Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Thường Niên năm chẵn

Phân Tích Và Chia Sẻ Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Thường Niên Năm Chẵn.

 

Phân ích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Thường Niên năm chẵn
(17/01/2014) - (Mc 2,1-12)
Thánh Antôn, Viện phụ.

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phac-na-um. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.

Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”

Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng ! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”

Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”
_____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phac-na-um.”

Bài Tin mừng hôm nay được cả 03 Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 9, 1-8); Marcô (Mc 2,1-12); Luca (Lc 5,17 -26).

Ta hãy chú ý câu mở đầu Bài Tin mừng theo Matthêu: “Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình”

Marcô nói đó là thành Carphacnaum, còn Matthêu gọi là “thành của mình”. Kết luận lại: Carphacnaum chính là Thành của Đức Giêsu, nó có một vị trí quan trọng trong cuộc đời công khai rao giảng Tin mừng của Ngài. “Thành của Đức Giêsu”, nó cũng tương tự khi ta nói “nhà của mình”, đó là nơi ta ở, ta ra đi và trở về. Lại tiếp tục ra đi và trở về.

Hôm nay Thầy trò Đức Giêsu trở về sau một đợt rao giảng Tin mừng, trở về để nghỉ ngơi, để lấy lại sức sau thời gian vất vả. Nhưng vấn đề Đức Giêsu có được nghỉ ngơi không lại là việc khác.

Ta đừng tưởng, theo sách Sáng Thế Ký, Thiên Chúa nghỉ ngơi sau sáu ngày sáng tạo, sách Sáng thế ký viết: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.” (Stk 2, 2).

Vậy thử hỏi: Thiên Chúa có nghỉ ngơi thật sự không? Xin thưa: Không. Vì Đức Giêsu khẳng định Thiên Chúa vẫn làm việc. Tin mừng theo Gioan viết: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc." (Ga 5, 17). Tưởng là trở về “thành của mình” thì được nghỉ ngơi, ai ngờ Đức Giêsu vẫn làm việc hết công suất như cũ.

“Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.”

“Hay tin Người ở nhà”. Đức Giêsu mà lại có nhà ư? Chẳng đời nào, vì Ngài từng nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8, 20). Ngài sinh ra nơi hang đá Bêlem dành cho súc vật, đến khi bắt đầu công khai rao giảng Tin mừng thì nay đây mai đó, đến lúc chết thì bị treo trên thập giá chơi vơi giữa trời, vậy làm sao Ngài có nhà! Vậy “nhà” ở đây là nhà của ai? Có người nói đó là nhà của Phêrô, không đúng, vì nhà của Phêrô ở Bethsaiđa. Chính xác hơn là nhà bà mẹ vợ ông Phêrô.

“Dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết”. Marcô luôn có kiểu nói gây ấn tượng. Mấy ngày trước, Đức Giêsu đến nhà bà mẹ vợ ông Phêrô, Marcô nói: “Cả thành xúm lại trước cửa” (Mc 1, 33). Vâng cả một thành phố mà lại tụ tập trước cửa một ngôi nhà, thật khôi hài, thì hôm nay cũng ngôi nhà này, Marcô lại nói: “Dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết”. Cũng vẫn phong cách như vậy, Marcô muốn cho ta biết, người ta đến với Đức Giêsu rất đông. Danh tiếng của Ngài đã vang dội, Ngài được mọi người biết đến nên khi Ngài ở đâu, người ta chen chúc đến đó. Đến để làm gì? Xin thưa: Để được nghe Ngài nói lời Hằng Sống, nghe Tin mừng. Và Marcô viết: “Người giảng lời cho họ”.

“Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng.”

Đến lúc này Marcô cho xuất hiện nhân vật trong bài Tin mừng, đó là người bại liệt, hay còn gọi là bất toại. Anh ta nằm trên chiếc chõng có 04 người khiêng. Đây có thể gọi là một tập thể trong đức tin, và một tập thể trong đức mến. Vì nếu họ không tin Đức Giêsu là Đấng quyền năng và yêu thương, thì hẳn họ đã không vất vả đến đây, vì đến đây để làm gì khi biết mình không được chữa lành. Và nếu họ không sống trong yêu thương, thì họ cũng không đến đây, vì chỉ cần thiếu 01 người, chiếc chõng cũng không thể đến được. Họ là một tập thể Tin yêu, nên họ sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với Đức Giêsu.

Cuộc đời là bể khổ, đã là người ai cũng gặp đau khổ. Không đau đớn thể xác cũng đau khổ về tinh thần. Có người còn đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Nếu mỗi cá nhân chỉ là những viên gạch xếp cạnh nhau, thì chẳng làm được gì hết. Nhưng nếu biết sống tương trợ, thì người ta sẽ vượt qua đau khổ dễ dàng. Lúc này họ như những viên gạch gắn kết với nhau bằng vữa hồ, họ sẽ xây nên những ngôi nhà kỳ diệu. Hình ảnh 04 người khiêng người bất toại đến với Đức Giêsu, luôn là bài học cho con người qua mọi thời đại. Con người cần phải biết đoàn kết, tương trợ, họ sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách. Ngược lại, nếu chỉ biết sống ích kỷ, chỉ biết lo cho mình, thì cái đau khổ của mỗi người vẫn còn y vậy và dường như còn thảm hại hơn nữa.

“Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống”

Cứ như kiểu nói của Marcô “Cả thành xúm lại trước cửa”, thì việc 04 người khiêng người bất toại đến được ngôi nhà này quả là kỳ công rồi. Một nỗ lực phi thường! Nhưng vấn đề đã đến đây mà vào được trong nhà thì không thể. Nếu nhờ người ta tránh ra cho mình, thì thử hỏi họ phải tránh đi đâu! Toàn bộ đã chặt như nêm. Giả sử có tốt đến mấy cũng đành phải chịu. Nó như cảnh kẹt xe dưới trời mưa, người ta cứ phải đứng đó mà chịu ướt.

Nhưng khi người ta biết tương trợ lẫn nhau, người ta sẽ vượt qua mọi khó khăn và khi biết đoàn kết họ sẽ là một tập thể của sức mạnh và sáng kiến. Bài Tin mừng hôm nay là một bằng chứng: “Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống”. Vâng đó là một sáng kiến tuyệt vời làm cho Đức Giêsu phải cảm động, chủ nhà cũng không phản đối.

Nhưng làm sao họ có thể dỡ được mái nhà mới là vần đề cần biết, nhà của người Do Thái có khác với nhà ở các nước khác không?

Theo các nhà chú giải: Mái nhà của người Do-Thái không xuôi ra hai bên như mái nhà chúng ta (Việt Nam), mà phẳng như hình chữ nhật để người ta có thể dùng làm sân thượng hóng mát. Vì thế, việc dỡ mái nhà xuống cũng đơn giản và ít gây thiệt hại.

“Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”

“Này con, con đã được tha tội rồi”

Đó sẽ là câu chủ chốt của Bài Tin mừng hôm nay, nhưng nó cũng là câu gây thắc mắc nhất không những cho các kinh sư đang hiện diện và cho cả những độc giả đọc Bài Tin mừng này. Ta sẽ để ý câu nói của Đức Giêsu và đặt vấn đề.

1/. Đây là câu nói không có chủ từ. Có nghĩa: Ai sẽ là người tha tội cho người này. Marcô chỉ nhấn mạnh, người này đã được tha tội.

2/. Tại sao khi “thấy họ có lòng tin như vậy”, Đức Giêsu không phán một câu để chữa lành cho người này như Ngài vẫn thường làm, mà lại nói: “Này con, con đã được tha tội rồi”. Tội có liên quan gì trong chuyện này?

“Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”

Marcô cho biết trong ngôi nhà này có sự hiện diện của kinh sư. Họ là những người có địa vị trong xã hội nên được ưu tiên nhường chỗ cho. Tại sao họ lại đến đây? Xin thưa: Vì Đức Giêsu dưới con mắt họ, Ngài là một Hiện tượng lạ, mới xuất hiện. Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền và làm nhiều phép lạ gây chấn động. Đó không phải là ảo thuật mà là quyền năng thực sự. Lẽ dĩ nhiên họ đến đây không phải vì thái độ chân thành mà là để theo dõi, và vì mục đích theo dõi nên họ sẽ không tỏ bất cứ phản ứng nào, ngay cả những gì họ không đồng ý. Marcô viết: “họ nghĩ thầm trong bụng”, vâng chỉ nghĩ thầm mà thôi chứ không phản ứng ra bên ngoài.

Họ nghĩ gì? Marcô cho biết: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”

Trong suy nghĩ của họ có 01 điều chính xác, đó là: “Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”. Vâng chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội, vì Ngài là Đấng Thánh không hề biết tội, chỉ Ngài mới có quyền tha tội, còn tất cả con người đều là tội nhân, đang ngụp lặn trong tội thì làm sao có quyền tha tội.

Thiên Chúa là Đấng Thánh không hề biết đến tội, ta phải hiểu: Tội là gì? Xin thưa: tội là lỗi phạm đến Thiên Chúa. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại lỗi phạm đến Thiên Chúa sao! Như vậy Ngài là Đấng không hề biết đến tội, do đó chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội.

Nhưng đây mới là phần Kinh sư không đồng ý với Đức Giêsu: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng!”

Khi ta nói: “Này con, con đã được tha tội rồi”, là câu không có chủ từ, nghĩa là không xác định ai là người tha tội. Nhưng theo lập luận ta sẽ biết chủ từ của nó, thực vậy AI NÓI CÂU NÀY CHÍNH LÀ NGƯỜI CÓ QUYỀN THA TỘI.

Chính vì lẽ đó, Kinh sư mới nghĩ thầm: Đức Giêsu là người phạm thượng. Họ nghĩ như vậy, vì họ không công nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, do đó họ cho Ngài không có quyền tha tội.

“Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?”

“Tâm trí Đức Giê-su”, đây là kiểu nói của riêng Marcô (Matthêu và Luca không sử dụng). Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, Ngài thấu suốt con người, nên Ngài biết các kinh sư đang nghĩ gì. Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?”

Nếu các kinh sư tinh ý một chút, họ phải giật mình, làm sao ông ấy có thể biết mình đang nghĩ gì. Ta nên nhớ từ đầu đến cuối các kinh sư không tỏ bất kỳ phản ứng nào hết, ngay cả một câu nói cũng không. Người ta chỉ có thể biết được việc làm của người khác, hiểu được lời của người khác vì những thứ đó đã được biểu lộ ra bên ngoài. Còn những gì người khác đang suy nghĩ trong đầu thì không ai biết được. Chỉ có Thiên Chúa mới thấu suốt mà thôi. Như vậy, nguyên câu nói: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?” cũng đã đủ chứng minh Đức Giêsu là Con Thiên Chúa rồi.

“Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? 

Trong 02 câu, thì câu: “Con đã được tha tội rồi”, là câu dễ nói hơn. Vì hiệu quả của nó chỉ xảy ra bên trong đương sự, không biểu lộ ra bên ngoài, do đó không ai biết được câu đó đã có kết quả hay chưa.

Còn câu: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”, là câu khó nói hơn, vì kết quả của nó được thể hiện ngay tức khắc, sẽ được mọi người chứng kiến. Như vậy, chỉ có Đức Giêsu mới có thẩm nói câu đó.

“Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”

1/. Xét theo truyền thống Do-Thái, hình phạt (bệnh tật,...) là hậu quả của tội lỗi: có thể của cá nhân hay của cha mẹ.

Gioan viết: “Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 1-2). Câu hỏi của các môn đệ đã phản ánh quan niệm của người Do Thái lúc bấy giờ. Hình phạt ở đây là bị mù, như vậy theo các môn đệ, nó phải do tội của ai đấy. Và theo các Rabbi (Giáo trưởng Do Thái): “Không người bệnh nào được lành bệnh cho tới khi tất cả tội lỗi của anh được tha thứ.” Như vậy, theo truyền thống của Do Thái, một người muốn lành bệnh, trước hết phải được tha tội, đó là việc đầu tiên.

2/. Theo Đức Giêsu: Khi Ta tha hình phạt qua việc chữa lành, là Ta tha tội, nguyên nhân của hình phạt.

Chính vì thế Ngài mới nói: “Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”

Marcô thuật lại phép lạ Đức Giêsu chữa cho người bất toại. Câu chuyện này chỉ là cái khung muốn làm nổi bật lên một chân lý: ĐỨC GIÊSU LÀ CON THIÊN CHÚA, NGÀI LÀ THIÊN CHÚA NÊN NGÀI CÓ QUYỀN THA TỘI.

Đây chính là mấu chốt của các cuộc xung đột giữa Đức Giêsu với những người lãnh đạo Do Thái giáo: Thượng tế, Kinh sư, Pharisêu. Họ vẫn khâm phục Ngài khi Ngài giảng dạy lời Hằng Sống, làm những phép lạ cả thể, nhưng họ không chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, tức không công nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Và đỉnh điểm cuộc xung đột sẽ là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá.

Ta để ý trong câu ra lệnh của Đức Giêsu, Ngài không nói: con hãy đứng dậy mà đi về nhà, nhưng Ngài nói: “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”. Marcô nói: “vác chõng của con” để chứng minh cho Kinh sư thấy, Lời của Thiên Chúa có sức mạnh như thế nào.

Chúng ta xét về mặt nào đó cũng đang là người bại liệt. Người bại liệt chỉ biết nằm đó, không thể tự mình di chuyển. Ta cũng đang ù lì, không biết đến với người anh em chung quanh ta. Không phải ta không đi được, nhưng do lòng ta không thể đến với người khác. Đó là khi ta sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, một sự quan tâm đến người khác cũng không có.

Bài Tin mừng hôm nay cũng giúp ta hướng về Đức Giêsu, để được Ngài phán với ta: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”, để giải phóng tất cả khả năng đang ù lì trong ta, để ta đến với tha nhân.

“Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”

Sau câu nói: “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”, đó là câu ra lệnh “Ta truyền cho con”, người bại liệt khỏi bệnh ngay tức khắc, vì đó là lời của Thiên Chúa. Những kinh sư đang có mặt sẽ suy nghĩ gì? Nếu Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa thì có thể làm được điều đó không?

“Lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người”, Marcô dùng từ rất ấn tượng “trước mặt mọi người”, một sự kiện quá ấn tượng, một phép lạ không thể chối cãi. “Vác chõng”, để cho biết không những được đi mà còn có một sức mạnh để có thể vác được chõng.

“Khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa”. Họ sửng sốt là phải, vì với căn bệnh bại liệt như vậy, ngay cả y học ngày nay cũng không thể làm được, người ta chỉ có thể khôi phục một phần nào khả năng đi đứng, và phải mất một thời gian rất lâu. Nhưng ở đây, sự kiện xảy ra tức khắc, đó phải là quyền năng Thiên Chúa. Họ tôn vinh Thiên Chúa là đúng.

“Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”, vâng họ nói rất đúng, chưa bao giờ họ thấy như vậy, hôm nay họ mới được chứng kiến. Nhưng từ nay trở đi Chương trình Cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện, giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi là nguyên nhân sâu xa gây ra sự hủy diệt, con người sẽ trở thành con cái đích thực của Thiên Chúa.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2924
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  26
 Hôm nay:  6219
 Hôm qua:  4804
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12255313

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn