Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần III thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên năm chẵn 
(27/01/2014) - (Mc 3, 22-30)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.

Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

"Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời". Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám."
_______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

Để có thể hiểu được tại sao các kinh sư từ Giêrusalem xuống, nói cho người ta biết Đức Giêsu bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, ta phải xét thêm 02 câu đi trước Bài Tin mừng hôm nay. 02 câu ấy như sau:

“Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” (Mc 3, 20-21)

Sau khi Đức Giêsu từ trên núi xuống, Ngài ở trên núi để lập nhóm Mười Hai, và trở về nhà, đám đông lại kéo đến, thành ra Ngài và các môn đệ không có giờ ăn uống. Đám đông ở đây không rõ nhiều hay ít, nhưng trong Tin mừng Marcô, ông luôn diễn tả đó là một biển người. “Không có giờ ăn uống”, đó là điều tệ hại nhất cho Đức Giêsu và các môn đệ. Ta đừng tưởng Ngài là Thiên Chúa, việc ăn uống không thành vấn đề. Khi suy nghĩ như vậy, người ta thiên về bản tính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu hơn là bản tính nhân loại. Ta luôn nhớ một điều, Đức Giêsu là con người hoàn toàn, có nghĩa cũng biết đói, biết khát, biết buồn, biết giận dữ,... đó cũng là trạng thái của chúng ta. Như vậy, khi một người làm việc hết công suất như Đức Giêsu, mà lại ăn uống, ngủ nghỉ không đảm bảo thì việc gì sẽ xảy ra, chắc ai cũng hiểu.

Sự việc đã đi đến mức tồi tệ, việc thiếu ăn và thiếu ngủ đó, đã làm cho Đức Giêsu bị suy kiệt, có thể không còn phản ứng như một con người bình thường, nên thân nhân của Ngài khi hay tin liền đi bắt Ngài. Cái lý do chính để họ làm việc ấy, là muốn tách Đức Giêsu khỏi dân chúng một thời gian, để Ngài nghỉ ngơi và ăn uống cho lại sức. Nhưng khi nói với người khác, họ lại đưa ra lý do: Ngài bị mất trí để mọi người cho phép họ đưa Đức Giêsu đi, nếu không Ngài sẽ chết vì đám đông luôn vây quanh Ngài.

Ý của thân nhân Đức Giêsu là ý tốt đẹp, nhưng cái lý do họ đưa ra, “bị mất trí”, lại vô tình đưa Đức Giêsu vào một cuộc công kích mới. Các kinh sư, người Pharisêu,... luôn tìm cách bắt bẻ Ngài, đương nhiên họ không bỏ lỡ dịp may hiếm có trời cho này. Họ sẽ khai thác tối đa cái lý do mà thân nhân Đức Giêsu đưa ra.

Marcô cho biết các kinh sư đang ở Giêrusalem chứ không phải ở Carphanaum, miền Galilê, khi hay tin này họ tức tốc đi xuống để đổ thêm dầu vào lửa. Họ sẽ đẩy cái lý do “mất trí” lên tới đỉnh, cho rằng: Đức Giêsu bị quỷ ám. Những ai am tường sự việc này mới ghê tởm cho đám kinh sư, từ lý do mất trí mà lại kết luận bị quỷ ám. Thật lố bịch và hàm hồ!

Chưa hết, họ muốn nói mạnh hơn nữa, nói bị quỷ ám chưa mạnh bằng nói: “Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám”. Họ chỉ đích tên quỷ vương. Khi bị quỷ vương ám, nó cũng đồng nghĩa với việc Đức Giêsu đã bị quỷ khống chế hoàn toàn. Và sự suy diễn lôgic kế tiếp, sẽ là việc Đức Giêsu trừ quỷ, theo họ, “Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”.

Như vậy, qua câu đầu tiên của Bài Tin mừng: “Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”, các kinh sư đã phạm đến một tội rất nặng mà Marcô ở cuối Bài Tin mừng, ông gọi là tội “phạm đến Chúa Thánh Thần” và tội này sẽ không được tha. Vì họ không những nhục mạ Con Thiên Chúa, điều nguy hiểm hơn, họ xuyên tạc quyền năng của Thiên Chúa, khi Đức Giêsu trục xuất quỷ ra khỏi người bị ám, họ cắt nghĩa quyền năng đó thực chất là quyền năng của quỷ vương.

“Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ”

“Người liền gọi họ đến”, chứng tỏ đám kinh sư đang ở một khoảng cách khá xa so với Đức Giêsu, vì có bao giờ người tung tin đồn nhảm lại dám gần nạn nhân của tin đồn đó. Đây là cung cách của những kẻ tiểu nhân, mà người đời hay gọi họ bằng cụm từ “đâm sau lưng chiến sĩ”. Vì họ luôn giấu mặt. Nhưng Đức Giêsu hôm nay không cho phép họ ẩn mặt khi nhục mạ Thiên Chúa, Ngài muốn họ phải bước ra ánh sáng, và khi một con người với tâm địa đen tối, phải bước ra ánh sáng, thì sự đen tối sẽ được bóc trần trước mặt mọi người.

“Dùng dụ ngôn mà nói với họ”. Tại sao Đức Giêsu lại phải dùng dụ ngôn mà không nói thẳng trực tiếp? Xin thưa: Vì Ma quỷ, Thiên thần,... là những thực tại vô hình, không thể diễn tả cho đám kinh sư khi dùng ngôn ngữ con người, vì thế để diễn tả thực tại vô hình mà phải dùng ngôn ngữ con người, Ngài phải dùng dụ ngôn. Có nghĩa dùng một hình ảnh đời thường, có thật, ai cũng hiểu để diễn tả một thực tại cao siêu, con người không thể nắm bắt.

“Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.”

“Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?”, có nghĩa để trừ quỷ, trừ Satan, ta phải dùng quyền năng của Đấng siêu vượt trên chúng. Cũng như trong một căn phòng tối tăm, người ta không thể dùng sự tối để loại trừ sự tối đang có ra khỏi nó, ngược lại càng làm cho căn phòng tối hơn nữa. Muốn loại trừ sự tối tăm, người ta phải thắp lên một ngọn nến, thắp một ngọn đèn hoặc bật sáng một bóng đèn. Chỉ có ánh sáng mới loại trừ sự tối tăm. Như vậy ta có thể khẳng định: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?”

“Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.” Đây là một chân lý, nó rõ ràng đến nỗi cả những người công kích Đức Giêsu cũng phải đồng ý. Ông bà ta thường có câu: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, một sự khẳng định mạnh mẽ cho sự tồn vong một dân tộc, một đoàn thề, một gia đình. Điều này ai cũng hiểu, cả ma quỷ nó cũng hiểu.

“Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số”. Đây mới là câu kết luận của dụ ngôn. Như vậy, Đức Giêsu muốn khẳng định cho đám kinh sư các điều sau đây:

1/. VƯƠNG QUỐC SATAN LÀ MỘT THỰC TẠI BỀN VỮNG.

Vương quốc đó nằm trong sự cho phép của Thiên Chúa. Chính vì thế, khi Đức Giêsu chữa bệnh cho người bị quỷ ám, Ngài không bao giờ giết tên quỷ đó, mà chỉ trục xuất nó ra khỏi người bị ám, vì ma quỷ bản chất là loài thiêng liêng. Ngay từ ban đầu chúng là các thiên thần hầu hạ, chầu chực trước nhan Thiên Chúa, nhưng vì kiêu ngạo muốn ngang hàng với Ngài, nên chúng bị luận phạt.

2/. KHÔNG THỂ CÓ CHUYỆN: SATAN CHỐNG LẠI SATAN

Vì điều này là hệ quả tất yếu của sự khẳng định trên.

3/. KẾT LUẬN: KHI ĐỨC GIÊSU TRỪ QUỶ, NGÀI ĐÃ DÙNG QUYỀN NĂNG CỦA THÊN CHÚA, chứ không phải quyền năng của quỷ vương.

Thánh sử Gioan viết về Ngôi Lời như sau: “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1, 4-5)

Vâng đúng vậy, trước khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, trần gian bị chìm ngập trong bóng tối sự chết. Khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài là Ánh sáng và Sự sống, đã đẩy lùi bóng tối ra khỏi thế gian. Như vậy việc đẩy lùi bóng tối, nó phải phát xuất tự bản chất của ánh sáng chứ không thể dùng bóng tối để đẩy bóng tối. Ta phải đi đến khẳng định cuối cùng: Đức Giêsu đã dùng quyền năng của Thiên Chúa để trừ quỷ.

“Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.”

Đức Giêsu dùng một dụ ngôn khác để diễn tả quyền năng Thiên Chúa, siêu vượt trên quỷ thần.

Dụ ngôn thật dễ hiểu, ở đây Ngài dùng hình ảnh một tên cướp, chứ không phải tên trộm, và khi nói đến cướp phải hiểu có bạo lực, có sức mạnh khống chế nạn nhân.

Một tên cướp muốn cướp tài sản của một người mạnh nào đó, thì công việc đầu tiên mà y phải làm, đó là trói người mạnh đó. Có nghĩa tên cướp phải có sức mạnh hơn chủ nhà.

Trần gian trước khi Đức Giêsu xuống thế làm người, đang bị ma quỷ khống chế. Nó là thế lực mạnh, vì nó mạnh nên con người không thể thoát ra sự khống chế của nó. Khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài sẽ giải thoát con người khỏi xiềng xích sự chết, trả cho họ quyền được làm con Thiên Chúa. Ngài chỉ có thể làm được điều đó, thì trước tiên Ngài phải “trói người mạnh ấy trước đã”, có nghĩa đẩy lùi sự khống chế của ma quỷ trên con người.

Như vậy, qua dụ ngôn thứ hai, Đức Giêsu muốn khẳng định cho đám kinh sư biết: NGÀI CÓ QUYỀN TRÊN MA QUỶ”. Như vậy làm sao Ngài có thể bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám được. Thật hàm hồ và lố bịch.

"Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời". Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám."

Thánh sử Gioan trong sách Khải Huyền viết: “Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi: "Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?" Tôi trả lời: "Thưa Ngài, Ngài biết đó." Vị ấy bảo tôi: "Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.” (Kh 7, 13-14)

Tâm hồn mỗi người là một tấm áo trắng, trải qua dòng đời, họ đã chất vào mình biết bao tội lỗi. Mỗi tội con người xúc phạm đến Thiên Chúa đều làm cho chiếc áo linh hồn mình bị nhơ bẩn, và đến lúc chiếc áo đó đen đến nỗi không thể đen hơn được nữa. Thế nhưng, họ đã biết giặt áo mình, không phải bằng nước, vì trong trường hợp này nước không thể giúp gì được. Họ đã giặt áo của mình trong Máu Con Chiên. Chính thứ Máu đó mới trả lại sự trong trắng cho chiếc áo linh hồn ta.

Hôm nay Đức Giêsu khẳng định với mỗi người: “Mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha”. Mọi tội của ta đều được tha kể cả tội nói phạm thượng, theo kiểu nói ấn tượng của Marcô, cho dù có nhiều đến mấy đi nữa cũng được tha. Đó là điều chắc chắn, một chân lý. Tại sao ta tin điều đó? Xin thưa: vì Thiên Chúa là Tình Yêu, Tình Yêu tuyệt đối, nơi Ngài không có bất kỳ giới hạn nào. Trong Tình Yêu đó, Ngài luôn tha thứ tất cả mọi tội lỗi, khi con người nhận ra sự yếu đuối của mình.

Nhưng Đức Giêsu lại khẳng định, có một thứ tội không thể tha, đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Tại sao ta nói: Mọi tội lỗi của con người được tha hết, Tình Yêu của Thiên Chúa là tuyệt đối, như vậy còn sót lại tội này, làm sao gọi là tuyệt đối được?

Xin thưa: Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội chối bỏ Chúa Thánh Thần, đó là tội không chấp nhận cho Ngài biến đổi ta. Nói cụ thể hơn, đó là TỘI CỐ CHẤP. Họ không được tha, chỉ vì họ không muốn được tha, chỉ có vậy thôi.

“Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám." Đức Giêsu nói rõ tội phạm đến Chúa Thánh Thần trong bài Tin mừng hôm nay, đó là tội: NÓI ĐỨC GIÊSU BỊ THẦN Ô UẾ ÁM”

Khi họ nói câu này, có nghĩa họ đã chối bỏ quyền năng Thiên Chúa trong Đức Giêsu, chối bỏ Con Thiên Chúa, tức chối bỏ Thiên Chúa, thì tội ấy làm sao được tha, vì họ đã loại Đấng có thể tha tội, thì lấy ai để tha tội cho họ đây.

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3134
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  34
 Hôm nay:  8471
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12264625

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn