Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần IV thường niên năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần IV thường niên năm chẵn

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy tuần IV Thường niên năm chẵn.
(08/02/2014) - (Mc 6, 30-34)
MÙNG CHÍN TẾT GIÁP NGỌ - 2014

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.

Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút,” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.

Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
__________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Nếu để ý một chút, ta sẽ thấy Marcô phân bố sự kiện rất hợp lý.

+ Đầu tiên, Đức Giêsu sai nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin mừng theo từng hai người một, Ngài ban cho họ quyền trừ quỷ với những lời căn dặn (Mc 6, 7-13)

+ Kế tiếp, Marcô phải cho ngưng lại các sự kiện để chờ các Tông đồ trở về.

Khoảng trống này, Marcô đã trường thuật sự kiện Gioan Tẩy Giả bị chém đầu (Mc 6, 14-29). Ta có cảm tưởng, đoạn Tin mừng này được chen vào cho có, để lấp đầy khoảng trống. Nhưng không, chính đoạn Gioan Tẩy giả bị chém đầu, đặt trên mâm như một món thức ăn cho quan khách trong bữa tiệc Sinh nhật của vua Hêrôđê, nó lại báo trước cho đoạn Tin mừng đi sau đó, tường thuật Đức Giêsu thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất để nuôi dân chúng.

+ Kế tiếp là đoạn Tin mừng hôm nay, tường thuật việc các Tông đồ trở về báo cáo kết quả Rao giảng Tin mừng. Nếu xét thêm nữa, đó là đoạn Đức Giêsu thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất để nuôi dân chúng.

Như vậy ta có nhận xét, Tin mừng theo Thánh Marcô, mặc dù là Tin mừng ngắn nhất trong các sách Tin mừng, nhưng lại trình bày cuộc đời công khai của Đức Giêsu theo thứ tự rất hợp lý và liên tục.

“Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”

Marcô cho biết, hôm nay các Tông đồ trở về sau đợt thực tập Truyền giáo. Các ông tụ họp chung quanh Đức Giêsu, có nghĩa các ông đang sống lại những giây phút thân mật với Ngài như trước đây. Marcô không cho biết thời gian Truyền giáo mất bao lâu, nhưng đó là lúc các ông phải tạm xa Đức Giêsu để rao giảng Tin mừng.

Cuộc đời của một Chứng nhân Tin mừng luôn như vậy, có lúc sống thân mật với Đức Kitô, song cũng có lúc phải tạm xa Ngài để lao vào Cánh đồng truyền giáo, sau đó lại trở về với Ngài. Ra đi – Trở về - Rồi lại ra đi, đó phải là chuỗi liên tục, một điệp khúc lặp đi lặp lại, nhưng trong đó luôn xuất hiện những yếu tố mới mẻ và bất ngờ. Nó sẽ làm cho cuộc đời của Chứng nhân Tin mừng không rơi vào tình trạng nhàm chán, luôn thấy tự tin và hăng hái.

Có những Chứng nhân chỉ biết ra đi, nhưng không biết trở về, đó là lúc ông sẽ bị đánh gục bởi sức mạnh của Satan, thế gian và xác thịt. Phải biết trở về để bù đắp lại năng lượng bị thiếu hụt, đó chính là ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa. Hình ảnh các Tông đồ tụ họp quanh Đức Giêsu sau cuộc thực tập Truyền giáo hôm nay sẽ là hình ảnh sống động, khắc sâu vào tâm trí Chứng nhân Tin mừng qua mọi thế hệ.

Các Tông đồ ngồi tụ họp chung quanh Đức Giêsu để làm gì? Marcô nói: “để kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”. Các ông đã làm gì và đã dạy gì? Muốn biết điều này, ta hãy trở lại đoạn Tin mừng các Tông đồ được Đức Giêsu sai đi.

+ Các ông đã trừ quỉ và xức dầu chữa bệnh nhiều người đau ốm (Mc 6,13).
+ Các ông đã rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối (Mc 6, 12).

“Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút,” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.”

Marcô cho ta thấy khung cảnh Thầy trò Đức Giêsu xum họp với nhau, người ta tưởng đó là nơi yên tĩnh, nhưng sự thực quá đông người đang có mặt tại đây, khiến cho các Tông đồ không có thì giờ ăn uống.

Nếu ai đọc Tin mừng Marcô và để ý một chút, ta sẽ thấy Marcô luôn phác họa một biển người xung quanh Đức Giêsu. Ông có vẻ hơi cường điệu và phóng đại, nhưng có trừ hao đi, ta vẫn thấy đó là một biển người. Sở dĩ Marcô diễn tả như vậy, ông muốn gợi lại trong tâm trí độc giả hình ảnh sống động của dân Chúa, vượt qua Biển Đỏ tiến về miền đất Hứa. Nó cũng là hình ảnh của số đông con người qua mọi thời đại khao khát tìm kiếm chân lý.

Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói với các Tông đồ: “anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Ngài luôn quan tâm đến các ông, Ngài thấu hiểu tình trạng tâm sinh lý của các ông. Sau thời gian làm việc vất vả, các ông cần có thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức, phải được ăn uống đầy đủ để có thể làm việc trở lại.

Nhưng Marcô lại nhấn mạnh: “nghỉ ngơi đôi chút”, có nghĩa Cánh đồng Truyền giáo rộng mênh mông bát ngát, không sao đi hết. Cuộc đời của một Chứng nhân không phải để nghỉ ngơi, nhưng là để làm việc. Nghỉ ngơi chỉ là khoảng thời gian cần thiết để cân bằng, để lấy lại sức sau khi làm việc.

“Vậy thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.”

Có nhiều người thắc mắc, tại sao trong Tin mừng Marcô luôn tường thuật các buổi giảng dạy của Đức Giêsu quanh biển hồ Galilê?

Một phần do ở đấy có thể đáp ứng cho số đông, luôn có đủ chỗ cho dân chúng. Nhưng lý do khác mà Marcô nói ở đây, đó là “xuống thuyền đi lánh riêng ra”. Có nghĩa Thầy trò Đức Giêsu có thể chủ động giờ giấc của mình để không bị dân chúng giữ lại. Quần chúng luôn hâm mộ, và ai cũng biết sự hâm mộ đó tai hại đến dường nào. Thần tượng của họ vô tình trở thành nạn nhân của họ.

Ra nơi hoang vắng, đó là nơi thích hợp cho việc nghỉ ngơi. Người ta không thể tìm cho mình sự nghỉ ngơi đúng nghĩa ở một nơi náo nhiệt và sôi động. Trong một ngày sống ta cần có một khoảng thời gian yên lặng, đó là lúc tâm của ta thật sự lắng đọng, lắng đọng tất cả những gì sôi động trong cuộc sống, để ta có thể đón nhận tiếng Chúa nói trong ta.

“Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.”

Lúc này uy tín và tiếng tăm Đức Giêsu lên rất cao, dân chúng tuốn với Ngài rất đông, họ đến với Đức Giêsu để được nghe lời Thiên Chúa và được chữa lành bệnh tật, trục xuất ma quỷ. Họ hâm mộ đến nỗi không muốn xa Ngài nửa bước, cho dù Ngài có dùng thuyền lánh đi một khoảng thời gian cũng khó thực hiện.

Marcô diễn tả rất sâu sắc, ông viết: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý”. Dân chúng hâm mộ Đức Giêsu đến nỗi đoán được ý Ngài, hiểu được ý Ngài. Từ trước đến nay ta chỉ nghe nói Thiên Chúa thấu suốt ta, biết ta còn hơn ta biết ta, nhưng Marcô hôm nay lại nói: Con người hiểu được ý Thiên Chúa, vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Thật kỳ lạ! Lòng ưu ái của dân chúng lên rất cao, cao đến độ có thể hiểu được ý Đức Giêsu.

Marcô không cho biết Đức Giêsu đi đâu, nhưng dân chúng thấy thuyền đi về hướng nào, họ có thể đoán nơi Ngài muốn đến. Theo các Nhà chú giải, Đức Giêsu sẽ đến miền Bét-sai-da và Giu-li-a cách đó chừng 10 cây số. Dân chúng không ngại đường xa, đi bộ ven bờ hồ và đến nơi trước các ngài. Khi đã yêu mến Chúa thì tình yêu ấy sẽ thôi thúc người ta vượt qua trở ngại để đến với Ngài.

“Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.”

Thầy trò Đức Giêsu cứ nghĩ mình đến nơi hoang vắng để nghỉ ngơi, nhưng không ngờ, khi vừa ra khỏi thuyền Ngài đã thấy một đám người rất đông đứng chờ Ngài. Marcô vẫn sử dụng cụm từ “đám người rất đông” để diễn tả dân chúng đến với Đức Giêsu, một biển người! Ta có cảm tưởng một biển người di dời từ chỗ này sang chỗ kia theo sát sự di chuyển của Đức Giêsu, làm cho Biển Hồ dậy sóng.

Marcô diễn tả tâm trạng của Đức Giêsu khi nhìn thấy dân chúng: “Ngài chạnh lòng thương”. “Chạnh lòng thương” hay “Động lòng trắc ẩn”, là một tình cảm sâu xa bắt nguồn từ nội tâm và biểu lộ ra bằng hành động. Khi Marcô nói “Chạnh lòng thương”, ta phải hiểu nó đã chạm đến đáy yêu thương của Ngài.

Mỗi khi Kinh thánh nói Đức Giêsu chạnh lòng thương thì nó phải bắt nguồn từ lý do nào đó. Ví dụ: Kinh thánh đã thuật lại rất nhiều lần Đức Giêsu chạnh lòng thương, và đưa Ngài đến hành động như: Chữa hai người mù tại Giê-ri-cô (Mt 20, 34), phục sinh con trai bà góa thành Na-in (Lc 7, 13), chữa một đứa bé mắc bệnh động kinh vì bị quỷ ám (Mc 9, 22).

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu chạnh lòng thương vì lẽ gì? Xin thưa: Vì Ngài thấy dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt.

Tại sao dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt? Vậy những Thượng tế, tư tế, kinh sư, Pharisêu đi đâu để cho dân chúng bơ vơ như vậy? Họ là giới lãnh đạo Do Thái giáo, họ phải có bổn phận chăn dắt dân Chúa, vậy họ đã làm gì?

Ta hãy nghe Tiên tri Êdêkien nói:

“Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Ít-ra-en, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, với các mục tử đó: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.” (Ed 34, 1-6)

Lời của Tiên tri Edêkien đã nghiệm đúng cho dân Do Thái thời Đức Giêsu. Đó là lời kết án mạnh mẽ thành phần lãnh đạo tôn giáo, vì họ chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà bỏ mặc nguyện vọng dân Chúa. Họ không quan tâm đến đời sống tinh thần của dân, nhưng ngược lại sống nhờ trên những bổng lộc mà dân đem lại, qua việc nộp các thứ thuế, thuế Đền thờ, thuế Thập phân,... Họ chất lên dân chúng với bao luật lệ chi li và phức tạp để cơ hồ không ai thi hành được, nhưng chính bản thân họ lại không muốn đụng đến. Dân Do Thái được ví như bầy chiên mà Êdêkien mô tả: “tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú”.

Việc dân Do Thái hiện diện rất đông mỗi khi Đức Giêsu giảng dạy là một minh chứng hùng hồn, Marcô viết: “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” Họ tìm thấy nơi Ngài là Đấng chăn Chiên đích thực, và lẽ thường tình khi Đấng Chăn Chiên ở đâu thì đoàn chiên sẽ theo đó. Họ đi theo Ngài như đàn chiên đi theo vị Chúa Chiên.

Thánh sử Gioan viết: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10, 11-15)

Những lời Đức Giêsu thổ lộ chân tình, và khẳng định mạnh mẽ về Ngài, sẽ đối nghịch hoàn toàn lời tiên báo của Êdêkien, khi ông nói về giới lãnh đạo Do Thái giáo, có khác gì Êdêkien đã tiên báo chính Ngài là Đấng Chăn Chiên đích thực.

Các Tông đồ và những người kế vị sẽ tiếp tục Sứ mệnh của Đức Giêsu, chăn dắt, bảo vệ đàn chiên Chúa đã giao phó, đưa chúng đến đồng cỏ xanh tươi, đến dòng suối mát để chúng được no thỏa. Đàn chiên đó chính là Giáo hội của Ngài.

Ta cũng được Đức Giêsu mời gọi tham dự vào Sứ mệnh Đấng Chăn Chiên. Ta được Ngài giao cho một gia đình, và ta phải là người hướng dẫn, bảo vệ sao cho gia đình mình đi theo đúng đường lối Chúa, một gia đình có Chúa hiện diện. Ta cũng được Ngài giao cho một giáo xứ mà mình đang hiện diện, ta phải có bổn phận và trách nhiệm với cộng đoàn mà mình là một phần tử....

Như vậy, từ khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, dân Do Thái đã tìm ra vị Chủ Chăn đích thực mà bấy lâu họ ao ước. Họ đi theo Đức Giêsu ở bất cứ nơi nào Ngài hiện diện.

“Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”

Marcô muốn nói với độc giả, nếu chỉ dừng lại ở trạng thái “chạnh lòng thương” thì nó chẳng có ích gì hết. Chạnh lòng thương, tiếp theo đó phải là một nghĩa cử đầy ý nghĩa.

Marcô nói: “Người bắt đầu”, Đức Giêsu bắt đầu ngay sau khi chạnh lòng thương. Dân Do Thái đang là bầy chiên không người chăn dắt, họ đang khao khát lời Thiên Chúa, thì Đức Giêsu bắt đầu “dạy dỗ họ nhiều điều.” Như vậy chúng tỏ Ngài là Đấng Chăn Chiên đích thực.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3367
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  23
 Hôm nay:  2796
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12342801

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn