Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh
(08/01/2014) - (Mc 6, 45-52)


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.

Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa Biển Hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Người lên thuyền với các ông, và gió lặng.

Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa ra nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!
_______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông”

Sau khi Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, từ 05 chiếc bánh và 02 con cá, nuôi năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em, buổi giảng dạy của Ngài đã kết thúc và bây giờ là việc giải tán đám đông để ai về nhà nấy.

Công việc giải tán đám đông, ai cũng nghĩ đó là việc của các môn đệ, đây là điều hợp lý, nhưng Marcô ghi: “Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông”. Có nghĩa việc giải tán đám đông sẽ do Ngài đảm nhận.

Ta để ý từ “bắt”, có nghĩa bắt buộc các môn đệ phải xuống thuyền qua bờ bên kia. Tại sao lại có chuyện ngược đời này? Cùng lắm Thầy trò sẽ cùng nhau giải tán đám đông này. Ta có thể nêu ra 02 lý do sau đây:

1/. Lý do thứ nhất:

Sau thành công vang dội phép lạ hóa bánh ra nhiều mà mọi người đã chứng kiến, người ta sẽ dành cho Thầy trò Đức Giêsu một sự kính phục. Trong ý nghĩ của mọi người, ai cũng nghĩ Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế theo như họ mong đợi, họ còn muốn tôn Ngài làm vua. Còn các môn đệ, người ta sẽ đem lòng quý mến. Chính tình cảm quý mến này sẽ làm hỏng các ông, vì các ông có một sứ mệnh cao cả, đó là loan báo Tin mừng. Chính vì thế Đức Giêsu không muốn để các ông vướng bận chuyện này mà làm hỏng đại cuộc.

Lịch sử đã chứng minh rất nhiều anh hùng không chết trên sa trường, nhưng lại chết trong tình cảm con người. Những thứ tình cảm đó, tuy rất đẹp, nhưng vô tình nó là những sợi dây vô hình trói buộc các ông. Người ta vẫn phải tiến lên phía trước vì sứ mệnh cao cả và chấp nhận bỏ lại sau lưng tất cả, cho dù nó có tốt đẹp đến đâu đi nữa.

2/. Lý do thứ hai:

Đức Giêsu muốn tách mình khỏi các môn đệ, để kết hợp với Chúa Cha, cầu nguyện và hiệp thông với Ngài, sau một giai đoạn hoạt động ồn ào và mệt mỏi, Ngài thấy cần phải cầu nguyện để múc thêm sức mạnh siêu nhiên.

Ta nên nhớ Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật, chính vì vậy Ngài cũng biết mệt mỏi, biết đói, biết khát,.... như chúng ta. Do đó, Ngài muốn ở lại một mình, tạm xa các môn đệ để kết hợp với Chúa Cha.

Tất cả chúng ta cũng phải lưu tâm đến điều này, ta phải biết cân bằng giữa đời sống hoạt động và chiêm niệm. Sự cân bằng đó ví như 02 mái chèo cho một con thuyền, nó giúp cho con thuyền cân bằng và tiến nhanh về phía trước. Nếu chỉ chú trọng vào đời sống hoạt động mà xem nhẹ đời sống chiêm niệm, đời sống đạo đức của ta sẽ tuột dốc không phanh. Ta hoạt động tông đồ, làm công tác từ thiện, vâng điều đó rất đáng trân trọng, nhưng thử hỏi hiệu quả của nó sẽ ra sao khi chính bản thân ta không có Chúa trong người mình. Nếu không có Chúa trong con người của ta, thì ta làm việc đó cốt để đánh bóng tên tuổi mình mà thôi.

“Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về thành Bết-xai-đa trước”.

Bethsaida, là thành phố Ðông Bắc của biển hồ Galilê, là quê hương của Phêrô, Anrê và Philiphê – nơi Đức Giêsu lui tới thường xuyên. Ta nên nhớ, Thầy trò Đức Giêsu đang ở một nơi thanh vắng, nơi Ngài giảng dạy dân chúng và thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi họ.

“Nơi thanh vắng”, chỉ thích hợp trong một thời gian nào đó của ngày sống, nó giúp ta có một đời sống cầu nguyện tốt hơn, nhưng nó không phải là nơi để ta trốn tránh trách nhiệm. Ta vẫn phải trở về với cuộc sống của mình, nơi đó ta còn công việc, còn biết bao mối quan hệ với người anh em.

“Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.”

Đây sẽ là thời gian các môn đệ không ở bên Đức Giêsu, các ông sẽ phải tạm xa Thầy mình, có nghĩa xa sự an toàn, xa sự che chở khi các ông ở với Ngài. Các ông cần có thời gian sống như vậy để có thể trưởng thành, để có thể lớn lên, vì có lúc các ông sẽ phải xa Đức Giêsu, cho đến khi các ông về với Ngài trên quê trời. Không ai có thể lớn lên thành người, khi suốt đời chỉ biết sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, của gia đình. Cần phải biết đi ra khỏi cái tổ ấm đó, để có thể vươn lên thành người.

Đức Giêsu lên núi cầu nguyện. Một không gian thật tĩnh mịch, không còn bị ai quấy rầy. Vâng chỉ có Ngài với Chúa Cha, Ngài sống trong một bầu khí đầy thân tình Cha Con.

Khi ta cầu nguyện cũng phải như thế, ta hãy để lòng mình vượt lên trên những vụn vặt của cuộc sống, hãy tạm xa chúng, hãy để lòng mình lên cao, thanh thoát để kết hợp với Thiên Chúa. Người ta không thể nói chuyện với Thiên Chúa trong lúc đang nói chuyện với con người, phải làm một cuộc leo núi trong tâm hồn, để không còn nghe thấy tiếng nói từ bất kỳ phía nào. Nhưng thật trớ trêu, có người đã leo lên một ngọn núi đúng nghĩa, nhưng trong lòng họ vẫn đầy sự ồn ào bởi biết bao lo lắng, biết bao suy nghĩ, vậy lên núi để cầu nguyện như vậy có ích gì không?

“Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa Biển Hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược”

“Biển hồ” mà Marcô nói ở đây là gì? Xin thưa: Nó chính là Biển hồ Galilê.

Người ta bảo ở nước Do Thái có hai biển hồ...

1/. Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết.

Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống cũng bị bệnh. Không một ai muốn sống ở gần đó. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết, nhưng không có ngõ ra. Biển chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát.

2/. Biển hồ thứ hai là Galilê.

Đây là biển hồ thu hút khách du lịch nhiều nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được, mà cá cũng có thể sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây ở đây tốt tươi nhờ nguồn nước này... Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan, rồi từ đó tràn qua các các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.

Biển hồ Galilee, cũng gọi là Biển hồ Genneseret, Hồ Kinneret hoặc Hồ Tiberias, là một hồ nước ngọt lớn nhất ở Israel. Hồ có chu vi khoảng 53 km (33 dặm), chiều dài khoảng 21 km (13 dặm), chiều rộng khoảng 13 km (8 dặm), với diện tích tổng cộng là 166 km². Hồ có chiều sâu tối đa là 43 m. Hồ nằm ở độ sâu 209 mét dưới mực nước biển.

Như vậy cả 02 biển hồ này đều nhận nước từ sông Jordan đi vào, nhưng với Biển Chết, nước bị giữ lại, còn với Biển hồ Galilê, nước tiếp tục đi tới nơi muốn tới. Hình như có một quy luật này: cùng nguồn ân sủng của Thiên Chúa ban, nhưng với ai chỉ giữ lại cho mình, thì ân sủng đó chẳng giúp gì cho ai, có khi còn làm hại người khác. Nhưng với ai biết chia sẻ, thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp, ai cũng thấy mình phong phú.

“Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược”, Đức Giêsu tạm xa các môn đệ, nhưng lòng của Ngài vẫn ở với các ông. Matthêu viết: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 19-20). Vâng Đức Giêsu luôn ở với các môn đệ ngay cả khi Ngài đã về trời, thì huống chi bây giờ, Ngài đã thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược.

“nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông.”

“Vào khoảng canh tư”, có nghĩa gần sáng nhưng vẫn chưa thấy rõ mặt người. Có lẽ chi tiết này ít ai để ý, ban chiều Đức Giêsu đã thấy các môn đệ phải chèo chống vì gió ngược, nhưng mãi đến canh tư, có nghĩa các môn đệ phải chống chọi với sóng gió một mình trong một thời gian khá lâu.

Ta cũng thường lần mò trong đêm tối, phải chống chọi với biết bao thử thách trong sự cô đơn trống trải. Ta không thấy Thiên Chúa đâu, hình như Ngài đã quên mất ta rồi. Ta thất vọng, ta buông xuôi, ta chán nản, vâng đó là kinh nghiệm cho những ai đã từng chiến đấu trong sự lẻ loi đời mình. Những kinh nghiệm đó thật quý báu, vì như các môn đệ xưa, phải tạm xa sự che chở, tạm xa cái vỏ bọc, lúc ấy ta mới lớn mạnh thật sự. Chứ còn bám víu vào nó, ta mãi vẫn chỉ là một đứa trẻ.

“Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông.”

Ta nên nhớ đây là Biển hồ Galilê chứ không phải Biển Chết. Ở Biển Chết do độ mặn quá khủng khiếp, nên tỷ trọng của con người luôn nhỏ hơn tỷ trọng của nước, nên theo định luật Vật lý, người ta có thể ở trên mặt nước của Biển Chết mà không bị chìm, có khi còn nằm đọc sách báo. Nhưng với Biển hồ Galilê, thì không như vậy. Người ta sẽ bị chìm nếu không biết bơi.

Đức Giêsu đi trên mặt biển. Điều này chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, nên có quyền trên bệnh tật, có quyền trên ma quỷ và trên thiên nhiên.

Tại sao: Ngài đến với các ông, mà còn định vượt các ông? Ngài định vượt qua các ông để làm gì?

Thường ta thấy Đức Giêsu đến với các môn đệ là đủ rồi, không cần thiết phải làm như vậy. Nhưng nếu chú ý kỹ, Matthêu dùng cụm từ “định vượt” chứ thực tế chưa vượt, có lẽ Ngài muốn đi lên phía trước thuyền của ông, như một người Thầy để hứng lấy các sóng gió đang tấn công học trò mình. Ngài sẵn sàng dùng chính thân mình để bảo vệ cho các ông.

“Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt”

Các môn đệ là những con người bình thường, nên các ông sợ hãi trước tất cả các mối nguy hiểm đe dọa sự sống mình. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, các ông đang đối diện với 02 sự sợ hãi:

+ Sợ sức mạnh của gió bão:

Đây là nỗi lo sợ cho những người sống về nghề thuyền chài. Gió bão có thể làm thuyền chìm và lấy đi mạng sống con người.

+ Sợ quyền lực của ma quỉ: 

Người Do-Thái tin quyền lực của ma quỉ, và Đức Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỉ ra khỏi con người. Các ông nhìn ra Đức Giêsu, nhưng không thể hiểu một người mà lại có uy quyền đi trên mặt nước; vì thế, “khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt.”

“Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Người lên thuyền với các ông, và gió lặng.”

Đức Giêsu trấn an các môn đệ: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Các ông nghe rất rõ, “chính Thầy đây”, thế nhưng cho dù Đức Giêsu có nói thêm: “Đừng sợ”, thử hỏi các ông đã hết sợ chưa? Để trả lời cho câu hỏi này, ta sẽ qui chiếu thêm các thánh sử khác.

Bài Tin mừng về việc Đức Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ, được cả 03 Thánh sử thuật lại: Matthêu (Mt 14, 22-33); Marcô (Mc 6, 45-52); Gioan (Ga 6, 16-21). Trong 03 Thánh sử chỉ có Matthêu có thêm một chi tiết:

“Ông Phê-rô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." Đức Giê-su bảo ông: "Cứ đến!" Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với!" Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (Mt 14, 28-31)

Như vậy theo Marcô, khi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” các ông vẫn chưa hết sợ, vẫn chưa an tâm, bằng chứng ông Phêrô còn thưa với Đức Giêsu: “nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.

Hôm nay Đức Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" Một khi đã có Đức Giêsu đồng hành, ta sẽ không còn phải sợ hãi bất cứ quyền lực nào: sóng gió phải yên lặng, ma quỉ phải nghe lời, điều không thể trở thành có thể. Nhưng vấn đề ta có tin tưởng vào Ngài hay không? Khi ta chưa đặt niềm tin vào Đức Giêsu, thì cho dù Ngài có nói đến cả trăm câu cũng vô ích. Như vậy, vấn đề không phải ở phía Thiên Chúa, mà nó ở phía ta.

“Người lên thuyền với các ông, và gió lặng.”

Đức Giêsu chỉ cần lên thuyền với các môn đệ thì ngay lập tức biển yên sóng lặng. Ngài có ra lệnh gió phải ngưng biển phải lặng không? Xin thưa: Không. Chỉ cần có Đức Giêsu hiện diện trong thuyền, thiên nhiên đã trở về bình thường. Đây là một kinh nghiệm quý giá cho chúng ta, nếu trong lòng ta đã có Chúa, tâm hồn ta luôn được bình yên, ta an tâm bước đi trong cuộc đời này. Ngược lại khi ta không có Chúa, thì trong lòng ta nó như biển gào sóng thét, làm cho ta phải sợ hãi. Đấy là 01 kinh nghiệm quý giá.

“Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa ra nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!”

Marcô cho biết, trước phép lạ hóa bánh ra nhiều, các ông vẫn chưa hiểu, bây giờ các ông lại được chứng kiến một phép lạ nữa. Hết phép lạ này kế tiếp phép lạ khác làm cho các ông “bàng hoàng sửng sốt”. Marcô nói: “lòng trí các ông còn ngu muội!”

Các môn đệ chỉ có thể phá tan sự ngu muội của mình khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Chính Thánh Thần Thiên Chúa mới mở lòng mở trí cho các ông hiểu về Đức Giêsu.

Như vậy, trong tuần này có tất cả 03 cuộc Hiển Linh:

+ Cuộc Hiển linh cho các nhà chiêm tinh.
+ Cuộc Hiển linh, tỏ mình cho dân chúng khi Đức Giêsu giảng dạy và thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều.
+ Cuộc Hiển linh cho các môn đệ khi Ngài đi trên mặt biển đến với các ông.

Ý nghĩa của 02 phép lạ liên tiếp (Hóa bánh ra nhiều và đi trên mặt biển) này cho ta thấy: ĐỨC GIÊSU LÀ MÔSÊ MỚI. Ngày xưa Môsê đã cho dân Do Thái ăn manna, Đức Giêsu cũng vừa làm như vậy; ngày xưa Môsê đưa dân Do Thái qua Biển mà vẫn khô chân, bây giờ Đức Giêsu cũng đi trên mặt biển một cách an toàn.

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2322
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  24
 Hôm nay:  5249
 Hôm qua:  4804
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12254343

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn