Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân Tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba sau Lễ Chúa Hiển Linh

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba sau Lễ Chúa Hiển Linh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh
(07/01/2014) - (Mc 6, 34-44)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá.”

Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. 

Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.
____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”

“Ra khỏi thuyền”

Đức Giêsu gọi nhóm Mười Hai lại và sai các ông cứ từng hai người một đi rao giảng Tin mừng, ban cho các ông quyền năng chữa mọi bệnh tật, trục xuất ma quỷ. Sau một thời gian các ông trở về, lòng đầy hoan hỉ báo cáo với Đức Giêsu về thành quả mà họ đã đạt được. Ngài bảo các ông lánh ra một nơi để nghỉ ngơi lấy sức, nhưng nào các ông có thể nghỉ được, vì theo Marcô, dân chúng hiện diện nơi đó rất đông. Thầy trò Đức Giêsu phải lên một chiếc thuyền đi sang nơi khác.

Marcô viết: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.” (Mc 6, 33) Đến nơi, “Đức Giêsu ra khỏi thuyền thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”.

Ra khỏi thuyền, có nghĩa Đức Giêsu ra khỏi không gian chật hẹp, không gian nhỏ bé để đi vào không gian rộng lớn, Ngài sẽ thấy gì? Ngài thấy một biển người mà theo Marcô mô tả “như bầy chiên không người chăn dắt”. 

Có bao giờ ta chịu bước ra khỏi cái vỏ ích kỷ của mình chưa? Nếu ta cứ ở trong cái vỏ ích kỷ đó, ta chỉ có thấy ta, ta cứ nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, bắt mọi sự phải quy hướng về. Ta thấy mình quá lớn, giống như con ếch nằm dưới đáy giếng nhìn lên bầu trời, thấy trời chỉ bằng nắm tay. Đó là lối sống lệch lạc, đầy bệnh hoạn. Phải bước ra khỏi cái vỏ ích kỷ chật chội đó, để thấy khoảng trời bao la trước mặt, để thấy người khác và để thấy ta đúng như những gì ta hiện hữu. Ta quá nhỏ bé, và sự đau khổ của con người quá lớn, cần phải làm điều gì đó, chưa nói là giúp ích cho người khác, thì chí ít nó cũng giúp ta sống xứng đáng là một con người.

Marcô nói đám đông đang hiện diện trước mặt Đức Giêsu như bầy chiên không người chăn dắt. Có phải bầy chiên đó không người chăn dắt không? Xin thưa: KHÔNG. Bầy chiên đó vẫn có người chăn dắt. Vậy người chăn dắt là ai? Xin thưa, đó là các Kinh sư, Thượng tế, những người lãnh đạo Do Thái giáo.

Marcô thật mỉa mai khi ví đám đông có người chăn dắt đàng hoàng, lại như bầy chiên không người chăn dắt. Đây là cái tát nảy lửa của Marcô vào mặt những người lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ, thật ứng nghiệm lời tiên báo của Tiên tri Êdêkiên.

Triên tri Êdêkiên viết: “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Ít-ra-en, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, với các mục tử đó: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm. (Ed 34, 1-6)

Những nhà lãnh đạo Do Thái giáo không chịu săn sóc, dạy dỗ, chỉ đường, thì làm sao người dân biết sống lành mạnh và tránh được những nguy hiểm trong cuộc sống? Như vậy, mang tiếng là có người chăn dắt, có cũng như không. Mà xét cho cùng, nếu có như vậy thì chẳng thà đừng có lại hay hơn.

Những vị mục tử trong Giáo hội, đã được Đức Giêsu đặt lên coi sóc chiên của Ngài, để làm cho đàn chiên Ngài có người chăn dắt. Nhưng thử hỏi, họ đã chu toàn trách nhiệm mà Đức Giêsu đã giao phó chưa? Hay là giống như những người lãnh đạo Do Thái giáo ngày xưa? Đó phải là câu hỏi ta phải luôn hỏi lại mình.

“Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” Khi chứng kiến đám đông trước mặt, Marcô nói: Ngài chạnh lòng thương. Nói đến “chạnh lòng thương”, thì đối với Đức Giêsu, nó đã chạm đến đáy tình yêu của Ngài, đó là ý nghĩa của cụm từ “chạnh lòng thương” theo Kinh thánh. Và Ngài đã nuôi dưỡng họ bằng thức ăn tinh thần, dạy dỗ họ nhiều điều.

“Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.”

Đám đông dân chúng được Đức Giêsu giảng dạy, họ say mê nghe Ngài, vì lời của Đức Giêsu là lời Hằng sống. Có lẽ chưa bao giờ họ được nghe như vậy. Họ say mê đến nỗi, hoàng hôn xuống rồi mà vẫn không hay biết, quên cả ăn, quên cả uống. Cái đói, cái khát lúc này chẳng nghĩa gì nữa bên cạnh lời Thiên Chúa. Đức Giêsu nói: “Ðã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4, 4) Vâng, bên cạnh nhu cầu vật chất, còn một nhu cầu tinh thần, mà nếu không có nó, cuộc sống sẽ ra vô nghĩa, đó là nhu cầu: Được nghe lời Thiên Chúa.

Cho dù Đức Giêsu giảng dạy, dân chúng lắng nghe quên cả đói, quên cả khát, nhưng các môn đệ không được như thế. Các ông phải luôn biết nhạy bén trước những nhu cầu của con người, cả nhu cầu tinh thần cũng như nhu cầu vật chất. Nên các môn đệ phải đến gần Đức Giêsu để nhắc cho Thầy mình: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.”

Hình như các ông bế tắc trước bài toán: lấy gì cho bằng ấy người ăn, cho dù mỗi người chỉ một miếng. Nên các ông đưa ra giải pháp: để họ tự lo liệu. Vâng giải pháp mà các ông đưa ra cũng không có gì đáng trách, nhưng vô tình sẽ đưa dân chúng vào chỗ khó? Hàng quán nào có thể đáp ứng cho bằng ấy người! Sẽ có cảnh giành giật, cướp bóc, xỉu dọc đường,... 

Ngày nay con người đang đối diện với vấn đề thiếu lương thực trầm trọng. Tại sao lại thiếu như vậy? Ông bà ta có câu: “Trời sinh voi sinh cỏ”, có nghĩa một khi ông Trời sinh ra con voi, thì cũng cho cỏ mọc lên đủ để nuôi chúng. Như vậy, ta có thể khẳng định: Không có vấn đề thiếu lương thực, nhưng trên thực tế nó lại thiếu. Nguyên nhân duy nhất để giải thích sự kiện này, đó là: LƯƠNG THỰC THIẾU CHỈ VÌ PHÂN PHỐI KHÔNG ĐỀU và KHÔNG BIẾT TƯƠNG TRỢ LẪN NHAU.

Có nghĩa: Tài nguyên trên trái đất rất dồi dào, nhưng sự phân bố của nó chưa hợp lý. Có những quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản, song không ít quốc gia thiếu trầm trọng. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra chiến tranh. Nước mạnh ăn hiếp nước yếu, nhóm quốc gia kết bè kết cánh với nhau để ăn hiếp quốc gia đơn độc.

Như vậy, vấn đề thiếu lương thực trầm trọng, nguyên nhân chính do con người gây ra, chứ không thể đổ cho trời cho đất. Nếu con người biết sống trong tình bác ái huynh đệ thực sự theo lời Đức Giêsu dạy, thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Ngoài giải pháp này, các giải pháp, các học thuyết ra đời chỉ là vá víu tạm thời.

“Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao!”

Ta để ý cụm từ “chính anh em”, Đức Giêsu nói với các môn đệ, chính các ông phải cho dân chúng ăn, chứ không phải ai khác. Vâng, Đức Giêsu nói rất hợp lý, nếu không phải các ông thì còn ai vào đây, chẳng lẽ người thầy phải đứng ra làm việc này, vì đó là việc của trò.

Lời của Đức Giêsu làm các môn đệ ngạc nhiên, sững sờ, không hiểu Thầy muốn nói gì. Không lẽ Ngài không nhìn thấy biển người đây sao, cho dù có núi vàng cũng không giải quyết được, vì vấn đề bây giờ không phải là tiền, mà là lương thực. Có tiền cũng chưa chắc mua được lương thực. Các ông thưa với Đức Giêsu giống như một lời trách móc: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao!”

“Chính anh em hãy cho họ ăn”, Đức Giêsu cũng muốn chỉ đích danh ta, chứ không phải người khác, Ngài muốn ta phải biết giúp đỡ những người túng thiếu đang ở chung quanh ta. Đừng sống vô tâm, đừng sống dửng dưng với những người đang cần ta giúp đỡ. Vì đó là bổn phận của ta.

“Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá.”

Đức Giêsu cũng thấu hiểu các môn đệ chứ! Ngài cũng hiểu với một biển người như vậy, lo cho họ ăn là việc bất khả thi, nhưng hỏi để mà hỏi thôi, vì Ngài biết việc mình sắp làm.

Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ: “Anh em có mấy chiếc bánh?”, Ngài có cần 05 chiếc bánh và 02 con cá này không? Ngài có thể làm phép lạ mà không cần đến chúng không? vì Ngài là Thiên Chúa, đã dựng nên trời đất muôn vật. Gioan viết: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành” (Ga 1, 3). Đức Giêsu chính là Ngôi Lời, vậy Ngài không cần đến 05 chiếc bánh và 02 con cá này. Thế nhưng, nếu không có 05 chiếc bánh và 02 con cá này mà phép lạ xảy ra, thì Đức Giêsu đang làm trò ảo thuật, vì sao?

Ta nên nhớ, từ khởi đầu Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất muôn vật, từ không thành có. LÀM MỘT CÁI TỪ KHÔNG THÀNH CÓ, TA GỌI LÀ SÁNG TẠO. Công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa đã xong, mà sách Sáng Thế Ký diễn giải, nó hoàn tất trong 07 ngày. Từ đây sẽ không còn cuộc sáng tạo nào nữa, nếu còn cuộc sáng tạo nào, ta không thể gọi Ngài là Đấng Thông Minh Vô Cùng, Quyền Năng Vô Cùng được, vì Ngài đã không tiên liệu hết cái vũ trụ này.

Tất cả những gì Thiên Chúa làm bây giờ, không phải là từ không thành có, mà phải dựa vào một cái có trước. Như phép lạ Đức Giêsu sắp làm: Hóa bánh ra nhiều phải dựa vào 05 con cá và 02 chiếc bánh. (Ngày nay con người lạm dụng cụm từ “sáng tạo”, cái gì cũng gọi là sáng tạo, thậm chí làm ra cây kim cũng gọi là sáng tạo. Thật hàm hồ, không hiểu gì!)

Như vậy, ta có thể khẳng định: Nếu không có 05 chiếc bánh và 02 con cá sẽ không xảy ra phép lạ. Đức Giêsu không thể ép phép lạ phải xảy ra, vì làm như thế Ngài đang tự mâu thuẫn, mâu thuẫn với công cuộc sáng tạo Ngài đã thực hiện từ ban đầu.

“Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi.”

Đây sẽ là hình ảnh cho Giáo hội Chúa sau này, một cộng đoàn yêu thương, chứ không phải một cộng đoàn tranh giành, chèn ép, chà đạp lên nhau mà sống. Một biển người nhưng mọi chuyện xảy rất trật tự.

“Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người.”

Ta để ý từng cụm từ một: “cầm lấy”; “ngước mắt lên trời”; “dâng lời chúc tụng”; “bẻ bánh ra”; “trao cho môn đệ”. Đây cũng là nghi thức sau này các linh mục sẽ thực hiện khi đọc Lời Truyền phép trong thánh lễ. Các Linh mục sẽ làm cùng một động tác như Đức Giêsu làm hôm nay.

Đức Giêsu làm những cử chỉ này để hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, các Linh mục cũng làm các cử chỉ này để biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu thánh Chúa làm lương thực nuôi sống các tín hữu.

Ta có thể đặt câu hỏi: mấu chốt của phép lạ hóa bánh ra nhiều nằm ở chỗ nào? Đây là câu hỏi hay và hóc búa mà ta phải giải quyết.

Ta sẽ chú ý đến cụm từ “BẺ RA”.

Đức Giêsu không làm phép lạ hóa bánh ra nhiều trong một lúc, tức Ngài không làm 5 chiếc bánh và 2 con cá biến thành một núi bánh sau khi đọc lời chúc tụng. Ngài không làm như vậy, vì làm như vậy chẳng khác gì Ngài đang làm trò ảo thuật _ “hô biến”

Rõ ràng sau khi đọc lời chúc tụng, nó vẫn chỉ là 05 chiếc bánh và 02 con cá. Nhưng 05 chiếc bánh và 02 con cá lúc này, sẽ khác hoàn toàn so với 05 chiếc bánh và 02 con cá trước khi đọc lời chúc tụng. Nó khác ở điểm nào?

Xin thưa: Khác biệt ở điểm này.

(1) TRƯỚC KHI ĐỌC LỜI CHÚC TỤNG:

Nếu bẻ 05 chiếc bánh và 02 con cá thành nhiều mảnh vụn, và bẻ lần thứ hai của các mảnh vụn thứ nhất, tương tự cho lần thứ ba... Nếu ta gom các mảnh vụn và ghép lại thì vẫn chỉ là 05 chiếc bánh và 02 con cá, tức phép lạ không xảy ra.

(2) SAU KHI ĐỌC LỜI CHÚC TỤNG:

Nếu bẻ 05 chiếc bánh và 02 con cá thành từng mảnh vụn lần thứ nhất (đây là lần bẻ của Đức Giêsu), ta được 10 phần, mỗi phần là nửa chiếc bánh ban đầu, cá cũng tương tự.

Lần bẻ thứ hai (do các môn đệ), ta sẽ được 20 phần, nhưng MỖI PHẦN VẪN LÀ NỬA SO VỚI CHIẾC BÁNH BAN ĐẦU. Phép lạ xảy ra trước mắt môn đệ (tương tự cho cá).

Lần bẻ thứ ba, thứ tư,... cũng tương tự như thế, ta cũng được các phần theo quy luật nhân hai, nhưng MỖI PHẦN VẪN LÀ NỬA SO VỚI CHIẾC BÁNH BAN ĐẦU. (Tương tự cho cá.)

Như vậy ta có thể trả lời cho câu hỏi: mấu chốt của phép lạ hóa bánh ra nhiều nằm ở chỗ nào? Xin thưa, nó nằm trong CỬ CHỈ DÂNG LỜI CHÚC TỤNG – BẺ RA.

Cử chỉ “dâng lời chúc tụng” là của Đức Giêsu, còn cử chỉ “bẻ ra” là của các môn đệ. Như vậy nó muốn nói lên điều gì? Xin thưa: Đức Giêsu muốn chúng ta hãy bẻ ra cho nhau. Vâng chỉ khi nào ta biết bẻ ra những cái mình có cho người khác, thì hình như Chúa đang làm phép lạ cho mọi người chúng ta được dư dật, không ai phải túng thiếu. Chúa muốn ta bẻ ra cái gì? Xin thưa: Ngài muốn ta bẻ ra tất cả những gì mình đang có, ta phải bẻ ra kiến thức để giúp ích cho đời, ta phải bẻ ra tiền bạc để giúp đỡ người nghèo khó, ta phải bẻ mình ra ban tặng cho người khác nụ cười, ta phải bẻ miệng ra để cho người đang thất vọng lời an ủi,....

Vấn đề đặt ra: Khi bẻ ra như vậy, ta có bị nghèo đi không? Xin thưa: KHÔNG. Ta không nghèo đi, trái lại còn phong phú hơn, vì sao? Xin thưa, vì:

“Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.”

Đấy, mọi người đã chứng kiến, 05 chiếc bánh và 02 con cá khi bẻ ra, bẻ ra, bẻ ra,... nó không bị mất hút vào biển người, nhưng mọi người đều ăn và được ăn no nê, người ta còn thu được 12 thúng đầy, cùng với cá dư. Chỉ nguyên con số dư này cũng đã chứng tỏ phép lạ rồi, nó là con số áp đảo con số 05 và 02 ban đầu.

Marcô dùng từ rất ấn tượng: “no nê”, phải ăn no nê, ăn thật tình không làm khách, không được ăn cầm chừng, cứ việc ăn, ăn bao nhiêu tùy thích, vì ân sủng của Thiên Chúa luôn dồi dào cho con người. Thánh Phaolô quả quyết: Ơn Thiên Chúa luôn đủ cho ta, khi ông viết: “Chúa quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi… Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10c).

“Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông”, một con số tự nó biết nói, nó muốn chúc tụng quyền năng của Thiên Chúa.

Phép lạ hóa bánh ra nhiều ngày hôm nay, sẽ là hình ảnh tiên báo cho một phép lạ cả thể Đức Giêsu sẽ thực hiện vào buổi chiều Tiệc Ly, đó là phép Thánh Thể. Đức Giêsu không còn hóa bánh ra nhiều nữa, mà tự hiến mình thành lương thực nuôi sống con người, không chỉ một bữa hay một ngày, mà nuôi sống con người cho đến ngày tận thế.

Amen.
_____________________________

Đây là Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, mà cả bốn Thánh sử đều ghi lại: (Mt 14, 13-21); (Mc 6, 30-44); (Lc 9, 10-17); (Ga 6, 1-14 ). Riêng Thánh sử Gioan còn xác định thêm không gian và thời gian Đức Giêsu thực hiện phép lạ: “Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.”

Việc cả bốn Thánh sử tường thuật cùng một sự kiện, đủ cho thấy tầm quan trọng của phép lạ này, nhất là Gioan tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều trước sự kiện Chúa lập phép Thánh Thể, để nó như hình ảnh báo trước Thánh Thể Chúa sau này.

Hai Thánh sử Matthêu và Marcô còn tường thuật thêm Phép lạ hóa bánh lần thứ hai từ bảy con cá và một ít bánh, (Mt 15, 32-38; Mc 8, 1-10). Lần thứ hai này chỉ có Matthêu và Marcô tường thuật, còn Luca và Gioan không thấy nói đến.
_____________________________

Nguyễn Viết Tâm
 


Trở lại      In      Số lần xem: 2339
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  19
 Hôm nay:  1201
 Hôm qua:  3145
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12344351

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn