Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Năm sau Lễ Chúa Hiển Linh

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ tư sau Lễ Chúa Hiển Linh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh
(09/01/2014) - (Lc 4, 14-22a)



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.

Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê”

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Jordan, Luca viết: “đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” (Lc 3. 21-22) Như vậy, đã có Lễ Hiện xuống tại sông Jordan khởi đầu Sứ vụ loan báo Tin mừng của Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài, và Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành với Ngài trong suốt cuộc đời trần thế này.

Trong Kinh Tin Kính của Công đồng Nicea, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành....

Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra...

Như vậy Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Chúa Con, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Con yêu Chúa Cha và Chúa Cha yêu Chúa Con, nhưng tình yêu đó không đóng kín trong 02 Ngôi vị như tình yêu của con người, mà nhiệm xuất ra Ngôi vị thứ ba, đó là Chúa Thánh Thần. Ta sẽ xác tín: Ngôi Ba Thiên Chúa chính là Tình Yêu Thiên Chúa, là Quyền Năng Thiên Chúa. Ngài bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra

Như vậy mỗi hành động, mỗi việc làm của Đức Giêsu luôn có Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Luca viết: “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4, 1-2). Ngày hôm nay, vẫn theo Luca: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê”. Điều này có nghĩa, việc Đức Giêsu trở về miền Galilê không do tự phát mà là chương trình của Thiên Chúa, chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy.

Nhưng tại sao lại là trở về, trước đó Đức Giêsu đang ở đâu? Xin thưa: Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Jordan, miền Giuđêa, Ngài được Thánh Thần dẫn vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày và chịu ma quỷ cám dỗ, hoang địa này vẫn thuộc miền Giuđêa. Nhưng nơi sinh trưởng của Đức Giêsu lại ở Nadarét, nằm trong miền Galilêa. Như vậy khi Đức Giêsu từ miền Giuđêa di chuyển đến Galilê, ta gọi là “trở về”, trở về nơi sinh trưởng.

Đức Giêsu luôn được Thánh Thần thúc đẩy và Ngài luôn hành động theo Thánh ý Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy trong cuộc đời mình. Vì một khi tin vào Đức Giêsu và chịu Phép Rửa, ta đã được tháp vào Đức Giêsu, nên ta cũng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Ngài luôn thúc đẩy ta sống trong Thiên Chúa, có nghĩa Ngài luôn thúc đẩy ta sống yêu thương, quảng đại, vì ai sống trong tình yêu thì sống trong Thiên Chúa.

Nhưng vấn đề đặt ra, ta có để cho Chúa Thánh Thần thúc đẩy không, hay ta đang ỳ ra chống lại lực đẩy đó, vì trong ta luôn có một lực, đẩy ta đi theo chiều ngược lại, đó là lực đẩy của Satan, của thế gian và xác thịt. Khi ta không sống trong yêu thương, ta sẽ sống trong sự ganh ghét, sống trong sự căm thù, và ích kỷ.

“và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.”

Khi Đức Giêsu trở về Galilê (chưa đến Nadarét) tiếng tăm Ngài đồn ra không những ở Galilê mà còn ở các vùng lân cận. Nhưng Ngài đã làm gì mà tiếng tăm Ngài được mọi người biết đến? Luca cho biết: Đức Giêsu giảng dạy trong các hội đường.

Nước Do-Thái thời Đức Giêsu chỉ có một Đền Thờ duy nhất tại Jerusalem, nhưng Hội đường mới là các trung tâm tôn giáo của dân địa phương. Theo Lề Luật, chỗ nào có từ 10 gia đình trở lên, chỗ đó phải có một hội đường. Vì thế, hầu như mỗi làng mạc hay thành phố, đều có ít nhất một hội đường cho dân học hỏi và làm việc thờ phượng. Vào mỗi ngày Sabath, người Do Thái đều tụ tập tại Hội đường. Phụng vụ trong Hội đường gồm 3 phần chính:

(1) Phần phụng vụ của các lời cầu nguyện;

(2) Phần đọc Kinh Thánh:

Có tất cả 7 người trong cộng đoàn đọc. Họ đọc bằng tiếng Do-Thái, nhưng được phiên dịch ra tiếng Aramaic hay Hy-Lạp, vì thời của Đức Giêsu, ít người hiểu tiếng Do-Thái. Nếu là Sách Luật, họ đọc mỗi câu một lần; nếu là Sách Tiên-tri, họ đọc 3 câu một lần.

(3) Phần dạy dỗ:

Không nhất định phải là Rabbi (giáo trưởng). Người trưởng hội đường có thể mời bất cứ người nào có thế giá trong dân để chia sẻ, và để điều khiển cuộc đối thoại sau đó. Đây là lý do tại sao Đức Giêsu có cơ hội giảng dạy để người ta biết tới và tôn vinh.

Marcô viết: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” (Mc 1, 22) Tại sao Đức Giêsu giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền? Xin thưa: Vì Ngài nói lời Hằng sống, lời Thiên Chúa, mà Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, như vậy Ngài giảng dạy như Đấng có thẩm quyền, Ngài có thẩm quyền trên lời nói của mình, và khi nói với thẩm quyền, thì lời nói đó đầy sức mạnh và uy lực.

Hằng ngày ta vẫn nghe lời Chúa trong thánh lễ, trong các buổi chia sẻ và cầu nguyện, nhưng thử hỏi lời Chúa đã biến đổi ta chưa? Nếu Lời Chúa chưa ảnh hưởng đến đời ta, chưa đẩy ta tiến trên đàng nhân đức, thì nó vì cái gì? Chắc chắn không phải do bản thân Lời Chúa, mà do ta chưa chịu để cho Lời Chúa biến đổi, ta còn cưỡng lại, vì Lời Chúa bắt ta phải thay đổi, bắt ta phải hy sinh những thói quen, hy sinh những đam mê, mà những thứ đó dễ gì buông tha chúng ta.

“Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng.”

Mặc dù Đức Giêsu ở trong miền Galilê, nhưng bây giờ Ngài mới về Nadarét nơi Ngài sinh trưởng. Đức Giêsu cũng mới chỉ tạm biệt Nadarét ít lâu, vì đây đang là thời điểm đầu Sứ vụ, như vậy nơi làng quê của Ngài vẫn không có gì thay đổi, Ngài thuộc từng con đường, từng ngôi nhà và còn nhớ như in các bạn bè của mình. Nhưng dân làng lại không như vậy, vì Đức Giêsu bây giờ không còn là anh Giêsu cách đây mấy tháng, tiếng tăm của Ngài đã vang dội tới đây. Họ vô cùng ngưỡng mộ, hãnh diện và nở mày nở mặt.

“Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh”

Luca cho biết hôm nay là ngày Sabath, Đức Giêsu đã vào hội đường như thói quen, có nghĩa trước đây Ngài đã làm như vậy và luôn được mời đọc sách thánh. Việc đến Nhà Chúa để thờ phượng, nếu đã trở thành thói quen, thì ta sẽ được Lời Chúa ngấm sâu trong con người mình. Nếu ta không tìm cách loại Lời Chúa ra, Lời Chúa sẽ khắc sâu trong trái tim ta và ta sẽ được Lời Chúa biến đổi. Nhưng nếu ta ít đến nhà thờ, ít có dịp tiếp cận với lời Chúa, thì thử hỏi làm sao Lời Chúa có thể đi vào tâm hồn ta được. Mà khi nó chưa được ngấm vào, thì đừng nói gì đến việc Lời Chúa biến đổi mình. Như vậy để được Chúa biến đổi, ta phải yêu mến Nhà Chúa và năng đến với Nhà Chúa để đời ta được Ngài biến đổi.

“Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Đức Giêsu được người trưởng Hội đường trao cho sách ngôn sứ Isaia, Ngài mở ra gặp đoạn... Có người cho rằng đây chỉ là sự vô tình, khi Ngài mở ra đoạn Ngài sắp đọc. Nhưng nếu cho rằng đó là sự vô tình, sẽ chẳng có nghĩa gì hết, vì đoạn Ngài sắp đọc vô cùng quan trọng. Như vậy, ta chỉ có thể hiểu đó là ý định của Thiên Chúa, vì như từ đầu Bài Tin mừng, Đức Giêsu luôn được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nên mọi việc Ngài làm đều nằm trong Thánh ý Thiên Chúa.

Đoạn Đức Giêsu đọc trong sách Ngôn sứ Isaia (Is 61, 1-2) đã ứng nghiệm đúng vào Ngài. Đây là sự kiện quan trọng, nó như người đang dõng dạc công bố chương trình hành động của mình trước cử tọa.

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Chúa Thánh Thần luôn ở với Đức Giêsu và Ngài đã được Chúa Cha tấn phong ở sông Jordan. Matthêu viết: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 16-17)

Người ta sẽ thắc mắc, tại sao Đức Giêsu chỉ loan báo Tin mừng cho người nghèo hèn, còn người giàu có thì sao, chẳng lẽ không được nghe nói đến?

Vâng quả đúng như vậy, chỉ có người nghèo hèn mới được nghe Tin mừng, còn người giàu thì không. Nhưng giàu nghèo ở đây phải được xác định theo nghĩa Kinh Thánh. Theo Kinh Thánh, người nghèo là người mà tâm hồn họ trống rỗng, luôn có chỗ cho Thiên Chúa ngự vào. Tâm hồn họ không chất chứa tham sân si, không chất chứa dục vọng, để một khi lời Chúa đến với họ, sẽ có đủ chỗ cho lời Chúa ngự vào. Còn người giàu là người trong tâm hồn có quá nhiều dục vọng, quá nhiều tham sân si, để không còn chỗ cho Thiên Chúa.

Như vậy, người nghèo vật chất chưa hẳn là người nghèo theo nghĩa Kinh thánh, có khi còn là người giàu nữa. Trái lại người giàu vật chất chưa hẳn là người giàu theo Kinh thánh, có khi còn là người nghèo nữa.

“Công bố một năm hồng ân của Chúa”. Năm Hồng Ân, xảy ra mỗi 50 năm một lần. Trong năm này, tất cả nợ nần được tha, tất cả đất đai đã bán được trả về cho chủ cũ, tù nhân được phóng thích hay giảm án. Nói tóm lại, mọi người đều có cơ hội làm lại cuộc đời. Sách Lêvi đã liệt kê tất cả quy định phải thực thi trong Năm Hồng ân này ở chương 25 (Lev 25).

Như vậy, Sứ mạng của Đức Giêsu chủ yếu là loan báo và công bố. Sứ mạng ấy nhắm đến những người bất hạnh trong xã hội: người nghèo, người bị giam cầm, người bị mù lòa, bị áp bức. Đức Giêsu dường như đến để mở một Năm Thánh đặc biệt, Năm hồng ân. Ơn nổi bật là ơn trả lại tự do cho tù nhân và cho người bị áp bức.

 

Nhưng thử hỏi Giáo hội có thực sự là của người nghèo chưa? Xin được khẳng định:  Giáo Hội đã, đang và sẽ mãi mãi nối tiếp Sứ mệnh của Đức Giê-su, đó là: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn...... Đó cũng là Sứ mệnh của Giáo Hội. Ở đây ta cứ hiểu “người nghèo” theo nghĩa đen, không cần hiểu theo nghĩa Kinh Thánh. Nếu Giáo hội thực sự là của người nghèo, thì Giáo hội sẽ là của tất cả mọi người, vì người nghèo hiện diện khắp nơi, đi đâu ta cũng gặp họ. Họ là nạn nhân của sự bất công, nạn nhân của bóc lột, của chà đạp, của lợi dụng. Họ vẫn là người nhưng sống không ra người. Nếu Giáo hội là Giáo hội của người nghèo, Giáo hội sẽ dẫn mọi người đến với Chúa.

Tuy nhiên có nhiều Sứ giả Tin mừng tự mâu thuẫn: họ muốn nói cho khán giả biết Chúa đến với người nghèo, nhưng khi gặp người nghèo, dù chỉ là một người giả nghèo, thì họ đã xua đuổi. Như vậy, Tin mừng đã không thấm nhập vào lòng những kẻ trình diễn Tin mừng.

“Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

“Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người”. Danh tiếng Đức Giêsu đang vang dội, ai cũng biết việc Ngài làm và họ cũng thấy đoạn sách Ngôn sứ Isaia hôm nay rất đặc biệt, được chính Đức Giêsu công bố. Dưới con mắt dân chúng, mặc dù Ngài vô tình mở trúng đoạn này, nhưng họ thấy nó thật khớp về những gì Ngài đã làm. Vì thế, đến phần giảng giải Kinh Thánh họ chăm chú nghe Ngài nói. Ta nói đó là kết quả của người đã sống Lời Chúa và nay đang nói về Lời Chúa, thì hẳn nơi họ sẽ có sức thu hút đặc biệt. Ngược lại với người có sứ mạng công bố lời Chúa, nhưng lại sống không đúng và có khi còn đi ngược với Lời Chúa, nay phải công bố Lời Chúa cho người khác, thì còn ai muốn nghe họ nữa.

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Đức Giêsu muốn nói cho mọi người trong Hội đường biết, lời của Ngôn sứ Isaia cách đây 700 năm đã được ứng nghiệm, có nghĩa Ngài chính là Người được Isaia nói đến.

Cụm từ “ứng nghiệm”, ta sẽ gặp rất nhiều trong Kinh thánh, nó muốn chứng minh một điều: Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện Chương trình Cứu chuộc. Chương trình này đã được Thiên Chúa vạch ra từ ngàn đời và dần dần được thực hiện theo thời gian. Các Tiên tri, các Ngôn sứ,... trong Cựu ước đã được Thiên Chúa linh hứng, để tiên báo cho dân biết và khi đến thời gian ấn định, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để thực hiện Chương trình Cứu chuộc, ứng nghiệm tất cả những gì đã được nói tiên tri trong Cựu Ước.

Như vậy, trong niềm tin Kitô giáo, ta có thể khẳng định: lịch sử của vũ trụ và của con người có hướng đi rõ ràng: Khởi đầu vũ trụ và của con người được Thiên Chúa tạo dựng để hướng về Ngài – Tiếp đến con người sa ngã và đánh hỏng Chương trình Sáng Tạo của Thiên Chúa – Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người, Ngài đã vạch ra và thực hiện Chương trình Cứu chuộc – Cuối cùng con người đi về với Thiên Chúa. Như vậy Lịch sử luôn đi theo đường thẳng về với Thiên Chúa, chứ không luẩn quẩn trong cái vòng luân hồi bất định.

“Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.”

Amen.
 

Jos. Nguyễn Viết Tâm 


Trở lại      In      Số lần xem: 2424
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  32
 Hôm nay:  3903
 Hôm qua:  4804
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12252997

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn