Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Bài Giảng Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B 2015 - Linh mục Phê-rô Lê Văn Chính

Bài Giảng Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B 2015 - Linh mục Phê-rô Lê Văn Chính 

Bài Giảng Chúa nhật XXIX thường niên năm B (18/10/2015)

 

DẤN THÂN HY SINH PHỤC VỤ QUÊN MÌNH

Lm. Phêrô Lê văn Chính

 

1.- Bài đọc thứ nhất từ sách tiên tri Isaia chương 53, 10-11 là bài đọc khá quen thuộc và vẫn thường được dùng để đọc vào ngày thứ sáu tuần thánh. Đây là bài cuối trong bốn bài ca về người tôi tớ đau khổ và trung tín của Thiên Chúa. Đây là bài ca tiên báo về cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Đức Giêsu, được tiên báo qua hình ảnh người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa chịu đau khổ để hiến thân đền tội mọi người và chu toàn thánh ý yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người. Bài ca này được ứng nghiệm cách hoàn hảo nơi cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Người bị kết án để cho mọi người được ơn tha tội. Quả thực, Đức Giêsu đã chịu chết vì tội của loài người. Cái chết của Người không chỉ là hệ quả của lời kết án chính trị hay tôn giáo của tòa án Philatô hay tòa án thượng tế lúc bấy giờ, mà cái chết này còn có hệ lụy lớn lao vượt mọi tầm nhìn hạn hẹp của chúng ta. Tác giả của bài ca về người tôi trung nhìn thấy những ơn lành lớn lao của cái chết của người tôi tớ Thiên Chúa: đó là nhờ người mà ý định của Thiên Chúa được thành tựu. Tôi tớ công chính của Thiên Chúa sẽ công chính hóa nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.

 

2.- Trước cuộc thương khó và cái chết thập giá của Đức Giêsu, các môn đệ vẫn còn nuôi ảo tưởng về danh vọng và quyền lực. Các ngài hình dung Thầy của mình sắp thiết lập Nước Chúa ở trần gian và các ngài sẽ là những người đầu tiên được hưởng những quyền lợi trong Nước Thiên Chúa này. Vì thế, hai người con của Zêbêđe là Giacôbê và Gioan đã mạnh dạn đến với Đức Giêsu và thưa với Người: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu và một người ngồi bên tả trong Nước của Thầy”. Hai người môn đệ này vốn đã theo Thầy Giêsu ngay từ đầu, đã ở gần với Người và đã được huấn luyện nhiều thời gian. Giờ đây các ngài muốn có bảo đảm cho tương lai. Các ngài không chỉ tham vọng có được một chỗ đứng danh dự bên cạnh Vua Cứu Thế khai mạc Nước Thiên Chúa hiển trị ở trần gian sau khi chiến thắng mọi quân thù, mà tham vọng của các ngài còn xa hơn. Các ngài muốn có vị trí đầy quyền lực trong Nước Thiên Chúa. Để trả lời cho những lời cầu xin này, Đức Giêsu đặt họ đương đầu trực diện với những khó khăn đau khổ mà Người sắp phải đương đầu: “Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và phép rửa Thầy sắp chịu không?” Chén phải uống ám chỉ những đau khổ, và phép rửa phải chịu ám chỉ cái chết. Hai môn đệ Giacôbê và Gioan trả lời không do dự sẽ uống chén đắng, nhưng có thể họ không hiểu hết nổi những gì sẽ chờ đợi họ. Chúa Giêsu khẳng định họ cũng sẽ chung một số phận như Thầy, nhưng về phần ngồi bên hữu hay bên tả thì không thuộc quyền Người quyết định. Sau này, Tông Đồ Giacôbê chịu tử đạo vào khoảng năm 44 (Cv 12,1-2), riêng phần Tông Đồ Gioan thì theo truyền thống đã phải chịu nhiều cực hình ghê sợ. Chúa Giêsu không tự nhận mình có quyền để ban tặng cho các môn đệ thân tín những quyền bính trong vinh quang của mình, người nhìn nhận quyền này thuộc về Chúa Cha là Đấng ban tặng vinh dự và quyền lợi cho mỗi người. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đây. Việc Giacôbê và Gioan xin đặc quyền khiến mười Tông Đồ khác bực tức và Chúa Giêsu phải kêu gọi họ lại và giải thích về việc thực thi quyền bính trong Nước của Người, rất khác với những xã hội dân sự khác. Vì trong các xã hội dân sự, người ta dựa trên quyền lực để thống trị người khác, ngay cả dùng quyền lực độc tài để thống trị. Trái lại trong Nước của Người, người làm lớn phải phục vụ người khác. Người nhấn mạnh đến tính chất mới mẻ hoàn toàn của quyền bính trong Nước của Người là phục vụ như người nô lệ, làm tôi tớ cho mọi người. Người nô lệ trong xã hội thời bấy giờ là hạng cùng đinh trong xã hội, không được nhìn nhận quyền lợi hợp pháp nào cả.

 

3.- Chắc hẳn cần phải có thời gian dài để các Tông Đồ lần hồi hiểu được ý nghĩa của việc phục vụ mà Thầy Giêsu nhắc nhở. Đó là con đường mà Thầy Giêsu của họ đã đi qua và lôi kéo các ngài trên con đường hiến thân phục vụ cho đến hy sinh tính mạng của mình: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Bản tính con người thuờng  nghiêng chiều về việc tìm kiếm quyền lợi, vinh quang trần thế để thoả mãn tính ích kỷ. Thế nhưng đây chính là những bản năng thô thiển của loài thụ tạo sẽ dẫn đưa con người đến chỗ chết và hư mất đời đời. Ngược lại, chính sự hy sinh quên mình để phục vụ mới thực là con đường dẫn đưa con người đến chỗ được tham dự vào vinh quang và sự sống đời đời của Thiên Chúa vì làm cho mỗi người chúng ta được càng lúc càng trở nên giống với chính Thầy Giêsu là gương mẫu hoàn hảo của con người. Người đã thực hiện cách hoàn hảo hình ảnh người tôi tớ trung tín đã được báo trước bởi tiên tri Isaia. Người đã hy sinh chịu chết và đã bước vào vinh quang Phục Sinh. Vì thế con đường chia sẻ quyền bính của Thầy Giêsu mà các môn đệ mong muốn phải là con đường hy sinh phục vụ, ngay cả hiến dâng mạng sống của mình như Thầy. Chính con đường này sẽ dẫn đưa đến sự sống đời đời cũng là sự tham dự vào vinh quang Phục Sinh với Thầy Giêsu. Bài đọc thứ hai trích từ thư gửi Tín Hữu Do Thái trình bày hình ảnh Chúa Giêsu là vị Thượng Tế chiến thắng, Người đã đi qua các tầng trời, và hẳn nhiên Người sẽ lôi kéo chúng ta đi qua các tầng trời để tham dự vào sự chiến thắng Phục Sinh của Người. Điều quan trọng đối với chúng ta là luôn giữ vững lòng tin vào vị Thượng Tế của mình. Người là một vị Thượng Tế hoàn toàn thông cảm với những yêú đuối của chúng ta bởi vì chính Người cũng đã từng chịu mọi thử thách như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Tác Giả thư Do Thái nhìn thấy rõ những giới hạn và yếu đuối của con người, không vì thế họ được quyền buông xuôi hay thất vọng, ngược lại họ càng phải đặt lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu là vị Thượng Tế cảm thông hơn nữa để xin ơn phù trợ kịp thời mà hăng hái tiến bước trên con đường dấn thân phục vụ và hy sinh chính mình. Thông thường, công việc phục vụ của chúng ta chính là chu toàn những công việc hằng ngày theo bổn phận. Làm tôi tớ để phục vụ mọi người không hẳn là điều gì hơn là chu toàn những công việc bình thường hằng ngày cách quảng đại, vui tươi và khiêm tốn theo gương của Thầy Giêsu. 


Trở lại      In      Số lần xem: 3367
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  23
 Hôm nay:  7847
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12264001

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn