Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

ĐGH Phaolô VI Bàn Về Thánh Giuse Với Thời Nay

ĐGH Phaolô VI : Bàn về Thánh Giuse với thời nay - ( Bản dịch của Đức Khiêm)

THÁNG KÍNH THÁNH GIU-SE

 

 

Thánh Giu-se là Bổn Mạng gương mẫu của các người lao động và các gia trưởng. Ngài đã sống cuộc đời lao động để nuôi sống gia đình. Chính Chúa Giê-su, dù là Con Duy Nhất của Thiên Chúa, cũng được gọi là “con của bác thợ mộc”. Vì thế, noi gương thánh Giu-se, các người lao động và các gia trưởng hãy học cho biết giá trị của lao động: nuôi sống bản thân và gia đình, liên kết với anh chị em và phục vụ họ, thực thi bác ái đích thực và góp công vào việc kiện toàn công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa.

(Lịch công giáo 2014 tr 49)

 

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI

BÀN VỀ THÁNH GIUSE VỚI THỜI NAY.

 

“Lậy Thánh Giu-se là gương đức thanh bần, xin cầu cho chúng con”

 

Ngày 19/03/1969, Đức Phaolô VI khi cử hành lễ kính Thánh Giuse tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, đã giảng một bài nêu cao những nhân đức của Thánh Giuse và rút ra những bài học do sự suy niệm về cuộc đời Thánh Cả.

 

Ngày lễ hôm nay nhắc lòng chúng ta suy tưởng đến Thánh Giuse, cha theo pháp lý và coi như chính thức của Chúa Giê-su. Vì nhiệm vụ của Ngài bên cạnh Ngôi Lời Nhập Thể trong thời thơ ấu và thiếu niên, nên Ngài cũng đã được nhận là vị Bảo trợ Hội Thánh, giúp Hội thánh nối tiếp trong thời gian và phản chiếu trong lịch sử chính hình ảnh và sứ mạng Chúa Ki-tô.

 

01.- Ngôn ngữ Thánh Giu-se.

 

Để suy niệm về Thánh Giu-se, thoạt đầu tưởng chừng như thiếu chất liệu: nào ta biết gì về Thánh Giu-se, ngoại trừ danh Ngài và mấy giai đoạn hiếm hoi về thời kỳ thơ ấu của Chúa? Phúc âm không ghi lại một lời nói nào của Ngài. Ngôn ngữ của Ngài ư? Ngài chỉ giữ im lặng, lắng nghe thiên thần nói lên với Ngài trong giấc ngủ, mau mắn và quảng đại vâng theo ý Trên, chuyên cần làm việc chân tay dầu là công việc tầm thường và mệt nhọc nhất khiến người ta khi nói về Chúa Ki-tô, đã gọi là ‘Con Bác thợ mộc’ (Mt:13,55). Chỉ thế thôi, không có gì khác nữa. Có thể nói cuộc đời Thánh Giu-se là một đời tối tăm, đời của một thợ thuyền, không có chút nhãn hiệu cao cả nào cho cá nhân mình.

 

Thế nhưng, khuân mặt khiêm tốn ấy lại rất gần với Chúa Giê-su và Đức Mẹ, gắn liền vào gia hệ Đấng Cứu Thế, là thừa kế chung kết của dòng họ đã hứa cho nhà vua Đa-vít (Mt:1,20). Khuân mặt ấy, nếu ta chú tâm chiêm ngưỡng, sẽ thấy biểu lộ nhiều phương diện và ý nghĩa phong phú. Phụng vụ của Giáo hội và lòng sùng kính của giáo hữu diễn tả những phương diện phong phú ấy dưới hình thức bản “Kinh cầu Ông Thánh Giu-se” và một đền thờ trứ danh tân thời xây kính Thánh Giu-se do sáng kiến của một tu sĩ khiêm tốn ở bậc trợ tá, thầy Andrê thuộc tu hội Thánh Giá ở Montréal (Canađa), có chủ đích đề cao những tước hiệu của Thánh nhân bằng một loạt những bàn thờ phụ sau bàn thờ chhính, mỗi bàn thờ tôn kính một tước hiệu của Ngài như: Bảo hộ nhi đồng, Bảo hộ hôn nhân, Bảo hộ gia đình, Bảo hộ công nhân, Bảo hộ đồng trinh, Bảo hộ di cư, Bảo hộ lâm tử.

 

02.- Thánh Giu-se: con người dấn thân.

 

Và nếu anh em quan sát cuộc đời quá khiêm tốn ấy, anh em sẽ thấy đó là một cuộc đời lớn lao, hạnh phúc, đầy mạo hiểm, chứ không như anh em thoạt nghĩ khi mới thoáng nhìn qua vài nét phác họa sơ sài trong Kinh Thánh. Phúc âm diễn tả Thánh Giu-se là “Người công chính” (Mt:1,19). Thật không còn thể ngợi khen những nhân đức nào vững chắc hơn, hay những công nghiệp nào cao cả hơn nữa nơi một người chỉ ở địa vị tầm thường và dĩ nhiên không có làm những việc rạng rỡ tiếng tăm.

 

Thánh Giu-se quả là một người khó nghèo, ngay chính, cần mẫn, có khi rụt rè, nhưng Ngài có một đời sống nội tâm sâu thẳm, từ đó Ngài tiếp nhận được những mệnh lệnh và những khuyến cáo đặc biệt, cũng như Ngài tìm được lý do và sức mạnh cho quyết định lớn lao, như việc phó thác tức thời cả quyền tự do, cả chức phận con người, cả hạnh phúc lứa đôi, để mặc Thánh ý Chúa định đoạt, Ngài đã nhận sống cuộc đời gia đình với tất cả trách nhiệm và gánh nặng của bậc ấy, nhưng lại khước từ tình yêu phu phụ theo lối tự nhiên, để đổi lấy một tình yêu trinh khiết khôn lường. Như vậy Ngài đã hy sinh dâng hiến cả đời sống cho những đòi hỏi siêu việt bởi cuộc giáng trần kỳ diệu của Đấng Cứu Thế, mà Ngài được hân hạnh đặt cho tên diễm phúc là Giê-su (Mt:1,21) và Ngài nhìn nhận như là quả phúc của Chúa Thánh Thần, còn mình thì chỉ là cha theo pháp lý và nếp sống gia đình mà thôi. Vậy, Thánh Giu-se quả thật là một con người “dấn thân”. Dấn thân biết bao, đối với Đức Ma-ri-a, người nữ diễm phúc nhất trần ai, nhất lịch sử, hiền thê của Ngài không phải theo nghĩa sinh lý, nhưng là một hiền thê trọn đời đồng trinh. Dấn thân biết bao, đối với Chúa Giê-su, quý tử của Ngài không phải theo lẽ tự nhiên, nhưng chiếu theo miêu duệ pháp lý của Đức Ki-tô.

 

Thánh Giu-se đã nhận lấy hết gánh nặng trách nhiệm, hiểm nguy, lo lắng về cái gia đình bé nhỏ và kỳ diệu này: Thánh gia thất. Người chỉ biết phục vụ, chỉ biết làm việc, chỉ biết hy sinh, trong khung cảnh kín ẩn của trang Phúc âm như ta quen chiêm ngưỡng Ngài, nhưng bây giờ ta đã biết tất cả sự thật, nên ta ca ngợi Ngài là diễm phúc, cực diễm phúc.

 

03.- Tiêu Chuẩn Phúc Âm.

 

Chính Phúc Âm là thế: ở đây, những giá trị của đời sống con người có một tầm mức khác hẳn tầm mức ta quen thẩm định, ở đấy cái gì nhỏ bé trở nên lớn lao. Ta hãy nhớ lại những lời tâm nguyện của Chúa Giê-su ở chương XI, Phúc âm theo Thánh Mátthêu: “Lậy Cha là Chúa trời đất, con chúc tụng Cha vì lẽ Cha đã giấu những sự ấy cùng kẻ khôn ngoan và Cha đã bộc lộ cho người chất phác.” Ở đây, cái gì hèn hạ trở nên xứng đáng địa vị xã hội của Con Thiên Chúa, trở thành con loài người. Ở đây, cái gì là kết quả sơ sài của một nghề thủ công tầm thường và khó nhọc, trở nên hữu dụng cho công việc đời trần gian của Đấng tạo thành vũ trụ và thế giới, và còn có thể cung cấp của ăn thanh đạm hằng ngày cho Đấng sẽ tự định nghĩa mình là “Bánh hằng sống” (Jo.6,48). Ở đây, điều gì người ta đã phải bỏ mất vì lòng yêu Chúa Giê-su, đều sẽ tìm lại được, và ai hy sinh mạng sống mình vì Chúa Giê-su sẽ giữ được sự sống đời đời (Jo.12,25).

 

Thánh Giu-se chính là tiêu chuẩn Phúc âm (type évangélique) mà Chúa Giê-su, sau khi dời bỏ xưởng thợ Na-da-rét để thi hành sứ mạng tiên tri và giáo huấn, sẽ loan báo như chương trình cứu chuộc nhân loại. Thánh Giu-se là khuân mẫu lớp người khiêm hạ mà kitô giáo biến cải thành những định mệnh lớn lao, Thánh Giu-se là biểu chứng cho biết muốn trở thành môn đệ tốt lành chân chính của Chúa Ki-tô, chẳng cần phải làm những việc lớn lao, chỉ cần những nhân đức thông thường, đơn sơ, xứng hợp với con người, nhưng là những nhân đức đích thực.

 

4.- Kim Chỉ nam Cho Thời Nay.

 

Đến đây, sự suy gẫm khiến ta chuyển cái nhìn từ vị Thánh khiêm tốn sang khung cảnh đời sống của mỗi người chúng ta, như thông lệ khi làm việc nguyện ngắm, ta hãy xích lại gần Ngài và làm cuộc so sánh giữa Ngài với ta, sự so sánh cố nhiên không có gì để ta tự kiêu nhưng sẽ giúp ta tìm được ở đó một nguồn khích lệ. Chúng ta sẽ được khích lệ bắt chước Thánh Giu-se theo tầm mức phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta sẽ được lôi cuốn theo Ngài, trong tinh thần và sự thực thi những nhân đức mà ta nhận thấy rất vững mạnh nơi Ngài, cách riêng nhân đức khó nghèo mà ngày nay người ta rất hay nói đến. Và chúng ta không phải băn khoăn vì sợ khó thực hành nhân đức ấy trong một thế giới hướng về sự chinh phục một nền kinh tế phong phú, làm như nhân đức khó nghèo là điều mâu thuẫn với tiến bộ, là điều nghịch lý và không thực tế trong một xã hội tiêu thụ và sung túc.

 

Không, với Thánh Giu-se khó nghèo và cần mẫn, có làm mới có ăn cũng như chúng ta, chúng ta sẽ nghĩ rằng những lợi ích kinh tế cũng đáng cho kitô hữu chúng ta quan tâm, miễn là chúng ta không coi đó là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện để sống hướng về những lợi ích cao thượng; đối với chúng ta, lợi ích kinh tế cũng không được dùng để thỏa mãn tính ích kỷ, keo kiệt, mà phải là động lực kích thích lòng bác ái bao dung. Lợi ích kinh tế lại cũng không phải để miễn trừ sự làm việc cho bất cứ ai hay để khuyến khích sự vui chơi hưởng lạc một cách dễ dãi ươn hèn. Trái lại, lợi ích kinh tế phải được sử dụng rộng rãi để mưu ích cho mọi người.

 

Sự khó nghèo, cần cù và thế giá của vị Thánh Phúc âm này còn là chỉ nam cho chúng ta ngày nay để tìm lại dấu chân Chúa Giê-su trong thế giới kim thời. Đó cũng là bài học hùng hồn về nếp sống vật chất đứng đắn giữa một nền kinh tế phức tạp và quay cuồng; bài học ấy giữ chúng ta trên con đường thẳng, không buông theo cuồng vọng ham mê tài sản hay quyến rũ, cũng không ngã theo chủ trương khai thác sự nghèo khổ như một lợi khí đấu tranh.

 

5.- Đấng Bảo Trợ Mạnh Thế.

 

Vậy nên Thánh Giu-se là một gương mẫu cho chúng ta, mà chúng ta sẽ cố bắt chước. Ngài còn là Đấng bảo hộ, nên chúng ta cầu khấn Ngài. Đó là điều mà Hội thánh vẫn quen làm, trong thời kỳ hiện tại, để giúp suy cứu thần học về sự phối hợp hành động của Thiên Chúa với hành động của nhân loại trong công trình cứu thế vĩ đại. Vì quả thực, mặc dầu hành động của Thiên Chúa là đủ, thì hành động của loài người tuy nó là bất lực, cũng không được miễn trừ, mà phải cộng tác: một sự cộng tác khiêm tốn, nhưng có điều kiện và có giá trị cao quý.

 

Cũng vì Thánh Giu-se là Đấng bảo trợ, nên Hội thánh kêu cầu Người với ước nguyện thâm sâu và hợp thời là làm xanh tươi lại nếp sống lâu đời của mình bằng những nhân đức thuần túy Phúc âm, sáng chói nơi Thánh Giu-se. Hội Thánh kêu cầu Ngài như Đấng bảo hộ, với niềm tin vững mạnh rằng xưa Ngài đã được Đức Ki-tô trao phó sự bảo vệ tuổi ấu thơ non nớt, thì nay từ trời Ngài cũng sẽ tiếp tục sứ mạng dìu dắt và bảo vệ Nhiệm thể cũng của Chúa Ki-tô ấy, vẫn còn yếu đuối, vẫn bị đe dọa, và thảm hại thay vẫn có thể lâm nguy! Sau nữa, chúng ta sẽ kêu cầu Thánh Giu-se cho thế giới, vì chúng ta biết chắc rằng tâm hồn của Ngài, ngày nay tràn đầy phước lộc và quyền thế khôn tả, vẫn ấp ủ và mãi mãi ấp ủ một thiện cảm đặc biệt quý giá đối với toàn thể nhân loại. A-men.

 

(Bản dịch của Đức Khiêm)


Trở lại      In      Số lần xem: 4651
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  30
 Hôm nay:  8300
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12264454

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn