Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần V thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần V thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy tuần V Thường niên năm chẵn
(15/02/2014) - (Mc 8, 1-10)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến."

Các môn đệ thưa Người: "Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?" Người hỏi các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc." Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người.

Người giải tán họ. Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Bài Tin mừng hôm nay (Mc 8, 1-10) Marcô tường thuật Phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Như vậy đã có phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, được cả 04 Thánh sử thuật lại. Ta có thể liệt kê sau đây:

+ PHÉP LẠ HÓA BÁNH RA NHIỀU LẦN THỨ NHẤT: Matthêu (Mt 14, 13 -21); Marcô (6, 30-44); Luca (Lc 9, 10 -17); Gioan (Ga 6, 1-13).

+ PHÉP LẠ HÓA BÁNH RA NHIỀU LẦN THỨ HAI: Matthêu (Mt 15, 32-39); Marcô (Mc 8, 1-10).

Hai phép lạ này khác nhau ở điểm nào?

+ LẦN THỨ NHẤT: Xảy ra gần Carphacnaum, vùng của Do Thái. Phép lạ từ 05 chiếc bánh và 02 con cá, nuôi sống cho 5.000 người đàn ông (không tính đàn bà và trẻ con) và còn dư 12 thúng đầy. Phép lạ lần thứ nhất do các môn đệ chủ động, đến xin Đức Giêsu giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn.

+ LẦN THỨ HAI: Xảy ta tại vùng Decapolis, lãnh thổ của Dân Ngoại. Phép lạ từ 07 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, nuôi sống cho 4.000 người đàn ông (không tính đàn bà và trẻ con) và còn dư 07 thúng đầy. Phép lạ lần thứ hai do chính Đức Giêsu chủ động, sai các môn đệ lo cho dân chúng ăn.

Qua một vài nhận định như trên, chúng ta bắt đầu phân tích Bài Tin mừng thuật lại Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai theo Marcô.
______________________________

“Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!”

Marcô mô tả rất ấn tượng khung cảnh hôm nay, một đám người rất đông. Ông thích dùng cụm từ “rất đông” có ý muốn nói đến một biển người. Tiếp đến ông mô tả, “họ không có gì ăn”. Họ đã ở với Đức Giêsu mấy ngày rồi? Xin thưa: 03 ngày.

Độc giả có thể hỏi, Marcô có phóng đại lên không? Thưa: Không, vì ngay cả Tin mừng theo Matthêu (tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai) cũng xác định như vậy. Matthêu viết: “Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn.” (Mt 15, 32).

Thật kỳ lạ, một biển người theo Đức Giêsu đã 03 ngày, không ăn uống gì mà vẫn say mê nghe Ngài giảng, đủ cho thấy Đức Giêsu cuốn hút dân chúng thế nào. Lời của Ngài là lời Hằng sống, làm cho dân chúng quên đi và không còn nhớ cái đói thể lý.

Người ta cứ nghĩ rằng vật chất sẽ giải quyết được tất cả, cái bụng là mục đích của con người. Chỉ cần ăn no mặc đẹp, đó là mục tiêu ở đời này và người ta phải phấn đấu thế nào để đạt được nó. Nhưng Bài Tin mừng hôm nay muốn nói cho con người thời đại biết, ngoài của ăn vật chất, còn một của ăn tinh thần nữa, đó chính là Lời Chúa.

Thánh sử Matthêu viết: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4, 4).

Matthêu dùng cụm từ: “chỉ” ..... “còn”.... có nghĩa của ăn Lời Chúa quan trọng thế nào bên cạnh của ăn phần xác. Của ăn phần xác chỉ duy trì sự sống tạm bợ trên trần gian này, còn của ăn lời Chúa mới giúp ta có sức tiến về quê trời. Ta không được coi thường của ăn nào, và Lời Chúa phải được ta đặt đúng vị trí trên bậc thang giá trị của nó.

“Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!”, Marcô muốn nói với con người qua mọi thời đại biết, Thiên Chúa luôn rung động trước nỗi khổ, nỗi lo lắng của con người. Ngài chạnh lòng thương đến những nhu cầu, cho dù đó là nhu cầu vật chất.

Đức Giêsu đã nhìn thấy cơn đói đang hành hạ dân chúng, mặc dù họ vẫn say mê nghe Ngài giảng. Ngài chạnh lòng thương, có nghĩa từ tận đáy lòng yêu thương, Ngài đã nhận ra và nó đòi hỏi Ngài phải làm điều gì đó. Vâng phải dừng lại ngay buổi giảng dạy để giải quyết vấn đề lương thực.

Trong quá khứ và hiện tại đã xuất hiện nhiều triết thuyết: Duy vật – Duy thần – Duy lý – Duy tâm,.... Bất kể lý thuyết nào có từ “Duy” đi phía trước trước, sẽ làm cho cái nhìn và hành động của con người bị lệch về một phía. Kitô giáo không duy gì hết, trên hết và trước hết, Kitô giáo là sự kết hợp với một Đấng, đó là Thiên Chúa. Và Kitô giáo diễn tả thật sống động sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương con người và Ngài thấy rõ nỗi khao khát của con người. Vâng hôm nay Đức Giêsu đã chạnh lòng thương, vì đã 03 ngày rồi họ không có gì ăn.

Đức Giêsu đang nói những lời này với ai? Xin thưa với các môn đệ. Marcô viết: “Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói”, có nghĩa Ngài đang cho các môn đệ biết nỗi ưu tư của Ngài, như mời gọi họ chia sẻ với Ngài. Không biết các ông có nghĩ ra điều đó không? Nhưng Ngài muốn các ông sau này, là những chứng nhân của Ngài cũng phải biết thao thức trước những vấn đề của con người. Là vị mục tử, các ông cũng phải noi gương Ngài, biết chăm lo cho đàn chiên của mình. Nếu họ không có nỗi thao thức ấy, họ chỉ là người chăn thuê, không cần quan tâm gì hết.

“Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến."

Đức Giêsu không chấp nhận giải pháp giải tán dân chúng, để họ tự giải quyết lương thực cho mình. Cũng như trong phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, Ngài không chấp nhận giải pháp các môn đệ đưa ra, là giải tán dân chúng để họ tự lo liệu.

Giải tán dân chúng, đó là giải pháp quá dễ dàng, chẳng ai phàn nàn gì hết, vì họ đến đây do tự nguyện, và nghe Ngài giảng dạy 03 ngày nay cũng do tự nguyện. Nhưng một vị Thiên Chúa chạnh lòng thương, không thể chấp nhận giải pháp đó, chính Ngài phải hành động, vì chạnh lòng thương ắt phải đưa đến hành động.

Tại sao Đức Giêsu không chấp nhận giải pháp này? Marcô viết: “Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” Điều đó rất đúng, Đức Giêsu có một cái nhìn sâu sắc. Ngài đã lường trước hậu quả của giải pháp “Giải tán dân chúng”. Nếu để người ta xỉu ở dọc đường, hóa ra Thiên Chúa quá vô tâm sao? Không bao giờ, không bao giờ có chuyện ấy.

“Các môn đệ thưa Người: "Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?" 

Các môn đệ cũng hiểu được nỗi ưu tư của Đức Giêsu, nhưng các ông chỉ là con người, nên các ông cũng đành bó tay. Marcô viết: “trong nơi hoang vắng này”, đó là nơi không có gì hết, bởi thế nó mới gọi là nơi hoang vắng. Như vậy cho dù có tiền nhiều đến đâu cũng chẳng làm gì được. Marcô còn viết tiếp: “Lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” Ta để ý cách dùng từ của Marcô, không phải chỉ ăn tàm tạm, mà là “ăn no”. Ăn thì phải ăn no chứ không được ăn đói, ăn cho có. Phải ăn thật tình, không được làm khách. Như vậy ở đây có 02 yếu tố ngược nhau của bài toán:

+ Nơi hoang vắng thì không có gì.
+ Ăn thì phải ăn no.

Như vậy bài toán sẽ không có lời giải với sức của con người, để Marcô muốn chứng minh, việc Đức Giêsu sắp làm là một phép lạ, đó là việc của Thiên Chúa.

Độc giả có thể đặt câu hỏi: Tại sao các môn đệ không nhớ lại phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất? Các ông đã chứng kiến phép lạ này thì các ông còn lo gì nữa. Vả lại các ông cũng từng chứng kiến các phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện, các ông phải an tâm chứ, sao lại nao núng?

Xin thưa, 02 phép lạ hóa bánh ra nhiều cách nhau cũng khá lâu, nhưng điều quan trọng, các môn đệ chưa phải là môn đệ chính danh, có nghĩa khi theo Đức Giêsu các ông vẫn còn mang những suy nghĩ của mình, suy nghĩ rất con người. Các ông còn phải trải qua nhiều thử thách nữa mới có thể toàn tâm toàn ý với Đức Giêsu. Bằng chứng, khi Đức Giêsu bị nộp cho quân dữ, các ông chỉ biết nghĩ đến mình mà bỏ trốn, người ở lại thì lo chối Thầy, hoặc đứng từ xa mà nhìn. Chỉ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống mới biến đổi các ông toàn diện. Như vậy, trước sự kiện hôm nay, các ông chỉ biết suy nghĩ theo con người, và các ông đã bế tắc.

“Người hỏi các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc."

Khi con người bó tay là lúc Thiên Chúa ra tay. Nhưng Đức Giêsu hành động theo cách nào, Ngài có làm phép lạ theo kiểu thần thoại, hay cổ tích không? Ngài có hô biến để biến thành một núi bánh không? Xin thưa: Không. Tại sao Ngài không làm như vậy, trong khi quyền năng của Ngài có thể làm được điều đó?

Có nghĩa Đức Giêsu đòi hỏi có sự đóng góp của con người, với 07 chiếc bánh, một con số rất nhỏ, nhỏ đến nỗi như bị mất hút vào đám đông, nhưng Đức Giêsu vẫn cần nó. Ta có thể nói: Nếu không có 07 chiếc bánh thì phép lạ sẽ không xảy ra. Tại sao?

Trả lời các câu hỏi trên không phải là dễ, ta phải chứng minh rõ ràng chứ không thể chỉ nói chung chung. Để trả lời các câu hỏi đó, ta phải mở lại sách Sáng Thế Ký. Sách Sáng thế ký viết gì?

Ngay chương đầu tiên (Chương I), tác giả Sáng Thế ký trình bày Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật, trong đó có con người trong vòng 06 ngày, và ngày thứ Bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi. Đây là lối trình bày Chương trình Sáng tạo theo quan điểm tôn giáo, chứ không theo khoa học. Như vậy, Công trình Sáng Tạo đã hoàn thành. Sáng tạo, có nghĩa làm ra cái gì không dựa vào cái đang có, có nghĩa tạo nó từ hư không.

Công trình Sáng tạo đã chấm dứt, nhưng do con người phạm tội, đánh hỏng Công trình Sáng tạo ấy nên đã làm đổ vỡ tất cả. Thiên Chúa vẫn không phế bỏ những gì Ngài đã tạo dựng để làm lại Chương trình Sáng tạo thứ hai, mà Ngài vạch ra ngay Chương trình cứu chuộc.

Như vậy, trong sự kiện hôm nay, nếu Đức Giêsu không dựa vào 07 chiếc bánh có sẵn, mà dùng quyền năng Thiên Chúa để tạo thành một núi bánh từ không thành có, nghĩa là sáng tạo, Ngài sẽ mâu thuẫn với chính mình, vì Chương trình Sáng tạo đã chấm dứt, tất cả muôn loài muôn vật, theo thời gian cứ tuần tự xuất hiện, vì nó đã mang mầm trong Chương trình Sáng tạo ấy. Thiên Chúa đã tạo dựng ta từ ngàn đời, và ta sẽ hiện hữu ở thời khắc do Ngài quyết định.

Như vậy, ta có thể khẳng định, Đức Giêsu rất cần 07 chiếc bánh này để thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều, và đó cũng là phần cộng tác của con người trong biến cố vĩ đại này. Phải có những chiếc bánh cỏn con này để phép lạ được xảy ra. Đây là phép lạ chứ không phải sáng tạo.

Thời nay người ta quá lạm dụng cụm từ “Sáng tạo”, làm ra một Robot cũng vênh vang gọi là sáng tạo, làm ra cây kim cũng gọi là sáng tạo. Thử hỏi nếu không có cái đã có trước, thì con người có làm được không? Thật hàm hồ, không hiểu gì.

“Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông.”

Ta để ý từng động tác của Đức Giêsu, phải thật chú ý, vì đó là mấu chốt cho phép lạ xảy ra: CẦM LẤY – TẠ ƠN – BẺ RA – TRAO CHO.

Marcô viết rất rõ, Đức Giêsu cầm lấy 07 chiếc bánh, có nghĩa cầm tất cả, vì 07 chiếc bánh này sẽ có phần mình trong phép lạ sắp thực hiện. Cũng như vị linh mục khi Truyền phép cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa, tất cả các bình đựng bánh chưa làm phép, phải mở ra đặt trên khăn thánh bàn thờ.

Dâng lời tạ ơn. Đức Giêsu tạ ơn ai? Xin thưa: tạ ơn Chúa Cha, vì tất cả mọi sự phải quy hướng về Ngài. Chúa Cha là nguyên nhân và cùng đích của muôn loài muôn vật. Ngài sẽ nuôi sống con người qua những chiếc bánh này, quyền năng Thiên Chúa sẽ thực hiện điều kỳ diệu. Ta có thể khẳng định, nếu không có lời tạ ơn, cho dù có thực hiện các bước tiếp theo, phép lạ cũng không xảy ra. (sẽ giải thích ở phần kế tiếp).

Kế tiếp, Đức Giêsu bẻ ra, có nghĩa với 07 chiếc bánh, sau khi bẻ ra ta sẽ được 14 chiếc bánh, nó bằng nửa chiếc bánh ban đầu. (Ta nên nhớ đây là bánh đã được tạ ơn).

Cuối cùng, Marcô viết: “trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông.” Tại sao Đức Giêsu không tận tay trao cho dân chúng? Nó có 02 lý do:

1/. Đây là việc của trò chứ không phải của Thầy. Các môn đệ làm việc này mới đúng, không để Thầy phải bận tâm tới. Như vậy các ông sẽ đóng vai trò trung gian giữa Đức Giêsu với dân chúng, và sau này là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.

2/. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ thông phần vào Sứ mệnh của Ngài, đó là lo cho con người. Sau này khi Ngài về trời, các ông sẽ tiếp tục việc Đức Giêsu thực hiện hôm nay, đó là làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa để nuôi con người cho đến tận thế.

Độc giả có thể đặt câu hỏi, nên nhớ lúc này vẫn chỉ là 14 chiếc bánh và mỗi chiếc bằng 1/2 chiếc bánh ban đầu. Vậy phép lạ xảy ra lúc nào?

Xin thưa: Khi các môn đệ phát cho dân chúng, các ông đã bẻ đôi ra lần nữa, như vậy ta có 14 x 2 = 28 chiếc bánh. NHƯNG CHIẾC BÁNH MỚI NÀY VẪN BẰNG 1/2 CHIẾC BÁNH BAN ĐẦU. Phép lạ xảy ra ngay từ lần bẻ thứ hai.

Nếu bẻ ra lần thứ hai (28 chiếc), mỗi chiếc bánh = 1/4 chiếc bánh ban đầu, thì phép lạ sẽ không xảy ra, cứ như thế nó sẽ bị hao hụt và sẽ biến mất.

Tại sao ta lại có thể khẳng định, khi Đức Giêsu giao cho các môn đệ để các ông trao cho dân chúng, các ông đã bẻ ra lần nữa? Xin thưa: Đây là điều dễ hiểu, vì trong giỏ lúc này chỉ có 07 x 2 = 14 chiếc bánh, THEO LẼ RẤT TỰ NHIÊN, các ông không giao nguyên chiếc bánh cho 01 người mà là bẻ ra để chia sẻ.

Độc giả cũng có thể thắc mắc, nếu lấy chiếc bánh tương tự như vậy, nhưng KHÔNG ĐƯỢC ĐỨC GIÊSU CẦM LẤY, TẠ ƠN và BẺ RA, khi các môn đệ bẻ ra thì phép lạ có xảy ra không? Xin thưa: KHÔNG. Với chiếc bánh này chỉ cần bẻ đôi vài lần, nó sẽ hết. Đây là hình ảnh báo trước cho Bí tích Thánh Thể sau này, CHỈ CÓ BÁNH NÀO ĐÃ ĐƯỢC TRUYỀN PHÉP MỚI LÀ MÌNH THÁNH CHÚA, mới có giá trị là lương thực nuôi sống con người trên đường tiến về Quê trời.

Tiếp tục các môn đệ sẽ thực hiện như trên để phát cho hết đám đông. Phép lạ bánh hóa ra nhiều được thực hiện trước mắt các môn đệ và dân chúng.

Tóm lại: Phép lạ hóa bánh ra nhiều gồm các bước sau đây:

1/. Cầm lấy.
2/. Tạ ơn.
3/. Bẻ ra.
4/. Trao cho các môn đệ để tiếp tục bẻ ra.

“Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. Đám đông đã ăn và được no nê.”

Phần này cũng tương tự, ta không cần phân tích. Nhưng có điều, nguyên liệu của Phép lạ không còn là bánh mà là cá. Cá ở đây có nghĩa gì? Xin thưa: Để cho bánh không nhàm chán vì đi theo bánh còn có cá, dân chúng mới có thể ăn no như các môn đệ mong muốn. Ý nghĩa sâu xa hơn, Mình Thánh Chúa sau này không bao giờ nhàm chán đối với nhân loại cho đến muôn đời.

Marcô viết rất sâu sắc: “Đám đông đã ăn và được no nê”, không chỉ “no” mà là “no nê”, có nghĩa phép lạ này đã đáp ứng tất cả nhu cầu thể lý của dân chúng. Họ không ăn theo kiểu làm khách, ăn cho có, nhưng ăn thật tình, ăn mặc sức.

“Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người.”

Sau khi đã ăn no nê, không còn ăn nổi nữa, người ta thu lại những mẫu bánh còn thừa, được 07 giỏ. Thật ngoài sức tưởng tượng của con người. Marcô cho biết đám đông ở đây có khoảng 4.000 người.

Với 07 chiếc bánh ban đầu và vài con cá nhỏ, trước khi phép lạ xảy ra, đó là con số quá nhỏ, không là gì hết, bất tương xứng so với đám đông. Nhưng khi phép lạ xảy ra nó lại quá hợp lý.

4.000 người ăn no nê + 07 giỏ còn dư, nó muốn nói lên điều gì? Marcô muốn nói cho toàn thế giới biết: Ơn huệ của Thiên Chúa luôn dồi dào cho con người, không bao giờ cạn kiệt. Thiên Chúa luôn ban ơn cho ta cách dồi dào, ta xin một Thiên Chúa ban cho ta gấp xa con số ấy.

Nhưng tại sao ngày hôm nay con người lại nghèo như vậy, con người lại lo lắng như vậy, thế thì vì lẽ gì? Có phải tại Thiên Chúa không còn quan tâm nữa không? Tại sao có người quá giàu lại có người quá nghèo, một sự chênh lệch khủng khiếp? Người thì phung phí, vất tiền qua cửa sổ mà không chút áy náy, còn người thì lần kiếm không ra, đầu tắt mặt tối. Trong khi đó trong Bài Tin mừng hôm nay, Marcô lại nói: mọi người được ăn no nê. “Mọi người” có nghĩa tất cả mọi người, không trừ một ai. Marcô luôn khẳng định: Thiên Chúa luôn ban cho con người cách dồi dào, vượt quá nhu cầu của họ. Vậy tại sao có sự chênh lệch quá lớn giữa giàu và nghèo, một số sâu ngăn cách khó có thể san bằng. Có phải người nghèo kia vì quá lười biếng nên mới nghèo không? Thưa: Không, trái lại họ còn siêng năng chăm chỉ nữa là đàng khác. Vậy thì vì cái gì?


Trở lại      In      Số lần xem: 2452
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  15
 Hôm nay:  126
 Hôm qua:  2680
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12333837

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn