Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa - Lễ Giao Thừa Giáp Ngọ 2014

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa - Lễ Giao Thừa Giáp Ngọ 2014

 

Phân tích và Chia sẻ - Thánh Lễ Giao Thừa năm Giáp Ngọ 2014
(10/06/2013) - (Mt: 5,1-10)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
Vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành,
Vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ,
Vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
Vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người,
Vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
Vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình,
Vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
Vì Nước Trời là của họ.”
_________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ

Chúng ta đang ở vào giây phút chuyển giao năm cũ và năm mới. Năm Quý Tỵ đang đi qua, kéo theo tất cả những khó khăn, những bất lợi, những tai ương và cả những thành tựu, để nhường bước cho năm Giáp Ngọ sắp đến. Một năm mới, với bao dự tính, với bao hoài bão tốt đẹp đã vạch ra, nhưng những thách đố luôn là ẩn số mà ta chưa lường hết được. Sự vui mừng, pha lẫn sự lo lắng hiện lên trên khuôn mặt mỗi người, ta sẽ sống sao đây trong năm mới này! Chúng ta lo lắng cho tương lai của mình, rồi sẽ ra sao khi trong tay không có gì đảm bảo. Đảm bảo ư? Thế nào là đảm bảo? Vâng không có gì đảm bảo khi cuộc sống nó cứ biến động không ngừng. Giá cả cứ tăng lên vùn vụt, trong khi tiền lương đứng lại một chỗ, giá cả dịch vụ mỗi lúc mỗi tăng, làm sao chúng ta không lo lắng cho được.

Thế nhưng Giáo hội lại muốn ta tạm gác những lo lắng đó vào một chỗ, vì ngày nào có sự khốn khổ của ngày đó, ta có lo lắng cũng chẳng ích lợi gì. Giáo hội muốn chúng ta lắng nghe lời Chúa trong giây phút này, để từ lời Chúa, ta sẽ vạch ra cho mình con đường đúng đắn nhất để đi trong năm mới Giáp Ngọ này.

“Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:”

Như vậy, ta có thể khẳng định Bài Tin mừng được Đức Giêsu giảng dạy trên núi. Từ trên núi, Ngài có thể nhìn thấy dân chúng và dân chúng cũng thấy được Ngài. Theo dõi toàn bộ Phúc Âm, hầu hết các lần giảng dạy, Đức Giêsu đều thực hiện nơi hoang vắng hoặc trên núi, Ngài ít thực hiện nơi thành phố hoặc đồng bằng vì đó là những nơi ồn ào không thích hợp, nhất là Bài Tin mừng hôm nay, ta gọi là Tám mối phúc hay Hiến chương Nước Trởi, sẽ được Đức Giêsu công bố một cách long trọng cho toàn dân. Giọng của Ngài sẽ vang xa hơn, khúc chiết hơn và rõ ràng hơn.

Bài Tin mừng này thường được đọc trong Ngày Lễ Kính Các Thánh Nam Nữ, để nói lên rằng: các Thánh là những người đã sống, và thực hiện Mối phúc nào đó trong Tám mối phúc và nay được Chúa cho hưởng những gì mà mối phúc đã nói đến, đó là Nước Trời.

Nó cũng được đọc trong Lễ Giao thừa Tết Cổ truyền, để nhắc nhở mỗi tín hữu khi bước sang một năm mới cần ý thức về mục đích sống, bên cạnh chuyện lo cơm áo gạo tiền, ta còn phải ưu tiên hàng đàng đầu về những đòi hỏi của Nước Trời, đó mới là Quê thật của mình. 

PHÂN TÍCH TÁM MỐI PHÚC MỘT CÁCH TỔNG QUÁT.

(1) Điểm thứ nhất:

Các mối phúc được công bố ngày hôm nay, không phải được công bố một lần duy nhất. Thánh sử Matthêu đã gom lại các mối phúc được Đức Giêsu công bố rải rác ở nhiều nơi và nhiều lần khác nhau. Tác giả đã gom chung lại thành một bản, gọi là Bản Hiến Chương Nước Trời.

(2) Điểm thứ hai:

Cũng với khung cảnh núi non này, trong Cựu Ước, Đức Chúa đã trao cho ông Môsê Mười điều răn, ta gọi là Giao Ước, nó được ký kết giữa Đức Chúa và Dân riêng của Ngài. Ta tự hỏi Mười Điều răn được Đức Chúa ban cho dân Do Thái chưa đủ hay sao mà Đức Giêsu lại công bố thêm Bản Hiến Chương Nước Trời? Mười Điều Răn và Hiến Chương Nước Trời có sự khác biệt nào? Xin thưa:

A/_ Khác nhau về hình thức:

• Luật Chúa trao cho ông Mô-sê được ghi trên hai tấm bia đá; Luật của Đức Giê-su được ghi tạc trên tấm linh hồn và thân xác của những kẻ tin Ngài.

• Luật Chúa trao cho ông Mô-sê gồm ba điều về Chúa, ghi bia thứ I; còn bảy điều về con người ghi trên bia thứ II ; nhưng Hiến Chương Nước Trời được Đức Giê-su công bố chỉ có tám điều về con người.

B/_ Khác nhau về bản chất:

• Luật Chúa ban qua ông Mô-sê còn giam ta trong tội, có giá trị chăng nữa chỉ như quản giáo dẫn ta đến gặp Chúa Giê-su, Ngài mới là Đấng giải phóng ta thoát án phạt của Luật.

• Luật Chúa ban qua ông Mô-sê, nhưng ơn nghĩa và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. Do sự sung mãn của Ngài tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

Đức Giêsu khi nhập thể và nhập thế, thực hiện Công trình Cứu chuộc, Ngài không đả phá bất kỳ điều nào trong Lề Luật, dù chỉ là một chấm một phẩy, mà Ngài sẽ kiện toàn, có nghĩa làm cho Lề luật trở nên trọn hảo. Như vậy Mười Điều Răn vẫn là nền tảng cho một con người đạo đức, mà ngày nay Giáo hội vẫn dùng để dạy con cái mình, nhưng Bản Hiến Chương Nước Trời mới là con đường ngắn nhất đưa ta vào Nước Thiên Chúa.

(3) Điểm thứ ba:

Có sự khác biệt giữa Các mối phúc của Matthêu và của Luca. Trong khi ở Thánh Matthêu có 8 mối phúc, thì ở thánh Luca chỉ có 4 mối phúc và có thêm 4 mối họa. Điểm khác biệt thứ hai: Tám mối phúc ở Matthêu được công bố trên núi, còn ở Luca, Đức Giêsu công bố ở đồng bằng.

4 mối phúc và 4 mối họa ở Luca được viết như sau:

“Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đồ mà dạy rằng:

Phúc cho anh em là người nghèo khó, vì nước Thiên đàng thuộc về anh em.
Phúc cho anh em là người đang đói khát, vì anh em sẽ được no đủ.
Phúc cho anh em đang than khóc, vì anh em sẽ cười vui.
Phúc cho anh em khi vì cớ Con Người mà bị người ta ghét bỏ, trục xuất, sỉ nhục và làm ô danh. Khi ấy hãy vui thoả, nhảy nhót vì mừng rỡ, vì phần thưởng trên trời dành cho anh em là lớn lắm. Vì tổ phụ của họ cũng đã đối xử với các nhà tiên tri theo cách ấy.

Nhưng khốn cho các ngươi là người giàu có, vì các ngươi đã nhận đủ sự an ủi rồi.
Khốn cho các ngươi hiện đang no đủ, vì các ngươi sẽ đói khát.
Khốn cho các ngươi hiện đang cười vui, vì các ngươi sẽ thương tiếc và than khóc.
Khốn cho các ngươi khi được mọi người xưng tụng, vì tổ phụ của họ cũng đã đối xử với các tiên tri giả theo cách ấy.” (Luca 6.20-26)

Thật ra hai bản này đều giống nhau, trong khi Thánh Luca phân ra là 4 mối phúc và 4 mối họa, thì Thánh Matthêu lại chuyển 4 mối họa thành 4 mối phúc, do đó thành Tám mối phúc. Tại sao có sự khác biệt này?

Vì ta đã khẳng định: các mối phúc (mối họa) đều không công bố chỉ một lần duy nhất mà là nhiều lần và tại các địa điểm khác nhau, do đó khi Matthêu gom chung lại thành 01 bản được công bố trên núi, còn Luca gom chung thành 01 bản được công bố ở đồng bằng, điều này cũng không có gì mâu thuẫn.

Thứ đến, các Thánh Sử khi viết Tin mừng đều viết ở những thời điểm khác nhau, sau khi Đức Giêsu sống lại và lên trời, mặc dù cùng có chung một sự linh hứng là Chúa Thánh Thần, nhưng cá tính, khuynh hướng, lập trường của mỗi Vị vẫn được tự do bộc lộ khi viết Kinh thánh. Chính do đó mà Kinh thánh Công Giáo có một giá trị đặc biệt, đập tan mọi luận điệu cho rằng: các Thánh Sử đã toa rập với nhau để viết về cuộc đời Đức Giêsu. Ở Kinh thánh hầu như không có sự thống nhất về hình thức, nhưng nền tảng chính yếu vẫn là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.

(4) Điểm thứ tư:

BẢN HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI KHÔNG TUÂN THEO LUẬT NHÂN QUẢ.

Với những người nhìn Bản Hiến Chương Nước Trời theo Luật Nhân Quả thì họ sẽ cho rằng: “Nếu bạn hành động như thế, thì bạn sẽ chịu hậu quả như thế. Nếu bạn không hành động như thế, thì bạn cũng chẳng chịu hậu quả như thế. Có nghĩa, giả sử ta sống khó nghèo thì đương nhiên ta sẽ được Nước Trời, đó là điều rõ ràng, không cần bàn cãi. "Sống khó nghèo" là nhân, còn "Nước Trời" là quả. Vậy rõ ràng nguyên lý nhân quả nằm ở trong giáo huấn của các Mối Phúc.” 

Đây là quan niệm sai lầm. Mặc dù mới thoạt xem ta thấy nó có lý, nhưng khi phân tích kỹ hơn ta sẽ thấy có sự khác biệt rất lớn.

Các Mối Phúc bắt đầu bằng chữ “Phúc thay”, kế đến nói lên ai là người được hưởng phúc ấy, cuối cùng nêu lên lý do hay nền tảng của hạnh phúc ấy bằng chữ “vì”. Hạnh phúc đích thật của người Kitô hữu không phải là “quả” tự nhiên do “nhân” là việc lành phúc đức của họ. Dù sống tốt đến mấy đi nữa, thì “nhân” ấy cũng không thể sinh “quả” ấy được.

Ví dụ: Mối phúc thứ nhất____ Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

* Kitô giáo giải thích:

Không phải cứ sống khó nghèo là được Nước Trời. Chưa chắc! mà Nước Trời là phần thưởng Chúa đã hứa ban cho những ai sống khó nghèo, biểu thị bằng cụm từ “Phúc thay”. Chúa ban hay không ban là do Ngài muốn hay không.

* Còn người lý luận theo Luật Nhân quả sẽ giải thích như sau:

Cứ sống khó nghèo là đương nhiên được Nước Trời rồi, không cần đến Thiên Chúa làm gì.

Sống theo các Mối Phúc là có thái độ trân trọng cung kính. Không đưa tay thì cũng chẳng được quà. Nhưng không phải cứ đưa tay là có quà, nếu Thiên Chúa không muốn cho trước khi ta xin. Kitô giáo không dựa trên nguyên lý nhân quả. Kitô Giáo không phải là mớ lý thuyết, không phải là giáo điều, nhưng Kitô Giáo trên hết và trước hết, đó là vấn đề sống và kết hợp với một Đấng.

(5) Điểm thứ năm:

Phân tích Tám Mối Phúc:

Nếu những người sống Tám mối Phúc thật bị coi là khờ dại, thua thiệt, thì trước mặt Chúa, họ lại được chúc phúc.

Dưới cặp mắt người đời, thì tiền của, nó đồng nghĩa với quyền thế và danh vọng, vì người ta quan niệm: Có tiền mua tiên cũng được. Còn khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa là sống tinh thần nghèo khó. Ở đây ta cần lưu ý đến tinh thần nghèo khó hơn là thực tại nghèo khó. Như vậy giàu hay nghèo theo tinh thần Phúc âm là tuỳ thuộc vào thái độ của mỗi người đối với của cải vật chất.

Do đó một người nghèo xơ xác, mà cứ để lòng trí mơ ước của cải và ước muốn làm giàu bằng những phương tiện bất chính, thì có thể được coi là giầu có trong tư tưởng và ước muốn, họ không phải là người có tinh thần khó nghèo.

Trái lại một người giàu có về của cải vật chất một cách chính đáng, nhưng lúc nào cũng biết giúp đỡ anh em bất hạnh, và không để lòng trí dính bén vào của cải, thì trước mặt Thiên Chúa họ là nghững người có tinh thần khó nghèo, họ sẽ được chúc phúc.

Theo quan niệm người đời nếu người ta cứ ăn ở hiền lành, người ta sẽ bị ăn hiếp. Ở đây Chúa bảo họ cứ ăn ở hiền lành, mà theo nghĩa Thánh kinh thường đi đôi với khiêm hạ và bé mọn để được đất hứa làm cơ nghiệp.

Dưới con mắt trần gian thì đau buồn là một bất hạnh. Ðể bù lại Chúa hứa cho người sầu khổ sẽ được an ủi.

Dưới cặp mắt người đời, nếu người ta ao ước sống đời công chính, người ta sẽ bị coi là ảo tưởng. Chúa lại hứa cho người đói khát sự công chính được no thoả.

Dưới cái nhìn người đời, nếu người ta cứ thương xót mãi, người ta có thể bị lợi dụng. Còn Chúa lại hứa cho họ được xót thương.

Dưới lăng kính trần thế, người ta phải tìm hưởng thú vui cho thoả mãn ở đời này. Ðiều Chúa hứa cho người có lòng trong sạch là được nhìn xem Thiên Chúa.

Theo kinh nghiệm loài người, thì những người ăn ở thuận hoà, thường hay bị qua mặt. Còn Chúa lại hứa cho họ được làm con Thiên Chúa.

Trong thế giới ngày nay vẫn có những người bị bách hại, bị ghét bỏ, bị vu khống vì lẽ công chính do việc tin theo Chúa, Chúa hứa cho họ nước Trời. Ta có thể tưởng tượng những người bị bách hại vì lẽ công chính, những người bị cấm đạo ở những miền đất bị cấm thực hành đức tin, họ sẽ được an ủi biết bao khi nghe Phúc thứ Tám của Tám mối Phúc thật.

(6) Điểm thứ sáu:

Đức Giêsu đã mở rộng cửa Trời, mời gọi mọi người vào Nước Thiên Chúa. Ngài vạch sẵn phương pháp sống để cho con người được hạnh phúc với Người. Tám mối phúc cũng có thể gọi là “Tám con đường” vào Nước trời.

Cuộc sống có nhiều con đường. Có những con đường nhiều cạm bẫy, nhiều chông gai. Có những con đường đưa chúng ta đi vào ngõ cụt và tội lỗi, song cũng có con đường đưa ta đến hạnh phúc. Vậy chúng ta đang đi trên con đường nào? Nếu chúng ta đang lạc lối, hãy quay trở về những con đường Chúa Giêsu đã mở lối cho chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn vượt thắng mọi trở ngại trần gian, để con sống xứng đáng là người con của Chúa. Xin cho con sẵn sàng tiến bước trên con đường Chúa mời gọi con bước đi, và luôn tin tưởng phó thác trọn cuộc đời con cho Chúa trong giây phút Giao thừa này; vì chỉ có Chúa mới là nguồn hạnh phúc thật cho con mà thôi. 

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2685
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  14
 Hôm nay:  1742
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12341747

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn