Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Thường Niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm tuần III thường niên năm chẵn

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm tuần III thường niên năm chẵn
(30/01/2014) - (Mc 4, 21-25)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Người nói với các ông: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe!”

Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”
______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Người nói với các ông”

Tiếp theo Dụ ngôn “Người gieo giống”, Marcô trong bài Tin mừng hôm nay tiếp tục trình bày 02 dụ ngôn, đó là Dụ ngôn “Cái đèn” và Dụ ngôn “Cái đấu đong”.

Việc đầu tiên ta phải xác định, đối tượng mà 02 Dụ ngôn muốn nhắm đến là ai? Để biết được điều này, ta trở về Dụ ngôn Người gieo giống. Dụ ngôn này có 02 phần, phần đầu trình bày nội dung dụ ngôn, Đức Giêsu nói với dân chúng. Sau khi dân chúng ra về, các môn đệ mới xin Ngài giải thích. Như vậy, 02 Dụ ngôn bài hôm Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đang nói với các môn đệ.

DỤ NGÔN THỨ NHẤT: CÁI ĐÈN.

TRÌNH BÀY DỤ NGÔN.

“Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường?”

Đây là câu hỏi, nhưng lại có tính khẳng định, có nghĩa “không đời nào thắp đèn lại để dưới cái thùng hay dưới gầm giường. Vâng đúng vậy, điều đó ai cũng biết, chẳng cần phải nói ra, vì đốt đèn mà để dưới gầm giường thì đốt làm gì! Nhưng ta phải cẩn thận, đừng nóng vội, vì đây là dụ ngôn nên chắc chắn nó sẽ diễn tả điều gì đó. Cứ tiếp tục đọc cho hết.

“Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?”

Tiếp theo vẫn là câu hỏi mang tính khẳng định. Vâng, quá đúng, đốt đèn thì phải đặt trên đế. Như vậy, qua 02 câu Đức Giêsu muốn nói đến một kinh nghiệm dân gian, khi đốt đèn người ta phải đặt nó trên đế, để soi sáng không gian xung quanh, chứ không ai giấu nó dưới gầm giường. Nếu làm ngược lại, ta sẽ làm cho cái đèn trở nên vô dụng.

Ta có thể đặt một câu hỏi ngớ ngẩn như thế này: Tại sao cái đèn lại phát ra ánh sáng? Cái gì làm cho nó sáng? Xin thưa: Vì có sự chuyển hóa năng lượng, có nghĩa nó đang đốt một dạng nguyên liệu như dầu, sáp,... và kết quả sự đốt đó, là chuyển hóa dầu hỏa, sáp thành năng lượng ánh sáng. Như vậy, điều quan trọng trong dụ ngôn này, đó là đèn phải có dầu, không có dầu cái đèn sẽ trở nên vật vô dụng.

“Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng.”

Đức Giêsu khẳng định: Cũng như không ai đi giấu cái đèn đã đốt, tương tự sẽ không có gì trên đời này được giấu kín, không có bí mật nào mà không bị tiết lộ.

Người ta cứ tưởng, muốn cho người nào đó giữ kín bí mật cách tuyệt đối, thì phải đi đến quyết định dã man, đó là cho hắn cái chết, vì chỉ có người chết mới không tiết lộ. Nhưng liệu giải pháp này có thành công không? Xin thưa: Không. Có rất nhiều vụ án, người thủ ác đã chuẩn bị rất chu đáo, rất kín kẽ, y có thể đi đến việc giết người để bịt đầu mối, không còn chút sơ hở nào để người khác biết được. Thế nhưng không hiểu sao vụ việc lại bị phơi bầy ra ánh sáng. Người ta cứ tưởng bẵng đi 20 năm, 30 năm,... sẽ không còn ai để ý nữa, thì vào một ngày nào đó, tất cả quá khứ lại bị phơi bầy. Người trong cuộc không thể hiểu, tại sao nó lại như vậy. Không thể hiểu và mãi mãi vẫn không hiểu!

Họ không hiểu vì họ đã quên mất điều Đức Giêsu đã nói: “Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng”. Đây là một chân lý.

“Ai có tai nghe thì nghe!”

Đây vẫn là kiểu nói của Đức Giêsu mời gọi mọi người lắng nghe lời của Ngài. Lời mời gọi có tính khẩn thiết. Ai mà chẳng có tai nghe, vậy hãy nghe lời Ngài nói.

Ý NGHĨA DỤ NGÔN.

Do các dụ ngôn trong Chương IV của Marcô được đặt liền nhau, do đó ý nghĩa của các dụ ngôn ắt hẳn phải liên hệ với nhau. Hôm qua là dụ ngôn Người gieo giống, gieo lời Chúa, thì 02 dụ ngôn hôm nay cũng có ý nghĩa liên quan đến lời Chúa.

Đức Giêsu nói với các môn đệ và mỗi người chúng ta, một khi đã tiếp nhận Lời Chúa, ta sẽ như cái đèn đã có sẵn dầu, phải tỏa sáng ra môi trường chung quanh. Vì ta không thể sống như một người chưa hề nghe đến lời Chúa, một khi đã được nghe Lời Chúa, thì lời Chúa phải biến đổi ta, để ta như một ngọn đèn thắp sáng đặt trên đế.

Nếu được nghe lời Chúa, mà cuộc sống của ta vẫn không thay đổi, vẫn giậm chân tại chỗ, thì có khác gì ta đang giấu cái đèn dưới gầm giường, nó chẳng ích gì cho ai. Trái lại, nghe lời Chúa và sống lời Chúa, con người của ta sẽ được biến đổi.

Thánh sử Gioan viết: “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1, 4-5)

Đức Giêsu là Ánh sáng cho nhân loại, khi Ngài xuống trần gian, trần gian này đã tiếp nhận Ánh sáng của Ngài. Nhưng trần gian vẫn chưa sáng theo như Thiên Chúa muốn, vì Nước Trời ví như hạt cải, mặc dù đã gieo xuống đất, nó cần phải có thời gian để lớn lên, cái quá trình lớn dần lên đó, giống như ánh sáng của Đức Giêsu đang mạnh dần lên theo cả 02 nghĩa: cường độ càng sáng hơn, và độ rộng càng tỏa ra hơn.

Như vậy, Đức Giêsu đang cần đến ánh sáng từ cái đèn của chúng ta, để tiếp vào Ánh sáng của Ngài. Ta phải trở thành cái đèn tỏa sáng, nếu mỗi người đều là cái đèn tỏa sáng thì thế gian này sẽ rực sáng, và bóng tối sự chết sẽ bị đẩy lùi.

Bà Chiara Lubich nói: “Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Phúc Âm trên khắp thế giới có bị đốt hết đi, thì người ta nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn có thể chép lại Phúc Âm ấy đúng từng câu, từng chữ”.

Câu nói có vẻ gây sốc cho người đọc, nhưng nó lại diễn tả đúng ý nghĩa của dụ ngôn hôm nay, ta phải sống Lời Chúa, để lời Chúa biến đổi, và qua ta họ nhìn thấy gương mặt Đức Giêsu.

DỤ NGÔN THỨ HAI: CÁI ĐẤU ĐONG.

TRÌNH BÀY DỤ NGÔN

“Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe”

Bây giờ Đức Giêsu chuyển sang dụ ngôn khác. Câu đầu tiên của dụ ngôn thứ hai, đó là: “Hãy để ý tới điều anh em nghe”, có nghĩa Đức Giêsu mời gọi các môn đệ và chúng ta phải có sự quan tâm đặc biệt đến Lời Chúa.

“Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.”

Câu thứ hai dễ làm chúng ta hiểu lầm ý nghĩa dụ ngôn, vì trong Tin mừng của Luca ta cũng bắt gặp câu này, khi Đức Giêsu nói về hãy yêu thương kẻ thù, Luca viết: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy". (Lc 6, 37-38)

“Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”, theo Luca, Thiên Chúa sẽ đối xử với chúng ta y như cách chúng ta đối xử với nhau. Nếu ta biết bao dung, biết tha thứ, biết rộng rãi với anh em, thì Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ, bao dung cho ta. Đó là ý nghĩa câu nói của Đức Giêsu theo Tin mừng Luca.

Nhưng cũng câu đó, theo Tin mừng Marcô nó lại mang ý nghĩa khác, tùy theo mạch văn đang xét. Ở đây, do câu đầu của Dụ ngôn, “Hãy để ý tới điều anh em nghe”, đó là sự quan tâm đến lời Chúa, như vậy câu “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” nó cũng sẽ liên quan đến Lời Chúa.

“Anh em đong đấu nào”, một mệnh đề không có bổ từ, có nghĩa: “đong đấu nào cho ai?” ta không biết đong cho ai. Thực ra câu ấy có nghĩa là: Mình quan tâm đến Lời Chúa với mức độ nào.

“thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa”, có nghĩa là Lời Chúa chỉ đem lại hiệu quả tốt, tùy theo sự quan tâm chú ý của người nghe. Mức độ lắng nghe là thước đo hoạt động của Lời Chúa. Sau nữa chỉ có Lời Chúa mới có khả năng cho thêm, cho vượt cả mức lòng ta mong đợi nữa.

Tóm lại:

“Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa”, có nghĩa mức độ hoạt động của Lời Chúa trong ta, nhiều hay ít nó tùy thuộc ta lắng nghe lời Chúa nhiều hay ít. Ta càng quan tâm đến lời Chúa, thì lời Chúa càng biến đổi ta nhiều và ngược lại.

“Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”

Có nghĩa: Ai không chú ý lắng nghe, không mở lòng ra đón nhận, thì cái đã được gieo cũng sẽ mất đi, còn ai càng mở ra và càng cẩn thận thì càng nhận được hồng ân Thiên Chúa và giữ được cái đã được gieo vào lòng mình.

Ý NGHĨA DỤ NGÔN.

Có bao giờ ta đặt câu hỏi: Tại sao ta tham dự Thánh lễ hằng ngày, ta hay chia sẻ lời Chúa, ta tham dự các buổi kinh nguyện, mà đời sống của ta vẫn không có gì thay đổi, nhiều khi còn đi thụt lùi nữa? Đó là câu hỏi, thỉnh thoảng ta phải tự hỏi mình.

Ngoài việc ta phải sống Lời Chúa ra, dụ ngôn thứ hai cho ta câu trả lời, đó là ta thiếu sự quan tâm đến Lời Chúa. Ta nghe lời Chúa trong sự chểnh mảng, trong sự chiếu lệ, nghe tài này lọt qua tai kia. Với cách lắng nghe lời Chúa như vậy, thì làm sao Lời Chúa đọng lại trong ta được.

Nếu ta quan tâm đặc biệt đến Lời Chúa, trân trọng nó như cuốn sách gối đầu giường, Lời Chúa càng thấm sâu vào người ta, để đến một lúc nào đó nó thôi thúc ta phải thay đổi. Và khi ta chịu thay đổi đời sống của mình, lời Chúa càng ngấm sâu vào ta hơn nữa. Ngược lại, khi ta không quan tâm đến Lời Chúa, thì tự ta đang đào thải tất cả những gì Thên Chúa đã ban cho ta. Đó là ý nghĩa câu: “Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2213
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  30
 Hôm nay:  5376
 Hôm qua:  4804
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12254470

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn