Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Thường Niên Năm Chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần II năm chẵn.

 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Thường Niên năm chẵn
(24/01/2014) - (Mc 3,13-19)
Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.

Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê – Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, rồi lến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.
________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn.”

Ngày hôm nay đối với Đức Giêsu là ngày trọng đại, vì Ngài sẽ tuyển chọn các tông đồ là những người sẽ tiếp nối Sứ mạng của Ngài. Theo truyền thống Do Thái, những sự kiện trọng đại như vậy thường diễn ra trên núi, vì núi là nơi thánh thiêng, nó tách biệt hẳn con người với những ràng buộc, và tách biệt với những sinh hoạt đời thường. Núi cũng là nơi nâng tâm hồn lên cao, xa hẳn những gì tầm thường và vụn vặt, để ở đó con người hòa nhập vào sự hùng vĩ của thiên nhiên, nó là hình ảnh sống động của Đấng Tạo Hóa.

Ngày xưa, Thiên Chúa đã gọi Êlia trên núi Khô-rép để trao cho ông sứ mệnh. Ông đã đi mất bốn mươi ngày và nhờ vào lương thực mà Sứ thần cung cấp (1V 19,8). Rồi phải kể đến trường hợp Thiên Chúa gọi Môsê lên núi, lúc đó dân Do Thái đã ra khỏi Ai Cập, và tới sa mạc Sinai, Thiên Chúa muốn thiết lập giao ước với dân Ngài (Xh 19,3). Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng gọi những người mà Ngài muốn, gọi họ lên núi để trao cho họ một sứ mệnh.

Ta để ý cụm từ “những kẻ Người muốn”, có nghĩa những người theo Đức Giêsu lên núi là những người Ngài đã chọn. Hình như có một tiêu chí gì đó ở đây, chắc chắn tiêu chí đó không phải của con người mà là của Thiên Chúa. Đức Giêsu nhìn thấu suốt người mà Ngài muốn chọn, không như cuộc xét tuyển của người đời, là những người chỉ nhìn vẻ bề ngoài và nhìn vào những thành tích, bằng cấp. Như vậy ta có thể nói: Ơn gọi phải xuất phát từ phía Thiên Chúa, chứ không dựa vào công đức của ta.

“Và các ông đến với Người”

Những người Đức Giêsu muốn, đã đến với Ngài. Đây là sự đáp trả của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Một sự đáp trả quảng đại, mau mắn và dứt khoát. Một khi chấp nhận theo Chúa, họ cũng chấp nhận tất cả những gì sẽ đến với họ và biết chắc rằng nó luôn là cái gì cam go, gian khổ, chứ không phải nhung lụa.

“Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”

Đức Giêsu lập Nhóm Mười Hai. Như vậy, những người theo Đức Giêsu rất đông, nhưng trong số đó Ngài chọn 12 người. Con số 12 này, làm cho ta liên tưởng đến 12 chi tộc Israen. Quả vậy, Đức Giêsu muốn thiết lập một nước Do Thái mới, ta gọi là nước Thiên Chúa, nước đó sẽ được thiết lập trên 12 tông đồ.

Nhóm Mười Hai này sẽ làm gì? Marcô cho biết, có 02 việc các ông sẽ làm:

1/. ĐỂ CÁC ÔNG Ở VỚI NGƯỜI

Các ông phải ở với Đức Giêsu để được Ngài huấn luyện, dạy dỗ, để học nơi Ngài cách hành xử và chứng kiến các việc Ngài làm. Nhưng quan trọng hơn hết, các ông ở với Đức Giêsu để ở trong mối tương quan với Ngài. Mối tương quan này cần phải có thời gian lớn dần, nó không thể đến trong một giờ một ngày, nhưng trải dài trong toàn bộ cuộc đời công khai của Đức Giêsu, để tình yêu đối với Đức Giêsu lớn dần trong các ông, để từng lời nói, từng việc làm của Ngài in đậm vào cuộc đời các ông. Chính mối tương quan sâu đậm này mới là động lực thúc đẩy các ông dấn thân sau này.

Cách huấn luyện của Đức Giêsu không như cách huấn luyện của người đời. Ở con người, người ta chỉ nhắm vào kiến thức, nhắm vào khả năng, nhưng đối với Đức Giêsu, điều quan trọng nhất, đó là tạo mối tương quan mật thiết với Ngài. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galata đã viết: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gal. 2,20) Điều quan trọng đối với tông đồ, đó là để Đức Giêsu chiếm toàn bộ cuộc đời mình, để Ngài chi phối mọi hành vi, mọi suy nghĩ của mình.

2/. ĐỂ NGƯỜI SAI CÁC ÔNG ĐI RAO GIẢNG, VỚI QUYỀN TRỪ QUỶ

Không phải các ông cứ ở mãi với Đức Giêsu, nếu vậy các ông sẽ chẳng có ích cho ai. Trái lại, sau giai đoạn huấn luyện, Đức Giêsu sẽ sai các ông đi rao giảng. Marcô nhấn mạnh, “với quyền trừ quỷ”. Tại sao phải có quyền trừ quỷ này? Vì khi được sai đi, các ông sẽ đi vào thế gian, là nơi ma quỷ đang chế ngự, chúng sẽ phản ứng mạnh không để cho các ông yên. Nếu các tông đồ không có quyền trừ quỷ, các ông sẽ bị thất bại.

“Quyền trừ quỷ”, hình như nó muốn nói lên điều gì đó, vì không phải ai cũng có khả năng này. Ma quỷ là loài thiêng liêng, nó không được Thiên Chúa tạo dựng ban đầu, vì Thiên Chúa chỉ tạo dựng những gì Ngài thấy tốt đẹp. Thưở ban đầu, nó là các thiên thần, nhưng do phản nghịch đòi ngang hàng với Thiên Chúa, nên đã bị trừng phạt. Như vậy, “Trừ quỷ” phải là một quyền, và quyền này phải được Thiên Chúa ban cho.

Tóm lại, hôm nay Đức Giêsu gọi những người Đức Giêsu muốn, thành lập nhóm Mười Hai, để họ ở với Ngài, được Ngài huấn luyện, sau đó sai những người này đi rao giảng.

“Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê – Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi -, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.”

“Người lập Nhóm Mười Hai”, Marcô lập lại nhóm từ này lần thứ hai, ông cố ý cho độc giả biết, tiếp ngay sau là danh sách của nhóm Mười Hai. Danh sách này được cả 03 Thánh sử trình bày, nó có khác nhau một chút.

+ Ở Matthêu:

“Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người” (Mt 10, 1-4)

+ Ở Luca:

“Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.” (Lc 6, 12-16)

NHẬN XÉT BẢNG DANH DANH SÁCH 12 TÔNG ĐỒ.

1/. VỊ TRÍ CỦA ANRÊ

Ta nên nhớ khi đưa ra Danh sách các Tông đồ, các Thánh sử hẳn có chủ đích khi liệt kê theo một thứ tự nào đó. Hầu hết các vị trí đều giống nhau ở 03 Thánh sử, nhưng riêng Anrê lại có sự thay đổi, cụ thể như sau:

+ Ở Marcô: Phêrô – Giacôbê – Gioan – Anrê – Philiphê....
+ Ở Matthêu và Luca: Phêrô – Anrê – Giacôbê – Gioan – Philiphê...

Tại sao lại có sự khác biệt này. Ở Marcô nhấn mạnh đến yếu tố “ở với Người” mà từ đầu Bài Tin mừng ông đã nói đến, trong khi các Thánh sử khác thì không. Theo Marcô, chỉ có nhóm nhỏ: Phêrô – Giacôbê - Gioan ở với Đức Giêsu trong mọi biến cố. Nhóm bộ ba này luôn được Kinh thánh gọi là những môn đệ thân tín. Nên Marcô đã xếp Anrê sau Phêrô, Giacobê, Gioan.

Ví dụ: Khi Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor, chỉ có 03 người này được chứng kiến, còn Anrê thì không (Lc 9, 28b-36). Hay trường hợp Đức Giêsu cho bé gái con ông quản hội đường sống lại (Mc 5,35-43), cũng chỉ có bộ ba này được chứng kiến, còn Anrê thì không được.

Còn ở Matthêu và Luca xếp theo thứ tự được Đức Giêsu kêu gọi và theo ưu tiên anh em ruột.

2/ BIỆT DANH CỦA GIACÔBÊ – GIOAN.

Ở 02 Thánh sử Matthêu và Luca không thấy nói đến biệt danh của Giacôbê và Gioan. Trong khi ở Marcô, Thánh sử viết: “Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi”.

Ở một số bản dịch khác, Marcô viết: “Con của sấm sét”

Như vậy từ “Thiên lôi” đã xuất hiện từ rất lâu, từ đó đã trở thành phổ thông để chỉ loại người vâng lời tối mặt, sai đâu đánh đó. Biệt danh này dường như không thích hợp với Giacôbê và Gioan.

Trong khi đó biệt danh “Con của sấm sét” phù hợp hơn. Như ta biết chính Giacôbê và Gioan đã xin Đức Giêsu cho phép 02 ông khiến lửa từ trời thiêu đốt làng người Samari, khi họ không đón tiếp thầy trò Đức Giêsu.

3/. KHÔNG CÓ AI NỔI BẬT:

Nhìn vào danh sách các tông đồ, ta dễ dàng nhận ra các ông là những người ít học, không có danh giá và quyền thế. Tại sao Đức Giêsu lại chọn các ông? Đó là vì Ngài muốn chọn, việc chọn lựa đó hoàn toàn theo ý Thiên Chúa muốn chứ không do các ông.

Chúa cũng chọn ta làm nhân chứng cho Ngài. Nhưng khi xét lại mình, ta cũng không thể tìm ra được lý do nào để Ngài chọn ta. Tất cả đều do Hồng ân Thiên Chúa.

4/. TÍNH KHÍ KHÁC BIỆT NHAU:

Ông Simôn được cả 03 Thánh sử đặt biệt danh là “Quá Khích”, vì ông thuộc nhóm Quá khích, có khuynh hướng bảo vệ quốc gia Do-Thái, rất ghét những người cấu kết với ngoại bang để bóc lột dân như Matthêu, người thu thuế. Nhưng 02 ông này lại sống chung với nhau. Ông Phêrô rất nhanh nhảu, nhiều khi đi đến chỗ bốc đồng, nhưng lại ở chung với Gioan, là con người sâu sắc, thâm trầm.

5/. HỌ LÀ NHỮNG NGƯỜI TỘI LỖI.

Phêrô thì chối Đức Giêsu đến 03 lần. Hai anh em Giacôbê và Gioan thì ham danh lợi, muốn được ngồi bên tả bên hữu Đức Giêsu trong Nước Trời. Matthêu là người thu thuế, bị người Do Thái khinh bỉ.

Đặc biệt Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội. Các Thánh sử khi viết Tin mừng về cuộc đời Đức Giêsu, họ đã chứng kiến các sự kiện xảy ra, chính vì thế, khi phải viết đến tên Giuđa (từ nay sẽ được viết tắt là Giuđa), thì luôn kèm theo nhóm từ “người đã trở thành kẻ phản bội”, với dụng ý cho độc giả biết trước về con người này khi đọc Tin mừng.

Đến đây ta sẽ đặt câu hỏi: Tại sao Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài biết rõ Giuđa nhưng vẫn chọn ông? Có phải Ngài phải chọn ông để cuộc Khổ nạn của Ngài mới được diễn ra không?

Đây là câu hỏi khó mà ta phải giải quyết. Trước hết ta phải khẳng định, cho dù không có sự kiện Giuđa bán Chúa, thì cuộc khổ nạn vẫn xảy ra theo Thánh ý Thiên Chúa. Marcô viết: “Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” (Mc 14, 21)

Còn tại sao Đức Giêsu biết Giuđa sẽ nộp Ngài mà vẫn chọn ông? Để trả lời câu hỏi này, ta phải xác nhận 02 thực tại:

1/. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, cái biết của Ngài không bị giới hạn về không gian và thời gian, nghĩa là Ngài nhìn xuyên suốt từ khởi thủy cho đến tận thế.

2/. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, tôn trọng cách tuyệt đối, ngay cả việc con người sẽ phản bội, phá hỏng Chương trình Sáng tạo, Ngài vẫn tôn trọng tự do của họ.

Như vậy mối quan hệ giữa sự biết trước của Thiên Chúa và sự tự do của con người là một mầu nhiệm ta không thể hiểu được. Nó giống như một người hai tay đang cầm 02 đầu sợi dây xích, sợi dây xích gồm các vòng móc với nhau. Một đầu tượng trưng cho sự biết trước của Thiên Chúa, còn đầu kia là tự do của con người, hai thực thể đó đi như thế nào, xoắn với nhau như thế nào trong dây xích đó, ta không cần biết. Nhưng 02 thực thể không bao giờ triệt tiêu nhau.

Giuđa phải chịu trách nhiệm việc mình làm. Mặc dù biết trước Giuđa sẽ phản bội, nhưng Đức Giêsu vẫn chọn, vì khả năng thay đổi của con người luôn là điều Thiên Chúa yêu thích. Khả năng thay đổi của con người luôn có sức mạnh vạn năng và không bị giới hạn khi đương sự còn muốn thay đổi. Nếu không phải như vậy thì chúng ta sẽ là kẻ khốn nạn nhất, vì đã bị tước đoạt khả năng thay đổi, và bị lâm vào cảnh tuyệt vọng.

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2324
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  21
 Hôm nay:  1533
 Hôm qua:  2507
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12325840

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn