Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần IV thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần IV thường niên năm chẵn.

 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu tuần IV Thường niên năm chẵn 
Thứ Sáu Đầu Tháng
(07/02/2014) - (Mc 6, 14-29)
MÙNG TÁM TẾT GIÁP NGỌ - 2014

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an tẩy giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Kẻ khác nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!”

Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thiết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.

Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Trước khi đi vào phân tích Bài Tin mừng, ta nên giới thiệu sơ qua một số nhân vật được Bài tin mừng đề cập, để có thể nắm bắt toàn bộ câu chuyện Gioan Tẩy Giả bị chém đầu hôm nay.

1/. Vua Hêrôđê Cả:

Vua Hêrôđê cai trị từ năm 37 trước CN cho đến năm 4 sau CN được gọi là Hêrôđê Cả. Chính vị vua này đã tìm cách giết Đức Giêsu khi ra lệnh tàn sát các trẻ em ở Bê-lem (Mt 2,1-18). Hêrôđê Cả được kế thừa bởi những người con làm quận vương như sau:

2/. Hêrôđê Archelaus:

Hêrôđê Archelaus được phân chia cai trị miền Giuđêa, Samaria và Idumea cũng gọi là Edom từ năm 4 trước Công Nguyên cho đến năm 6 sau Công nguyên.

3/. Hêrôdê Antipas:

Hêrôđê Antipas, Ông là người con thứ bảy của vua Hêrôđê Cả. Mẹ ông là bà Malthakê thuộc người xứ Samari. Hêrôđê làm thủ hiến miền Galilê và miền Pêrê, thuộc chư hầu của đế quốc La mã từ năm thứ 4 trước công nguyên đến năm 39 sau công nguyên, và bị truất quyền bởi hoàng đế Caligula. Ông chỉ là thủ hiến, nhưng thường được gọi nôm na với tước hiệu là vua. Thủ hiến vì ông chỉ có quyền trên một phần tư miền đất thuộc vương quốc của vua cha Hêrôđê Cả.

Hêrôđê Antipas là người lấy Hêrôđia, vợ của anh trai mình là Philip. Gioan Tẩy Giả tố cáo ông là loạn luân. Ông cầm tù Gioan và cho lính vào ngục chém đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm mang cho con gái bà Hêrôdia (Matthêô 14.3-12; Matcô 6.17-29 và Luca 3.19-20) Ông cũng chính là kẻ mà sau này Chúa Giêsu gọi là "con cáo già" (Lc 13, 32).

4/. Hêrôđê Philip:

Hêrôđê Philip cũng là con của Hêrôđê cả và Clêopâtre (không phải hoàng hậu Ai Cập), tức anh em cùng cha khác mẹ với Hêrôđê Antipas. Làm quận vương xứ Iturê và Trakhônitô, cũng như gồm cả Auranitô, Batanêa, Gaulinitô. Philip cai quản năm 4 trước Công nguyên cho đến chết vào năm 34 sau Công nguyên. Vì không có con nối ngôi, vua Tibêriô sáp nhập phần đất này vào miền Syria. Hêrôđia là vợ của Philip và bị Hêrôdê Antipas chiếm đoạt.

Như vậy, Hêrôđê Archelaus - Hêrôdê Antipas - Hêrôđê Philip được thừa hưởng vương quyền từ người cha là Hêrôđê Cả. Trên thực tế, cả 03 người này chỉ là Thủ hiến, được Rôma chấp nhận, có nghĩa 03 người này không phải là vua đúng nghĩa, mà thay mặt Rôma cai trị các miền được Hêrôđê Cả phân chia.

Trong Bài tin mừng, Hêrôđê có hứa với cô con gái của bà Hêrôđia: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Đây là lời hứa hão không có giá trị, vì ông chỉ là Thủ Hiến chứ không phải là vua Do Thái nên không có quyền hứa như vậy. Ông không có quyền cho cái mà ông không có.

5/. Bà Hêrôđia:

Bà Hêrôđia là con gái ông Aristobule IV, người anh em với ông Hêrôđê Antipas, vì thế trên nguyên tắc bà thuộc hàng cháu của Hêrôđê Antipas. Mẹ bà Hêrôđia thuộc dòng dõi Atmônê.

Khi ông Gioan Baotixita bị bắt giam, bà Hêrôđia khoảng 40 tuổi, và bà đã bỏ người chồng đầu để về ở với ông Hêrôđê Antipas. Ông này thuộc hàng chú của bà. Ở đây bà không bị lên án vì lấy một ông chú, nhưng ông Gioan lên án vì Hêrôđê Antipas đã lấy vợ của anh mình, mà theo Luật Lêvi hoàn toàn bị cấm (Lv 18,16; 20,21). Ngoài ra còn vấn đề tên người chồng đầu của Hêrôđia; theo Marcô người đó mang tên Philípphê (Hêrôđê Philip).

6/. Salômê:

Là con gái của Hêrôđia với người chồng đầu (Hêrôđê Philip), người khiêu vũ trong bữa tiệc mừng sinh nhật vua Hêrôđê Antipas.

“Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh.”

Vua Hêrôđê nói đến trong Bài Tin mừng là Hêrôđê Antipas (từ nay sẽ gọi tắt là Hêrôđê), ông làm Thủ hiến miền Galilê và Pêrê, nơi Đức Giêsu đang rao giảng Tin mừng. Marcô cho biết, lúc này Đức Giêsu đã nổi danh được mọi người biết đến và dĩ nhiên trong số đó có cả Hêrôđê. Ông đang thắc mắc về Ngài.

“Có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an tẩy giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Kẻ khác nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!”

Đức Giêsu đang là dấu hỏi lớn đối với Hêrôđê, ông ta luôn thận trọng không muốn tiếp tục phạm sai lầm, vì trước đó ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy Giả trong một lúc cao hứng, một người mà ông ngưỡng mộ và kính trọng. Ông đang nghe những ý kiến người chung quanh nói về Đức Giêsu.

Marcô tường thuật câu Tin mừng này theo truyền thống dân chúng. Lúc ấy trong dân chúng cũng đang có nhiều luồng dư luận khác nhau về Đức Giêsu. Marcô viết: “Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” (Mc 8, 27-28)

Nói chung dư luận quần chúng đang đề cao Đức Giêsu, nhưng họ không diễn tả đúng căn tính của Ngài, đó là Con Thiên Chúa. Hôm nay những người thân cận với Hêrôđê cũng trả lời với vua giống như thế.

Nhưng Hêrôđê thiên về ý kiến cho Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả, người mà ông đã cho chém đầu, nay trỗi dậy. Trong thâm tâm, ông đang muốn điều đó xảy ra, vì đây là cách làm nhẹ nỗi dằn vặt trong tâm hồn ông.

Đến đây phần dư luận nói về Đức Giêsu đã kết thúc, Marcô chuyển sang phần thứ hai, đó là thuật lại chuyện Gioan Tẩy Giả bị chém đầu.

“Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!”

Ta nên nhớ, bà Hêrôđia lúc này đã 40 tuổi, bà là một phụ nữ đầy tham vọng, bà muốn chiếm đoạt cả nước của Hêrôđê, chứ không cần nửa nước như Hêrôđê đã hứa với con gái bà. Trong lịch sử thế giới ta đã chứng kiến, khi một phụ nữ có nhan sắc đồng thời cũng đam mê quyền lực, ắt hẳn sẽ dẫn đến thảm họa. Bà Hêrôđia là một dẫn chứng cụ thể.

Đối với Hêrôđê, bà vừa là cháu, vừa là chị dâu. Như vậy nếu Hêrôđê cương quyết lấy bà Hêrôđia, cả 02 người sẽ phạm tội loạn luân đến 02 lần.

Nhưng độc giả sẽ thắc mắc, tại sao Gioan Tẩy Giả lại chỉ chú trọng vào nố loạn luân Hêrôđê lấy vợ anh mình, mà không nhắc gì đến việc hai chú cháu lấy nhau? Xin thưa, chỉ nguyên việc lấy vợ anh mình cũng đủ nặng ký ngăn cản Hêrôđê. Điều này ghi rõ trong luật Môsê, Sách Lêvi (Lv 18,16; 20,21).

Thắc mắc thứ hai, Gioan Tẩy Giả có can gián vua Hêrôđê trực tiếp không? Có nghĩa ông có vào triều đình nhà vua để nói điều đó không?

Chuyện đó không quan trọng. Rất nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, không nhất thiết Gioan Tẩy Giả phải ra trước mặt và can gián Hêrôđê, bởi vì điều đó cũng khó có thể xảy ra. Nhưng điều chắc chắn là: trong xã hội đương thời, Thánh Gioan đã lấy một lập trường rất rõ ràng. Ngài đã công bố lời kết án về sự cấu kết bất chính đó.

Như vậy ta có thể hiểu Gioan Tẩy Giả đã kết án Hêrôđê trong những lần giảng dạy dân chúng. Ông đã giảng dạy điều Thiên Chúa truyền cho ông và can đảm nói trước công chúng để chặn đứng sự suy đồi đạo đức trong dân. Hêrôđê là một ông vua, chỉ vì sắc đẹp mà chà đạp lên Luật Chúa, đó sẽ là gương mù dịp tội cho người khác nếu những người có trách nhiệm tôn giáo không lên tiếng. Trong Bài Tin mừng này Marcô không đề cập gì đến thái độ của Thượng tế, Kinh sư và Pharisêu, chứng tỏ họ không dám lên tiếng trước một việc quá rõ ràng, vì sợ liên lụy đến bản thân mình.

Và Hêrôđê đã cho lệnh bắt Gioan, Marcô mô tả chi tiết số phận của ông, không những ông bị giam trong ngục mà còn bị xiềng nữa. Như vậy đủ chứng tỏ sự tức giận của Hêrôđê đến mức nào.

“Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được.”

Marcô dùng cụm từ “căm thù”, như vậy Gioan là trở ngại duy nhất và nguy hiểm nhất cho tham vọng của Hêrôđia, bà phải giết Gioan cho bằng được để từ nay không còn ai có thể cản trở bà nữa. Người ta thường nói, khi một người sa vào điều xấu thì thường họ sẽ đi đến cùng để phạm vào một điều ác. Vì tham vọng, bà quyết lấy Hêrôđê, đó là điều xấu, bà sẽ đi bước kế tiếp đó là phải giết Gioan, đó là một điều ác. Như vậy chỉ vì tham vọng bà sẽ phạm vào điều ác kinh tởm, đó là đổ máu người công chính.

Nhưng Marcô nói, bà không làm được. Tại sao bà không giết được? Xin thưa: vì bà không có quyền gì trên lãnh thổ của Hêrôđê, lúc này cả hai chỉ lén lút với nhau chứ chưa dám công khai, vả lại Hêrôđê đang che chở cho Gioan.

“Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.”

Marcô nói: Hêrôđê sợ Gioan vì Gioan là người công chính thánh thiện. Một ông vua có quyền lực lại đi sợ một tù nhân sao, điều này cho ta thấy sức mạnh của lẽ phải thế nào, và nó cũng cho thấy sự xấu hổ, mặc cảm khi làm điều xấu thế nào. Khi ta sống ngay thẳng, chính trực thì ta có được một sức mạnh, sức mạnh đó đến từ Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng Chân Thiện Mỹ.

Hêrôđê còn che chở cho ông, đây là điểm khác biệt giữa các Thánh sử. Bài Tin mừng này được 02 Thánh sử thuật lại: Matthêu (Mt 14, 3-12 ); Marcô (Mc 6, 14-29).

Ở Matthêu: “Ông Gio-an có nói với vua: "Ngài không được phép lấy bà ấy." Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ.” Như vậy quan điểm của Marcô và Matthêu hoàn toàn khác nhau.

+ Ở Matthêu:

Hêrôđê được trình bày như một ông vua tàn ác, mê đắm sắc dục bất chấp luân thường đạo lý. Ông thật tình muốn giết Gioan nhưng chỉ vì sợ dân chúng nên chưa thể ra tay. Và sau này, trong đám tiệc mừng sinh nhật, sau khi đã lỡ hứa với con gái bà Hêrôđia, vua đã ra lệnh chém đầu Gioan mà không chút hối tiếc tuy ông có buồn một chút, vì đây là ngày vui mà lại có chuyện đổ máu.

+ Ở Marcô:

Hêrôđê vẫn còn nhân tính, mặc dù làm điều xấu, bắt giam Gioan nhưng vẫn kính trọng ông, còn che chở cho ông khỏi Hêrôđia. Và sau này, trong đám tiệc mừng sinh nhật, sau khi đã lỡ hứa với con gái bà Hêrôđia, vua đã ra lệnh chém đầu Gioan mà trong lòng rất buồn.

Như vậy, ngay phần mở đầu của Bài Tin mừng, Hêrôđê thiên về ý nghĩ cho Đức Giêsu là Gioan, đã bị chém đầu nay đã sống lại (“Ông Gio-an ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!”). Mặc dù sự suy nghĩ này hoàn toàn vô lý, nhưng Hêrôđê lại muốn sự vô lý ấy xảy ra để giảm bớt sự dằn vặt trong tâm hồn ông.

Marcô còn cho biết: “Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.” Có lẽ Hêrôđê bị sâu xé bởi 02 trạng thái tâm lý, một đàng thích bà Hêrôđia và quyết tâm chiếm đoạt bà, còn đàng kia thì biết đó là điều không được phép. Như vậy, Hêrôđê chưa hẳn là con người xấu. Khi một người còn biết lưỡng lự trước điều xấu, điều ác, chứng tỏ họ vẫn còn lương tâm. Nhưng điều đó chưa giúp họ nên tốt khi họ chưa dám sống theo tiếng nói lương tâm đó.

“Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thiết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê.”

Marcô nói: một ngày thuận lợi đến. Marcô muốn nói thuận lợi cho ai? Chắc chắn không phải cho Hêrôđê, vì đối với ông đây là ngày vui chứ không phải thuận lợi. Hai từ “thuận lợi” ở đây dành cho Hêrôđia, bà đã vạch sẵn một kế hoạch đưa Hêrôđê vào bẫy, phải để chính tay Hêrôđê giết Gioan Tẩy Giả chứ không ai khác.

Ông bà ta có câu: “Khi người đàn bà tham vọng ra tay, thì người đàn ông nên đi nơi khác lánh nạn.” Đức Khôn ngoan dạy như vậy. Nhưng Hêrôđê không được đi đâu vì hôm nay là ngày vui của ông, vì thế mới xảy ra thảm họa.

Đối với dân Do Thái, tiệc mừng sinh nhật, đây là thói quen của dân ngoại chứ không phải của người Do Thái. Hêrôđê mời những chức sắc trong triều, gồm những vị bộ trưởng, tướng quân đội và các thân hào trong vùng. Nhóm người này kết hợp lại thành nhóm bảo hoàng Hêrôđê, hay còn gọi là phe Hêrôđê như Marcô thường nói đến (Mc 3,6; 12,13). Nơi tổ chức tiệc không được nói tới, nhưng rất có thể xảy ra trong cung đình của Hêrôđê Antipas ở bờ hồ Tibêriade, vì chỉ nghe nói tới những thân hào miền Galilê đến dự tiệc mà không nghe nói tới nhóm thuộc miền Pêrê. Ta nên nhớ Hêrôđê làm Thủ hiến cả Galilê và Pêrê.

Marcô nhấn mạnh hôm nay là Sinh nhật của vua Hêrôđê, nhưng Hêrôđia lại biến nó thành ngày Tử của người công chính. Điều này không được phép vì bất cứ lý do gì, đấy là ta chưa nói đến các tù nhân sẽ được tha trong ngày này. Ngày sinh của người này lại biến thành ngày tử của người kia, Hêrôđia thật ác độc còn trên sự ác độc!

“Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.”

Hêrôđia đã sắp xếp cho con gái mình (con với Philliphê) vào nhảy múa làm vui nhà vua và quan khách. Con gái bà tên là Salômê. Có lẽ vì quá nham hiểm, nên bà đã hạ nhục dòng dõi hoàng tộc mà không hay biết. Thật xuẩn ngốc! Theo phong tục của Do Thái, việc nhảy múa trong một bữa tiệc để làm cho thực khách vui thích, vốn là một việc biểu diễn của các cô gái điếm hay cung nữ. Nhưng Salômê đường đường là một vị công chúa, đã bị Hêrôđia, mẹ mình, biến thành cô gái điếm. Không biết người thuộc phe Hêrôđê, đang là quan khách, sẽ nghĩ gì? Chắc cũng phải nhắm mắt cho qua, ráng cười cho Hêrôđê vui lòng. Nhưng sử sách sẽ không bỏ qua sự kiện này. Bà Hêrôđia thật ác độc và đê tiện, không từ bất kỳ thủ đoạn nào, ngay cả việc hy sinh danh dự con gái mình và hạ nhục luôn cả hoàng tộc.

Có lẽ cuộc biểu diễn của Salômê quá xuất sắc và công phu, thêm vào đó là sự cao hứng do hơi men, nên Hêrôđê đã đưa ra lời hứa, không những lời hứa mà còn là một lời thề với cô gái: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.”

Đây là lời thề ẩu và cẩu thả, vì Hêrôđê chỉ là Thủ hiến 02 miền: Galilê và Pêrê, chứ không phải cả nước Do Thái, cho dù ông có cai quản cả nước Do Thái đi nữa, nhưng vẫn không có thực quyền, vì nước Do Thái hiện nay đang thuộc La Mã cai trị. Như vậy ông lấy nước đâu mà chia cho cô gái. Ông tính lấy cái mình không có để cho người khác sao!

Cho dù ông là vua có thực quyền đi nữa, ông cũng không được phép đem giang sơn gấm vóc của tiền nhân, để làm trò tiêu khiển. Ông sẽ đắc tội với Liệt Tổ Liệt Tông. Một ông vua mà không biết giữ mình trong những lúc vui chơi như vậy, còn xứng đáng ngồi trên ngai vàng nữa không? Hỏi tức là trả lời.

Bây giờ ta hãy xét, lời thề của vua Hêrôđê có giá trị không? Nếu không có giá trị thì không buộc phải giữ. Nếu không giữ thì ông chỉ mang tiếng một lúc nào đó nhưng không ai trách, sử sách sẽ không nói đến. Nhưng nếu vì sĩ diện mà giữ, ông sẽ mù quáng làm theo lời yêu cầu của cô gái, vì lời yêu cầu này chưa được đưa ra, chưa biết tốt xấu thế nào.

Ta khẳng định LỜI THẾ NÀY KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ. Vì ông là vua chỉ ở 02 miền chứ không phải cả nước Do Thái, và là ông vua bù nhìn không có quyền. Vả lại lời thề trong lúc say rượu sẽ không có giá trị. Như vậy lời thề không buộc ông phải giữ.

Tất cả những người có chức vụ trong xã hội, hãy học bài học cay đắng này, đừng đem lợi ích của đất nước, lợi ích dòng tộc,... đặt trên bàn nhậu. Nhưng hãy biết sống tiết độ, vì càng làm lớn đòi hỏi người ta càng gương mẫu, mực thước trong sinh hoạt, trong lối sống.

“Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.”

Marcô nhấn mạnh, “Cô gái đi ra hỏi mẹ”. Như vậy bà Hêrôđia không có mặt trong bữa tiệc mà chỉ ở sau hậu trường, vì bà chưa là vợ của Hêrôđê, và tình trạng lén lút giữa 02 người không có gì đẹp đẽ trước mắt người thuộc phe Hêrôđê, nên bà không được phép xuất hiện. Dù sao theo Marcô, Hêrôđê cũng còn 01 điểm son, đó là còn tôn trọng quan khách nên không cho bà Hêrôđia xuất hiện.

Nhưng theo Matthêu, ông không đề cập đến chi tiết này, và độc giả có quyền nghĩ, Hêrôđia cũng có mặt trong bữa tiệc hôm nay. Matthêu viết: “Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm.” (Mt 14, 7-8)

Như vậy khi so sánh giữa 02 Thánh sử Matthêu và Marcô, ta thấy rõ Marcô có phần nào đề cao Hêrôđê, mặc dù ông đã làm điều trái luật Chúa, nhưng chưa phải mất tất cả, ông vẫn còn nhân tính. Còn Matthêu lại không nghĩ như vậy.

Điều này tùy thuộc quan điểm riêng của mỗi Thánh sử, như để chứng minh cho mọi người qua mọi thời đại biết, Kinh Thánh không phải cuốn sách, trong đó có sự cấu kết, sự toa rập, sự thỏa hiệp giữa các Thánh sử với nhau. Nhưng đây là sự độc lập hoàn toàn và tùy theo sự linh hứng của Chúa Thánh Thần nên Kinh Thánh có giá trị tuyệt đối.

Cô gái xin gì? Marcô nói: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm.” Tại sao lại phải đặt trên mâm mà không để ở nơi khác?

Marcô ngụ ý muốn nói, cái đầu của Gioan sẽ biến thành món ăn cho quan khách, vì nó được đặt trên mâm. Đây là cái chết của một bậc thánh nhân, của người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Một cái chết bi thảm nhưng hùng tráng, cả đời ông vì dân Do Thái, thì đến lúc chết cái đầu của ông cũng phục vụ cho người Do Thái. Ông đã tận tâm tận lực cho dân Chúa chọn.

Marcô thật sâu sắc, vì ngay sau Bài Tin mừng này, sẽ là đoạn Kinh thánh thuật Phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất để nuôi dân chúng. Đó là hình ảnh báo trước Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu biến thành lương thực thần linh nuôi sống con người qua mọi thời đại. Thì việc cái đầu của Gioan đặt trên mâm, biến thành món ăn cho quan khách đã đi trước và báo hiệu cho Bí tích Thánh Thể. Gioan Tẩy Giả là người dọn đường, nên ông phải đi trước Đức Giêsu trong mọi sự kiện.

“Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.”

Cả Matthêu và Marcô đều ghi lại tâm trạng của vua Hêrôđê, “Nhà vua buồn lắm”. Ông không ngờ cô gái lại xin điều này, và ông thừa biết đó là ý của ai. Cô gái Salômê không thể nghĩ ra nó mà đây là ý của Hêrôđia. Chính vì cái chết của Gioan, sau này Hêrôđia không còn được Hêrôđê sủng ái.

Marcô cho biết, Hêrôđê ở vào thế không còn đường lùi vì sĩ diện của một ông vua, và mọi sự đang diễn ra trước mặt quan khách, là những bậc vị vọng miền Galilê. Ông liền ra lệnh cho thị vệ chặt đầu Gioan trong ngục. Đây là lệnh của ông và sau này ông sẽ trả giá cho hành động của mình.

Đến năm 39 sau Công nguyên, tức sau Đức Giêsu chịu khổ nạn, Hêrôđê bị truất quyền bởi hoàng đế Caligula, vì Hêrôđê đã ngược đãi cháu của hoàng đế cũng là vợ ông sau này. Ông đã bị mất tất cả, không còn nửa nước để chia cho cô gái ngày hôm nay.

“Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.”

Cái đầu của Gioan được truyền tay từ người này đến người kia, để cuối cùng đến đúng địa chỉ người đã sắp đặt cái âm mưu bẩn thỉu, đó là bà Hêrôđia. Khi đầu của Gioan được trao cho bà, thì mọi người đã rõ ai là tác giả âm mưu này. Đúng là người đàn bà ác độc, bữa tiệc mừng ngày sinh của một ông vua lại biến thành ngày mất của người công chính. Sử sách sau này sẽ còn lưu truyền mãi các nhân vật hôm nay: Hêrôđê – Hêrôđia – Gioan Tẩy Giả.

Bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê thời nay vẫn đầy rẫy, những bữa tiệc trở thành thảm họa cho người nghèo. Trong những bữa tiệc ấy có những chiếc mâm đựng thức ăn cho con người thủ đoạn, cơ hội cấu kết với nhau. Trên những cái mâm đựng thức ăn ấy là những cái đầu bê bết máu của những con người vô tội bị đẩy vào đường cùng. 

Vâng, vẫn còn đó trong thế giới hôm nay những Gioan phải chết thảm vì những tham vọng điên cuồng và phi nhân của những Hêrôđia thời nay, vì sự bất chính và tàn ác của những Hêrôđê thời nay, vì sự thiếu tư cách và sự ngu dốt của những cô con gái Hêrôđia thời nay, và vì sự vô cảm, thậm chí là đồng lõa bất chính của các thân hào Galilê với Hêrôđê và những Hêrôđia thời hiện đại.

“Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.”

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2367
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  17
 Hôm nay:  1197
 Hôm qua:  2507
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12325504

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn