài vào nhà của mình, khi ta cứ để nhà linh hồn hồn mình như bãi tha ma, không chịu dọn dẹp để mời Ngài vào?

“Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”

Đức Giêsu muốn nói đến nguyên tắc này, khi chàng rể còn, tiệc cưới còn, các môn đệ của Ngài không ăn chay, vì niềm vui của tiệc cưới quá lớn không cho phép người ta ăn chay trong tình trạng như vậy.

“Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi”, Đức Giêsu muốn nói đến cuộc Khổ nạn của Ngài sắp tới, Ngài sẽ bị bắt, rồi “bị đem đi” hết dinh này đến dinh khác, chàng rể đã bị đem đi, tiệc cưới đã chấm dứt, để lại nỗi buồn cho khách dự tiệc, nói cụ thể hơn, cho các môn đệ của Đức Giêsu.

Tại sao khách dự tiệc lại buồn? Xin thưa, vì tiệc cưới không kết thúc cách bình thường như đúng ra nó phải như vậy, nhưng ở đây, nó kết thúc cách đột ngột trong tâm trạng buồn bã vì chàng rể bị đem đi bất ngờ, người ta đến bắt chàng rể ngay tại bữa tiệc.

Độc giả có thể đặt câu hỏi, ĂN CHAY LÀ ĐỂ CHỜ MONG ĐẤNG CỨU THẾ, người Công Giáo tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, vậy Ngài đã đến rồi, sao ta vẫn còn ăn chay? Xin thưa, vì bây giờ ăn chay nó có ý nghĩa cao hơn, sâu xa hơn. Đó là:

ĂN CHAY LÀ ĐỂ CHỜ MONG ĐỨC GIÊSU ĐẾN LẦN THỨ HAI TRONG VINH QUANG.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 3413
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  20
 Hôm nay:  104
 Hôm qua:  3945
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12355219

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn