Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Suy Niệm Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông đồ (29/06)

Suy Niệm Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông đồ (29/06)

Suy Niệm Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông đồ (29/06)

 

1.- Hai Thánh Tử Đạo Phê-rô và Phao-lô

(Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

 

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô. Theo truyền thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền.

 

Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.

 

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ « tảng đá », chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại những người tin Chúa Kitô. Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là «dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).

 

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

 

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới. Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời ; cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại. Phaolô đã bị đánh cho mù, cuối cùng thấy rõ hơn ; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng. Phaolô đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh. Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.

 

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.

 

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng : « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)

 

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)

 

Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28) ; « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).

 

Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn.  Nơi dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn ; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn tiền. Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới chân trời góc bể. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài ; các tín hữu nhẩm đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.

 

Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của các hai đấng. Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất. Hình thức tử đạo thật mầu nhiệm. Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình. Đó không phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế. Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

 

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

 

Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.

 

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con. Amen.

 

2. “ST” nghĩa là sự thánh thiện

(Lm.Jos Tạ Duy Tuyền)

 

Người ta kể rằng: tại một vùng miền quê nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói khổ, nghèo nàn đã trở thành kẻ  “bần cùng sinh đạo tặc”. Họ rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).

 

Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống để mong chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng, anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.

 

Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi cần phải lấy lại lòng tin của những người xung quanh và của chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Anh lao động bằng đôi tay của mình. Anh dành một phần hoa lợi để giúp đỡ người nghèo. Anh sống chan hoà tình yêu thương với mọi cư dân trong vùng. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh. Nhưng chẳng mấy ai để ý đến ý nghĩa hai chữ ST trên vầng trán của anh.

 

Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (Saint)”.

 

Hôm nay lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, các ngài trở thành thánh nhân cao cả là nhờ biết khép lại quá khứ để chỉ lo tìm kiếm ý Chúa và thực thi suốt cuộc đời. Các ngài cũng có một quá khứ lầm lỗi, một quá khứ tưởng chừng như đã làm cho hai ngài suốt đời sống trong ân hận và tủi nhục. Phêrô đã có lần bị Chúa quở là Satan. Lầm lỗi lớn nhất trong cuộc đời ông là ba lần chối Thầy trước mặt người đời. Phaolô đã năm lần bảy lượt đi lùng bắt những ai mang danh kytô hữu. Chính Phaolô đã can dự vào việc ném đá Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Nhưng mẫu số chung của hai ngài chính là biết đứng lên sau những lần vấp ngã và chuộc lại lỗi lầm bằng cuộc sống  làm chứng nhân cho Chúa.

 

Thực vậy, sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô. Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: “Phêrô, sao con lại chối Ta. Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vấn hay sao?”. Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya đã giúp lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: “trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”. Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức.  Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Mới hôm qua ông còn tuyên bố rằng: “dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Thế mà, miệng gan hùm đã không còn khi đối diện trước nguy nan. Ông đã hèn nhát chối Thầy đến ba lần. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã "đổi mới" tâm hồn Phêrô.  Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.

 

Phaolô, sau lần ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà hôm ấy.  Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Con mắt thể xác ông bị đóng lại, nhưng con mắt tâm hồn ông lại được mở ra. Ông đã thấy Giêsu, người mà ông tưởng đã chết, thế mà, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Người đang nói với ông: “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm giết”. Bao lâu nay ông không tin có sự sống lại. Ông đang hăm hở tiêu diệt những ai loan báo về sự sống lại của một tử tội Giêsu. Giờ đây, ông đã tin. Sự sống của Chúa Phục sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Và kể từ nay, ông đã trở thành một tông đồ ra đi đổi mới cả thế giới.

 

Cuộc đời của mỗi người chúng ta đôi khi cũng có những yếu đuối, có những vấp té bởi cạm bẫy của tham sân si. Vì thế, có ai đó đã từng nói rằng: “lầm lỗi là của con người”, nhưng đứng lên làm lại cuộc đời đó là của “thánh nhân”. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã nhìn quá khứ như một hồng ân của Thiên Chúa dành cho các ngài. Chúa không trách phạt các ngài mà còn tin tưởng trao phó sứ mạng mở mang nước Chúa đến tận cùng trái đất. Với ơn trời cao cả đó, thánh Phaolô đã từng thốt lên : “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Còn thánh Phêrô thì không còn sợ cường quyền ức hiệp, ngài đã mạnh dạn nói rằng: “phải nghe lời Thiên Chúa hơn là lời của con người”. Và hôm nay, Chúa vẫn không trách phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội, Ngài vẫn khoan dung tha thứ và hằng mời gọi chúng ta hãy làm lại cuộc đời, hãy dùng ơn Chúa để hoàn thiện mình và nhất là hãy nói về tình yêu Chúa cho anh em, cho bạn bè, cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ thân quen.

 

Nhìn lại cuộc đời của hai thánh Phê-rô và Phao-lo giúp chúng ta biết can đảm đứng dậy sau những lần vấp ngã, và nhất là biết noi gương các ngài trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen


Trở lại      In      Số lần xem: 6538
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  23
 Hôm nay:  1054
 Hôm qua:  2972
 Tuần trước:  23881
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12220127

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn