Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần VI thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần VI thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba tuần VI Thường niên năm chẵn
(18/02/2014) - (Mc 8, 14-21)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh.

Người răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!"

Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?" Các ông đáp: "Thưa được mười hai." "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?" Các ông nói: "Thưa được bảy."

Người bảo các ông: "Anh em chưa hiểu ư?"
_____________________________

VÀI NHẬN ĐỊNH BAN ĐẦU:

VẤN ĐỀ 1:

Có lẽ độc giả khi đọc Bài Tin mừng này sẽ ngơ ngác vì có nhiều chỗ rất khó hiểu. Cụ thể, ta có thể bỏ hẳn câu: “Người răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!"

Bỏ câu này đi thì Bài Tin mừng vẫn xuyên suốt không có gì trục trặc, có nghĩa câu chuyện hôm nay chỉ nói về BÁNH.

Nhưng chính vì có câu: “Người răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!" xen kẽ, bài Tin mừng lại có 02 chủ đề: BÁNH và MEN, nhưng chủ đề MEN lại không nằm tách riêng ra mà nằm trong chủ đề BÁNH. Hình như nó hơi bị lạc lõng.

Ta có thể hình dung bố cục Bài Tin mừng như sau: BÁNH – MEN – BÁNH. Như vậy, khi phân tích Bài Tin mừng này ta phải cẩn thận vì dễ bị lạc lối, và phải tìm cho ra ý Đức Giêsu muốn nhắm đến.

VẤN ĐỀ 2:

Câu mở đầu Bài Tin mừng, Marcô viết: “Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông CHỈ CÓ MỘT CHIẾC BÁNH.” Ta nhấn mạnh cụm từ “chỉ có một chiếc bánh”, có nghĩa trên thuyền đang có 01 chiếc bánh hẳn hòi, chứ không phải không.

Nhưng câu sau đó Marcô lại viết: “Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông KHÔNG CÓ BÁNH”. Tại sao trên thuyền có bánh rồi, cho dù chỉ 01 chiếc, mà các ông lại nói “không có bánh”? Rõ ràng bản dịch này bị sai.

Các câu sau, ta phải thêm từ “NHIỀU” vào nó mới hợp ý, như vậy các câu có liên quan phải được dịch như sau: ____ “Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có NHIỀU bánh. Biết thế, Người nói với các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có NHIỀU bánh?”

Thêm từ “NHIỀU” vào sẽ làm cho Bài Tin mừng sáng nghĩa và sự phân tích sẽ hợp lý, lập luận chặt chẽ và minh bạch. Qua vài nhận định như trên, chúng ta bắt đầu đi vào phân tích Bài Tin mừng hôm nay.
____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ: 

“Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh.”

Có lẽ độc giả thắc mắc Đức Giêsu và các môn đệ đang đi đâu? Xin thưa: đang đến Betsaiđa. Marcô cho biết, sau khi thực hiện phép lạ bánh hóa ra nhiều, dân chúng đã ăn no nê, giải tán dân chúng xong, Thầy trò Đức Giêsu đến miền Đan-ma-nu-tha (Mc 8, 10), nằm ở phía Tây Biển hồ Galilê.

Tại Đan-ma-nu-tha, “người Pharisêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người”, nhưng Đức Giêsu đã không cho họ một dấu lạ nào, Ngài lại xuống thuyền qua bờ biên kia Biển Hồ.

Ở câu đầu đoạn Tin mừng kế tiếp, Marcô viết: “Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta.” (Mc 8, 22) Như vậy bỏ Đan-ma-nu-tha Thầy trò đang đến miền Betsaiđa, quê nhà của Phêrô, Anrê và Philip.

Như vậy, ta có thể khẳng định trong Bài Tin mừng hôm nay, Thầy trò Đức Giêsu đang trên biển tiến về Betsaiđa.

Marcô viết: “Các môn đệ quên đem bánh theo”, đây có phải là sự vô tình ngẫu nhiên không? Tại sao các ông lại quên, Marcô không cho biết, sự cố đó cũng bình thường không có gì khó hiểu, vì các ông theo Đức Giêsu phải tất bật, và luôn trong tư thế sẵn sàng, Ngài di chuyển liên tục ngang dọc trên Biển Hồ nên lo cho Thầy cái ăn cái mặc, nhiều lúc có thể quên cái này cái kia. Nhưng điều đáng nói ở đây, chính vì cái quên này mới phát sinh vấn đề và là nguyên chính của sự kiện trong Bài Tin mừng hôm nay.

Marcô viết tiếp: “trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh”, có lẽ đây là chiếc bánh đã có sẵn trên thuyền chứ không do các ông mang theo. Một chiếc bánh sẽ giải quyết được gì! vì trên thuyền tính đủ ra gồm 12 môn đệ + Đức Giêsu = 13 người cả thảy.

Có lẽ độc giả đọc xong câu mở đầu này, sẽ không thấy có chuyện gì khác thường, không có gì đáng nói, chỉ là chuyện quên đem theo bánh. Nhưng phải thật ý tứ, dưới ngòi bút của Marcô sẽ biến hóa khôn lường, độc giả sẽ thật bất ngờ ở câu thứ hai đi ngay sau đó.

“Người răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!”.

Độc giả sẽ bất ngờ trước 02 điều: 1/. Tại sao Marcô đang nói về bánh lại chuyển sang men ___ 2/. Tại sao chỉ mỗi việc các môn đệ sơ ý không đem bánh theo, mà Đức Giêsu lại quở trách các ông nặng lời như vậy, lôi cả Pharisêu và Hêrôđê vào đây để làm gì?

Trước khi trả lời các câu hỏi trên, ta sẽ tìm hiểu: MEN PHARISÊU và MEN HÊRÔĐÊ có nghĩa gì đã?

Khi nói về men chắc ai cũng hiểu, từ hàng ngàn năm nay, người ta đã biết dùng men ủ vào bột, để bột dậy men, làm ra những ổ bánh mì thơm ngon. Cũng có những thứ men hữu ích khác để làm rượu, dấm, sữa chua, v.v. Thế nhưng lại có những thứ men độc hại làm cho thức ăn hư thối, gây tật bệnh cho con người. Như vậy men là một nguyên liệu, có khả năng làm biến đổi môi trường mà nó được ủ.

Khi ví Nước Trời như men trong bột, Đức Giêsu dạy các môn đệ phải có loại men mang tên Kitô. MEN KITÔ. Có nghĩa các ông sẽ là nhân tố biến đổi trần gian này.

MEN PHARISÊU là thứ men kiêu căng giả hình.
MEN HÊRÔĐÊ: là thứ men của lòng đam mê tiền của, thú vui và quyền lực.

Hai loại “men” này thực chất như nhau, nhưng một đàng áp dụng trong tôn giáo, một đàng áp dụng ở ngoài đời. Chính những loại “men” này đã làm Giáo Hội, xã hội và thế giới thoái hóa về đạo đức và tâm linh.

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!”, có nghĩa Ngài muốn các ông loại ra khỏi mình sự giả hình, lòng đam mê thú vui, tiền bạc và quyền lực.

“Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh.”

Như trên đã nói, câu này nên được dịch là: “Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có NHIỀU bánh.” Khi Đức Giêsu căn dặn các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!”, thì các ông lại nghĩ có lẽ do mình không có nhiều bánh vì các ông chỉ có 01 chiếc bánh trên thuyền.

Như vậy các môn đệ là những con người chỉ nghĩ đến chất vật mà không có lòng tin vào Đức Giêsu. 01 chiếc bánh trên thuyền đối với các ông là không đủ, trong khi đối với Đức Giêsu quá đủ rồi.

Các ông theo Ngài bao lâu nay, và nhất là chuyến mục vụ của Thầy trò, từ Galilê tới Tia là thành của dân ngoại, rồi khi trở về, Ngài cố ý đến Siđon, rồi từ Siđon ngược lại Galilê, thời gian quá 08 tháng (như đã phân tích), mục đích để Đức Giêsu huấn luyện các ông. Nhưng xem ra thời gian đó đổ sông đổ biển. Các ông không những không tiến bộ mà còn đi thụt lùi, thụt lùi trong đức tin. Các ông đã để men Pharisêu và men Hêrôđê ngấm vào người.

Tại sao ta nói: 01 chiếc bánh trên thuyền là không đủ với các ông, trong khi đối với Đức Giêsu lại quá đủ?

Kiểu nói nhấn mạnh và lạ lùng: “Chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền” cho phép hiểu “bánh” theo nghĩa biểu tượng. Mạch văn cho phép đồng hoá “bánh” với “Đức Giê-su”. Nếu thay từ “bánh” bằng danh xưng “Đức Giê-su” thì câu văn vẫn có nghĩa:

“Chỉ có một mình Đức Giê-su với các ông trên thuyền”.

Có lẽ độc giả sẽ thắc mắc tại sao ta có thể đồng hóa “bánh” với “Đức Giêsu”? Xin thưa: Sự đồng hóa này được hiểu một cách minh nhiên trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu lập phép Thánh Thể. Marcô viết: “Đang khi họ ăn, Người (Đức Giê-su) cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14,22). “Đây” đang là bánh, nhưng “đây là mình Thầy”. Như vậy, sự đồng hóa “bánh” với “Đức Giêsu” là điều được phép.

Câu: “trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh” sẽ được đồng hóa bởi câu: “Chỉ có một mình Đức Giê-su với các ông trên thuyền”. Nó cho phép ta có thể nói với thế giới biết rằng, chỉ 01 chiếc “bánh” duy nhất thôi, đó là Đức Giêsu, sẽ đủ cho con người qua mọi thời đại, Ngài sẽ đáp ứng mọi khát vọng của con người, đó phải là khát vọng tìm kiếm chân lý, tìm kiếm sự thật, chứ không phải loại khát vọng rẻ tiền: đam mê tiền bạc, danh vọng và quyền lực. Những khát vọng này đáng vất vào sọt rác trên nhãn quan Nước Trời. Thế nhưng nó lại là khát vọng mà con người qua mọi thời đại dốc sức tìm kiếm.

Sự đồng hóa này cho phép liên tưởng tới sự hiện diện của Đức Giê-su với các môn đệ trên thuyền. Nhưng đối với các môn đệ, xem ra sự hiện diện của Đức Giê-su là không đủ, nên mới có lời bàn tán. Họ lo lắng “không có NHIỀU bánh”, như thể Đức Giê-su không hiện diện với họ. Rõ ràng niềm tin của các môn đệ đã đi thụt lùi khá xa, các ông không còn tin tưởng vào Đức Giêsu mà chỉ nghĩ đến vật chất, họ đã để men Pharisêu và Hêrôđê nhiễm vào mình lúc nào không biết.

“Biết thế, Người nói với các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?”

Câu này xin được phép dịch lại:

“Biết thế, Người nói với các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có NHIỀU bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?”

“Biết thế”, có nghĩa Đức Giêsu biết các môn đệ đang bàn tán điều gì. Marcô nhấn mạnh điều các môn đệ đang bàn tán: “không có NHIỀU bánh”. Thật lãng xẹt và ngu xuẩn! Có Đức Giêsu trên thuyền mà đầu óc cứ để đâu đâu, cứ nghĩ về vật chất, nghĩ về những thứ mà người Pharisêu và Hêrôđê tìm kiếm. Hèn gì Đức Giêsu đề phòng các ông men Pharisêu và men Hêrôđê quá đúng. Marcô không ngần ngại đưa một loạt lời quở trách của Ngài nhắm vào các ông: Chưa hiểu – Chưa thấu – Ngu muội – Không thấy – Không nghe.

Đây là loạt câu khiển trách của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Đó cũng là nét đặc trưng của Tin mừng Marcô. Marcô muốn nói cho ta biết, những người thuộc nhóm “môn đệ Đức Giêsu”, ban đầu là “người ở trong” nhưng thực sự là “người ở ngoài”, ở ngoài niềm tin Đức Giêsu, để sau này những người ở ngoài như dân ngoại, sẽ trở thành người ở trong.

Thế giới La – Hy (gồm những quốc gia chịu ảnh hưởng của 02 đế quốc: La Mã và Hy Lạp) lúc đầu là thế giới ở ngoài, chưa biết, chưa thấy, chưa nghe, nhưng sau này khi được rao giảng, họ đã tin vào Đức Giêsu, họ sẽ bước vào thế giới ở trong, đó là Nước Trời.

Trong khi đó “môn đệ của Đức Giêsu”, ở sát ngay bên Ngài, hằng theo sát Ngài, được nghe bao lời Ngài dạy dỗ, thế mà lại trở thành người: Chưa hiểu – Chưa thấu – Ngu muội – Không thấy – Không nghe.

Marcô muốn giáng một cái tát nảy lửa vào những người thường tự hào mình là người đã chịu phép Rửa tội, hiểu biết Kinh thánh, dạy dỗ người khác chân lý, ông nói, những người đó coi chừng mình là người “Chưa hiểu – Chưa thấu – Ngu muội – Không thấy – Không nghe.” Bất cứ ai cũng phải xét lại mình hết, đừng tự ru ngủ trong những ảo vọng, đừng tưởng ta có lời Chúa trong tay là nắm chắc phần rỗi, coi chừng họ bị loại ra Nước Trời lúc nào không biết.

“Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?" Các ông đáp: "Thưa được mười hai." 

Đức Giêsu hỏi các ông về phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, Marcô rất sâu sắc khi chỉ đưa ra 01 câu hỏi: “anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?" vì câu hỏi này có liên quan đến các môn đệ. Các ông đã trả lời: "Thưa được mười hai." Câu trả lời rất đúng, rất chính xác. Sở dĩ câu trả lời này đúng vì các ông là những người thu gom những mẩu bánh dư, sau khi dân chúng đã ăn no nê, chứ không phải ai khác.

Nhưng đây chỉ là cái biết lý thuyết, chẳng khác gì cái biết của một học sinh lớp 5 đang trả bài cho thầy cô giáo. Cái biết đó chẳng giúp gì cho các ông, nó không làm niềm tin của các ông tăng trưởng thêm, không làm các ông lớn lên trong sự kết hiệp sâu xa với Đức Giêsu. Một cái biết hoàn toàn vô bổ chẳng ích lợi gì. Tiếp tục Đức Giêsu đưa ra câu hỏi khác.

"Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?" Các ông nói: "Thưa được bảy."

Đức Giêsu hỏi thêm các ông về phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Nội dung cũng tương tự như trên, ta không cần phân tích.

Nhưng chú ý một chút ta sẽ thấy, ở đây Đức Giêsu không hỏi “thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” như câu hỏi trước, mà Ngài hỏi: “thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?”

THÚNG và GIỎ hoàn toàn khác nhau. Giỏ, theo người Do Thái nó khá lớn so với thúng, 01 giỏ có thể tương đương với nhiều thúng. Như vậy ta có thể thấy phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai có tầm vóc lớn hơn khá nhiều.

Độc giả có thể thắc mắc, tại sao Đức Giêsu hỏi đến 02 lần như vậy? Marcô muốn mọi người biết, với 02 phép lạ hiển nhiên mà các môn đệ lại bàn tán vì mình “không mang nhiều bánh” thì quả thật không hiểu nổi. Hóa ra niềm tin của các ông là con số không tròn trĩnh. Các ông cần nhiều bánh, cần bao nhiêu? 12 thúng bánh dư, rồi 07 giỏ bánh đầy chưa đủ tạo niềm tin cho các ông sao.

Như vậy ta có thể khẳng định một cách chắc chắn không sợ sai lầm:

“ĐỨC TIN LÀ MỘT HỒNG ÂN CHÚA BAN CHỨ KHÔNG DO SỨC CON NGƯỜI”

Vâng đúng như vậy, con người không thể dùng kiến thức của mình, dùng lý trí của mình để khám phá Thiên Chúa. Nếu có chăng nữa thì thiên chúa mà họ vừa nắm bắt, không phải là Thiên Chúa đích thực, nó chỉ là ngẫu tượng. Chỉ có những ai thành tâm thiện chí, ao ước và hằng tìm kiếm chân lý mới được Thiên Chúa chấp nhận và tỏ mình ra cho họ.

Sở dĩ Marcô đưa ra đến 02 phép lạ hóa bánh ra nhiều, ông muốn gửi 01 tín hiệu đến những Sứ giả Tin mừng mọi thời đại biết:

Đừng bao giờ nghĩ rằng: thông làu Kinh thánh không chê vào đâu, giảng giải Kinh thánh tuyệt vời, biện luận Kinh thánh chặt chẽ, và phân tích lời Chúa sâu sắc là đã có đức tin. Chưa chắc, vì những thứ đó chỉ là mớ kiến thức vô hồn khi không có Đức Kitô bên trong. Marcô muốn cảnh tỉnh tất cả Sứ giả Tin mừng, họ phải có niềm tin sâu xa vào Đức Giêsu, thì bài giảng của họ, bài phân tích của họ mới có hồn, vì nó đã lột tả cho người đương thời biết, Đức Giêsu đang ở trong con người của họ.

“Người bảo các ông: "Anh em chưa hiểu ư?"”

Marcô kết thúc Bài Tin mừng hôm nay bằng câu: "Anh em chưa hiểu ư?" Một câu nói đầy chua xót của Đức Giêsu! Vậy đến bao giờ các môn đệ mới hiểu? Xin thưa: Chỉ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các ông trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Ngài là Thần Chân lý, Ngài xé tan bức màn mê muội, phá tan cái ngục tù lý trí hằng giam hãm các ông, để các ông nhớ lại và hiểu tất cả các lời dạy dỗ Đức Giêsu.

Còn bây giờ ta có thể nói, Đức Giêsu đã thất bại, bao nhiêu nỗ lực huấn luyện các môn đệ coi như đổ sông đổ biển. Thật chua xót!

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2341
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  16
 Hôm nay:  1102
 Hôm qua:  2507
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12325409

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn