Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần II Mùa Chay Năm Chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần II Mùa Chay Năm Chẵn

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai sau Tuần II Mùa Chay 
(17/03/2014) - (Lc 6, 36-38) – MÙA CHAY 2014

 

 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.

Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.

Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.”

Ở Matthêu, bài Tin mừng có cùng ý (Mt 7, 1-2) là một phần của Bài giảng trên núi, mà Bài giảng trên núi được bắt đầu bằng Tám Mối phúc. Nhưng ở Luca, Bài tin mừng hôm nay cũng nằm trong loạt bài, nó được bắt đầu bằng Bài các Mối phúc và các Mối họa. Luca thay vì nói đến Tám mối phúc, thì ông lại chia thành 02 phần, 01 phần gồm 04 mối Phúc, phần còn lại gồm 04 mối họa. Tiếp đến là bài nói về Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình.

Như vậy Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ, như là sự đúc kết lại các điều Ngài giảng dạy.

Các từ được chú ý trong câu Tin mừng trên, đó là:

+ “Hãy”. Đây là lời mời gọi, Ngài mời ta hãy có lòng nhân từ.
+ “Cha anh em”. Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa Luca và Gioan. Ở Gioan, ông hay dùng cụm từ “Cha Ta”, và khi dùng Cha Ta, Đức Giêsu phần nào nói về mình trong đó. Nhưng ở Luca, ông sử dụng cụm từ “Cha anh em”, có nghĩa Ngài không nói về mình mà nói về chúng ta.
+ “như”, nó nói lên sự so sánh.
+ “Lòng nhân từ”, cụm từ mang ý nghĩa tổng quát, nó bao gồm: Đừng xét đoán, đừng lên án, hãy tha thứ, hãy cho.

Đức Giêsu mời gọi các môn đệ và chúng ta hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Như vậy đầu tiên Ngài khẳng định Thiên Chúa mà từ trước đến giờ người ta vẫn quan niệm là Thiên Chúa công minh, công bằng, chí công, làm cho con người phải run sợ, lấm la lấm lét mỗi khi đến gần, bây giờ Ngài muốn ta thay đổi quan niệm, thay đổi lối suy nghĩ đó, vì Thiên Chúa đâu chỉ có vậy, nó còn thiếu nhiều lắm. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới đưa ra câu trả lời chính xác, Ngài nói, đó là Cha anh em. Vâng Thiên Chúa là Cha, Ngài là Cha, chỉ cần định nghĩa như vậy, ta sẽ hiểu Thiên Chúa thế nào rồi, vì ai cũng hiểu thế nào là “Cha”, tiếng Cha đã ăn sâu vào trong tiềm thức của ta ngay từ lúc bập bẹ biết nói. Nhưng Cha không vẫn chưa đủ, vẫn còn thiếu, Ngài phải là Cha nhân từ.

Đức Giêsu mời gọi ta hãy có lòng nhân từ như Người Cha đó. Có lẽ độc giả cảm thấy có cái gì không ổn trong câu nói của Đức Giêsu, nó không ổn ở chỗ: Khi nói Thiên Chúa là Cha nhân từ, người ta phải hiểu “nhân từ” đó có tính tuyệt đối, như vậy làm sao ta có thể nhân từ như Ngài được. Ta là con người tội lỗi, bất toàn, đầy khiếm khuyết, có cố gắng lắm cũng chỉ có vậy, nhích lên một chút trên đường nhân đức đã quý rồi, ấy là chưa muốn nói đến bị thụt lùi, mà thường là như vậy. Thì làm sao ta có thể nhân từ như Cha chúng ta được.

Nếu độc giả suy nghĩ sâu hơn, ta mới thấy lời Đức Giêsu nói rất chí lý. Vấn đề đặt ra ở đây, ta có bao giờ quan niệm Thiên Chúa là Cha chúng ta không? Nếu ta chưa quan niệm Thiên Chúa là Cha chúng ta, thì rõ ràng ta thấy lời Đức Giêsu nói không ổn, vì giữa ta và Thiên Chúa có một khoảng cách xa vời vợi. Ngài ở cao quá, xa quá, làm sao ta có thể với tới. Như vậy hãy có lòng nhân từ như Cha anh em, là điều không tưởng.

Nhưng khi ta có quan niệm Thiên Chúa là Cha thật sự, mọi sự sẽ trở nên sáng sủa, lời Đức Giêsu nói rất đúng đắn và rất chí lý, vì khi sống trong tình Cha con, tự nhiên ta muốn giống như Cha mình, vì ta là tất cả của Cha và Cha là tất cả của ta. Như vậy lời mời gọi của Đức Giêsu vẫn luôn vang động trong ta và trong tất cả mọi người qua mọi thời đại. Ta cảm thấy hạnh phúc, vì giữa cuộc đời sóng gió và đen tối này, ta luôn có Người Cha hằng yêu thương, và cứ mỗi lần nghĩ về Cha, tự nhiên ta muốn trở nên giống Ngài.

Khi Đức Giêsu mời gọi ta hãy có lòng nhân từ như Cha anh em, Ngài đưa ra lời mời gọi tổng quát, vì “lòng nhân từ” là một phạm trù rất rộng. Nó bao gồm nhiều đặc tính, mà nói “nhân từ” không, đó là ta nói chung chung. Như vậy để cho cụ thể, Đức Giêsu sẽ đề cập đến 04 lãnh vực sau đây.

“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.
Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.
Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.
Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.”

04 câu trên nằm trong 02 công thức:

+ Anh em đừng ............., anh em sẽ không bị Thiên Chúa ..........
+ Anh em hãy ................, anh em sẽ được Thiên Chúa ................

Với câu “ĐỪNG”, ta phải hiểu là một mệnh lệnh, vế sau đó sẽ là hình phạt (bị Thiên Chúa .....).
Với câu “HÃY”, ta hiểu là lời mời gọi, vế sau đó sẻ là phần thưởng (được Thiên Chúa ......)

Vì ngay câu mở đầu của Bài Tin mừng, Đức Giêsu đã đặt mối quan hệ Cha – con giữa ta với Chúa Cha, cho nên, mọi việc ta làm cho anh em mình sẽ quyết định việc Người Cha đó làm cho chúng ta.

Độc giả có thể nhận thấy, đặc tính “Xét đoán” sẽ quyết định những đặc tính còn lại, vì khi xét đoán đúng sẽ kéo theo những việc tốt đẹp khác và ngược lại khi xét đoán sai nó sẽ dẫn đến thảm họa. Bây giờ ta sẽ xét từng đặc tính một.

A/. ĐỪNG XÉT ĐOÁN.

“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.”

“Xét đoán” là gì? Để có thể đưa ra câu định nghĩa chính xác, ta sẽ tách cụm từ này ra làm hai.

+ “Xét”: là cứu xét, nó bao gồm mấy việc: quan sát sự kiện, suy xét nguyên nhân và kết luận đúng sai.
+ “Đoán”: là phỏng đoán thiếu chính xác, dựa trên cảm tính là chủ yếu.

Vậy xét đoán là những kết luận được rút ra từ sự phỏng đoán chứ không dựa trên các sự kiện khách quan, rồi vội kết án theo cảm tính “yêu nên tốt ghét nên xấu”, nên kết luận đó không có giá trị thuyết phục.

Tất cả các điều phân tích dưới đây không áp dụng cho lãnh vực tòa án, vì người ta phải xét đoán khi đưa ra một kết luận cho việc điều tra. Ngay như trong lãnh vực này, khi xét đoán người ta sẽ theo phương pháp khoa học: khoanh vùng, loại bỏ dần các đối tượng ngoại phạm,.... để đi đến đối tượng cuối cùng. Tất cả những việc này người ta làm trong sự cân nhắc, kỹ lưỡng và cẩn thận.

Ở đây ta chỉ phân tích “Đừng xét đoán” trong quan hệ giữa con người với nhau ở trong đời sống chung.

Đức Giêsu nói: “Anh em đừng xét đoán”, Ngài nói rất chí lý, và sâu sắc, vì thử hỏi trong 100 lần xét đoán ta xét đoán đúng được bao nhiêu lần? Khó mà trả lời câu hỏi này, nhưng ta biết chắc số lần xét đoán sai sẽ gấp bội so với số lần xét đoán đúng. Tại sao vậy?

Xin thưa, vì ta chỉ xét đoán theo bề ngoài mà không thể nhìn thấy bên trong đối tượng bị xét đoán. Rõ ràng anh A đã làm điều đó, không còn hồ nghi gì nữa, chính mắt ta nhìn thấy chứ không còn nghe đồn thổi. Nhưng .....nhưng..... cái nhưng này mới quan trọng, ta có tìm hiểu: Tại sao anh A làm điều đó không? Cái nguyên nhân, cái động lực, lý do nào dẫn anh A làm điều đó. Đây mới là yếu tố quyết định. Mà cái nguyên nhân, lý đo, động lực,.... làm sao ta biết được, nếu ta không ở trong anh A. Chính vì ta không ở trong anh A, làm sao ta biết được động lực nào xui khiến anh làm việc ấy.

Đó là chưa kể bản thân ta, khi đứng trước lỗi lầm của người khác, ta có nhìn họ dưới con mắt khách quan hoàn toàn 100% không, hay ta đã có sẵn một ý nghĩ trong đầu về họ. Chính cái ý nghĩ có sẵn này nó sẽ lèo lái suy nghĩ của ta đi về hướng nhất định. Và đối với những dữ kiện thu thập được, ta cũng cắt nghĩa đi theo hướng đó.

Ví dụ Anh A, là người đã có những dư luận không tốt với người chung quanh và với ta. Bây giờ anh ta có làm điều gì cũng dễ bị cắt nghĩa theo hướng xấu.

Trở lại vấn đề, vì ta không ở trong anh A, nên không thể hiểu hết nguyên nhân dẫn đến việc làm của anh.

Nhưng bây giờ giả sử ta ở trong anh A thì sao? ta có dám chắc mình sẽ hiểu được nguyên nhân dẫn đến hành động đó không? Cũng không luôn, vì sao? Ta còn nhớ đã bao lần ta phải thốt lên: “Tại sao tôi làm vậy? Thật tôi không còn hiểu tôi nữa. Hết hiểu rồi.” Đấy cũng là tâm trạng của Thánh Phaolô, chính ông trong Thư gửi Giáo đoàn Rôma đã viết: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi cứ làm” (Rm 7,15). Thật chua xót cho con người, ngay cả mình, mình cũng không hiểu mình nữa, thì làm sao có thể hiểu người khác. Đã có bao sự đổ vỡ trong gia đình, bao rạn nứt trong tình bằng hữu chỉ vì sự hiểu lầm này.

Đức Giêsu nói: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.” Đây là một mệnh lệnh chứ không phải lời mời gọi, vì tất cả những điều đã nói ở trên và dưới ánh sáng Tin mừng, ta không được xét đoán người khác.

Còn vế thứ hai, nói về hình phạt nếu ta cứ cố tình xét đoán, nó sẽ được phân tích chung ở phần sau.

B/. ĐỪNG LÊN ÁN.

“Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.”

Thái độ lên án người khác là con đẻ của tính xét đoán. Khi ta lên án người khác, cũng minh nhiên xác nhận ta đã xét đoán, vì nếu không xét đoán thì ta sẽ không lên án ai. Mà như đã phân tích, trong đa số trường hợp ta rơi vào trường hợp xét đoán sai. Như vậy, ta cũng sẽ lên án sai. Khi ta lên án ai, ta đã đóng “án tử” lên người đó, có nghĩa ta không cho họ cơ hội nào nữa, không cho họ cơ hội sửa chữa sai lầm, không cho họ khắc phục, thì coi như họ đã chết rồi, chết trong suy nghĩ của ta, trong trái tim ta.

Chính thái độ lên án người khác sẽ quay mũi nhọn chống lại ta, tại sao vậy? Vì ta chỉ là con người bình thường, không phải là quan tòa đúng nghĩa, vậy mà ta đang làm việc của một quan tòa. Thái độ quan tòa này không bao giờ được chấp nhận trong cuộc sống chung giữa con người, vì mọi người phải là anh em với nhau.

Đức Giêsu nói: “Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.” Đây cũng là mệnh lệnh, chứ không là lời mời gọi, vì Ngài dùng từ “đừng”. Còn vế sau sẽ được phân tích ở phần chung.

C/. HÃY THA THỨ.

“Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”

Trong câu trên, Luca dùng từ “Hãy”, vậy đây là lời mời gọi của Đức Giêsu, Ngài mời gọi ta hãy tha thứ cho nhau. Lời mời gọi rất chí lý và thiết thực, vì sao? Vì trong cuộc sống không ai là người hoàn toàn, “nhân vô thập toàn”, ai cũng có lúc xúc phạm đến người khác, cho dù là vô tình hay cố ý. Nếu không biết tha thứ, thì làm sao ta có thể tồn tại trên đời này.

Thế nhưng trên thực tế có lẽ đây là điều khó thực hiện nhất, nó khó thực hiện vì nó vấp phải một trở ngại rất lớn, đó là lòng tự ái của ta, có người còn cho rằng đó là lòng tự trọng. Cái tự ái đó quá lớn, cản trở không cho ta tha thứ người khác. Có những câu nói chỉ vì vô tình, cho dù là cố ý đi nữa, nó đủ sức chặt đứt mối quan hệ ta với người khác để không nhìn mặt nhau nữa.

Ông bà ta có dạy: “Quá tam ba bận”, có nghĩa ta chỉ chấp nhận tha đến lần thứ ba là đã chạm mức. Tha đến lần thứ ba cũng hay lắm rồi. Nhưng người môn đệ Đức Giêsu không được sống như vậy, ta phải vượt quá mức đó, mới có thể tiến lên trên đường nhân đức.

Ta còn nhớ trong Tin mừng Matthêu, thánh Phê-rô hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, khi anh em lỗi phạm đến con, thì con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có tới bảy lần chăng ?" Đức Giê-su đáp: "Thầy không nói là bảy lần, nhưng là tới bảy mươi lần bảy" (Mt 18, 21-22). Có nghĩa phải tha mãi mãi. Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho ta khi Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài. Đức Giêsu đưa ra lý do: “Chỉ vì chúng không biết việc chúng làm”, lý do của một trái tim đầy nhân hậu, cho dù lý do đó không đúng đi nữa, nhưng Đức Giêsu vẫn đưa ra để xin Chúa Cha tha thứ.

Lời mời gọi của Đức Giêsu hôm nay: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” Ngài muốn nói với ta là, “Tha thứ” là điều ta có thể làm được nếu ta muốn. Ta hãy thực hiện việc tha thứ trong đời mình, ta sẽ thấy được sự bình an và hạnh phúc. Còn vế sau, sẽ được phân tích ở phần chung.

D/. HÃY CHO

“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.”

Trong Sách Tông đồ Công vụ, thánh Phaolô nói: “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.” (Tđcv 20, 33-35)

“Cho thì có phúc hơn là nhận”, đó là một chân lý. Người ta cứ nghĩ rằng, trong cuộc sống cứ phải thu quén về cho mình càng nhiều càng tốt, vì đó là một đảm bảo. Nhưng thực tế nó đi ngược lại, nếu ta chỉ biết thu quén vào cho mình, đóng kín mình lại trước sự bất hạnh của anh em, ta sẽ trở thành con người nghèo nàn. Vì giàu hay nghèo đích thực, đâu chỉ dựa vào của cải ta có, mà nó dựa trên sự phong phú tâm hồn. Càng ích kỷ, càng thu quén, ta lại càng nghèo, đó là sự nghịch lý lớn nhất ở đời. Trái lại càng biết cho đi, ta càng làm cho mình phong phú, trái tim ta rộng mở.

Sống trong xã hội hôm nay, một xã hội mà các thang giá trị đã bị đảo ngược, đồng tiền được coi trọng quá mức, và hậu quả sản sinh ra biết bao người bất hạnh, người nghèo, người cơ nhỡ. Lời mời gọi của Đức Giêsu: “Anh em hãy cho” trở lên cấp bách và đúng lúc. Ta hãy đáp ứng lời mời gọi này, mở lòng mình ra với người khốn khó chung quanh, biết giúp họ trong khả năng của mình, vì ta là môn đệ Đức Giêsu.

“Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."

Phần cuối của Bài Tin mừng sẽ là chìa khóa giải quyết tất cả các vấn đề Đức Giêsu đưa ra: Tại sao ta đừng xét đoán, tại sao ta đừng lên án, tại sao hãy tha thứ và tại sao ta hãy cho.....

Có 02 khía cạnh trong câu nói của Đức Giêsu:

1/. CÔNG BẰNG:

Đức Giêsu nói: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.

Có nghĩa nếu ta xét đoán, ta sẽ bị Thiên Chúa xét đoán/ Đấu ở đây là xét đoán. Nếu ta lên án, ta sẽ bị Thiên Chúa lên án/ Đấu ở đây là lên án..... Nếu ta tha thứ, ta sẽ được Thiền Chúa thứ tha. Nếu ta cho, thì ta sẽ được Thiên Chúa cho lại.

2/. THƯỞNG – PHẠT GẤP BỘI:

“Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em”

Có nghĩa, Thiên Chúa vừa đong lại cho ta bằng chính cái đấu ta đong cho anh em, nhưng trong cách đong lại của Thiên Chúa có cái gì rất đặc biệt không như ta đong cho anh em, Ngài sẽ dằn để nén xuống cho chặt, lắc để không còn kẽ hở trong đấu, và làm tràn rồi đổ vào vạt áo của ta.

Như vậy, phần mà Thiên Chúa trả lại cho ta sẽ bấp bội phần ta làm cho anh em. Nếu ta cho anh em một, thì Ngài sẽ cho lại ta gấp mười hay hơn nữa. Nếu ta tha thứ cho anh em một, Ngài sẽ tha thứ cho ta gấp mười lần hay hơn nữa. Đó là về phần thường.

Nhưng coi chừng, nói về hình phạt sẽ thật khủng kiếp. Nếu ta xét đoán anh em một thì Ngài sẽ xét đoán ta gấp mười lần hay hơn nữa trong ngày sau hết.

Trong Mùa Chay Thánh 2014 này, Giáo hội muốn nhắc nhở ta phải biết trở về với Chúa, trở về với anh em và trở về với chính ta, đó là dịp ta biết sống yêu thương và quảng đại, nếu trước đây ta chưa bao giờ sống yêu thương và quảng đại với người khác.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2082
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  14
 Hôm nay:  559
 Hôm qua:  2895
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12346604

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn