Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Thường Niên năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần I thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Thường Niên năm chẵn 
(13/01/2014) - (Mc 1, 14-20)

 


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người.

Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
_________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa”

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Jordan, đã có cuộc Hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa, các tầng trời mở ra, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Đây là sự chứng nhận của Chúa Cha để khởi đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa, nó cũng cho biết Sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Ngài bắt đầu.

Nhưng công cuộc loan báo Tin mừng là việc lâu dài, nó kéo dài cho đến ngày tận thế, do đó cần phải có kế hoạch và sự chuẩn bị để mang lại hiệu quả to lớn. Công việc đó không được làm cách ngẫu hứng và tùy tiện, phải có chương trình cụ thể và phải có sự kiên trì, liên tục. Sự chuẩn bị đó bao gồm:

1/. Chọn thời điểm thích hợp cho việc bắt đầu Sứ vụ loan báo Tin mừng.

2/. Phải chọn địa điểm hoạt động thích hợp, địa điểm đó phải thuận lợi giao thông và có sự lan truyền ảnh hưởng đến các vùng chung quanh.

3/. Đưa ra Sứ điệp loan báo.

4/. Kế tiếp, phải chuẩn bị nhân lực, còn gọi là môn đệ, huấn luyện họ, để những người này sẽ kế tục sự nghiệp của mình.

Bài Tin mừng của Marcô hôm nay cho chúng ta thấy tất cả các sự chuẩn bị của Đức Giêsu, một sự chuẩn bị rất chu đáo trong kế hoạch của Thiên Chúa..

THỜI ĐIỂM BẮT ĐẦU:
ĐỨC GIÊSU CHỌN MỐC THỜI GIAN GIOAN TẨY GIẢ BỊ BẮT.

Người ta sẽ đặt câu hỏi, tại sao lại phải chọn thời điểm Gioan Tẩy Giả bị bắt? Ngài có thể chọn trước đó được không? Nhất là từ khi Đức Giêsu chịu phép rửa đến khi Gioan bị bắt, nó cũng là khoảng thời gian đáng kể, sao Ngài không thi hành Sứ vụ mình ngay sau khi chịu phép rửa?

Vâng, một câu hỏi rất đáng chú ý, sở dĩ Đức Giêsu chọn thời điểm Gioan Tẩy Giả bị bắt, vì Gioan Tẩy Giả là Vị Ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Khi ông bị bắt, coi như nhiệm vụ Ngôn sứ của ông đã hoàn tất, và đây chính là thời điểm mở đầu thời Tân ước.

ĐỊA ĐIỂM HOẠT ĐỘNG:
ĐỨC GIÊSU CHỌN CARPHANAUM, MIỀN GALILÊA.

Về địa điểm hoạt động cũng có người đặt câu hỏi, tại sao Đức Giêsu không chọn miền Giuđêa, nơi có Thủ đô Giêruasalem và Đền thờ Giêrusalem, có thể nói, đó là nơi tập trung Văn hóa, Tôn giáo của cả nước, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả to lớn, vả lại đó cũng là miền Gioan Tẩy Giả đã chuẩn bị tâm hồn cho người Do Thái? Tại sao Đức Giêsu lại chọn miền Galilêa, miền mà dân ngoại chiếm hơn phân nửa, và đó cũng là miền bị xem thường nhất?

Xin thưa: Đức Giêsu không chọn Giuđêa vì nơi đó không thích hợp giao thông, và không ảnh hưởng mạnh sang các miền chung quanh, vì Giuđêa là một miền núi.

Sở dĩ Đức Giêsu chọn miền Galilêa vì:

Galilê là vùng đất phì nhiêu, rất đông dân, nhưng bao quanh bởi các dân ngoại: Phía Tây Bắc là người Phoenicia, phía Đông Bắc là người Syria, và phía Nam là người Samaria; vì thế, Galilê chịu nhiều ảnh hưởng của dân ngoại hơn bất cứ vùng nào của người Do-Thái.

Hơn nữa, Galilê còn là trục lộ giao thông của miền Trung Đông: Con Đường Ven Biển nối từ Damascus, Syria, tới Ai-Cập, rồi qua Phi Châu phải băng ngang qua Galilê; Con Đường tới phía Đông cũng phải qua Galilê. Vì thế, có thể nói: GIAO THÔNG CỦA THẾ GIỚI PHẢI NGANG QUA GALILÊ.

Một lý do khác cần phải kể đến, Đức Giêsu chọn Carphanaum, miền Galilêa đó là để ứng nghiệm lời tiên báo trong Cựu ước.

Đức Giêsu quyết định chọn Ca-phac-na-um, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li”. Caphácnaum, một tỉnh lớn chuyên đánh cá gần hồ Galilê, tỉnh này nằm trong địa giới của chi tộc Naptali ngày xưa.

Để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: Này đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”

Có nghĩa Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế được loan báo từ xa xưa trong Cựu Ước. Chương trình Cứu Độ được Thiên Chúa hoạch định từ ngàn đời và Thiên Chúa đã linh hứng cho các Tiên tri và ngôn sứ trong Cựu ước, loan báo cho dân Do Thái. Như vậy việc Đức Giêsu chọn Ca-phac-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, một đàng để ứng nghiệm lời tiên tri, và một tác động ngược lại là làm cho Cựu Ước trở thành cuốn sách giá trị vì nó viết lời Thiên Chúa.

Tiên tri Isaia nói: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9, 1)

Đức Giêsu khởi đầu Sứ vụ của Ngài tại một vùng dân ngoại. Isaia gọi họ là dân đang lần bước giữa tối tăm. Vâng chính vì dân ngoại, nên họ không có niềm tin vào Thiên Chúa như người Israen. Và một khi không tin nhận Thiên Chúa, họ sống trong bóng tối sự chết. Khi Đức Giêsu xuất hiện, Gioan mô tả: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” (Ga 1, 9) Đức Giêsu chính là Ánh sáng bừng lên chiếu rọi vào dân đang lần bước trong tăm tối.

SỨ ĐIỆP LOAN BÁO: “Người nói: Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

“Thời gian đã mãn”, có nghĩa thời gian chuẩn bị cho Chương Trình Cứu Độ đã kết thúc, và bây giờ chính là lúc thực hiện Chương trình đó. Chương Trình Cứu Độ đã được Thiên Chúa vạch ra từ ngàn xưa, kể từ lúc Ông bà Nguyên Tổ phạm tội phá hỏng Chương trình Sáng tạo, nó được loan báo dần trong thời Cựu ước.

“Nước Thiên Chúa đã gần đến”, Nước Thiên Chúa đã đến và Nước Thiên Chúa gần đến. Cụm từ “đã gần đến” vừa ở thì quá khứ và vừa ở thì tương lai, nó cho biết Ngước Thiên Chúa đã đến rồi, từ khi Con Thiên Chúa, Đức Giêsu xuống thế làm người. Nước đó sẽ viên mãn trong ngày Cánh Chung, tức ngày Tận thế.

Để đón nhận Nước Thiên Chúa ta phải thay đổi lối sống, Nước đó không dành cho những ai sống với lối sống như mình đã sống, vì Nước Thiên Chúa không dành cho những ai ươn lười, buông xuôi, những kẻ chỉ biết suốt ngày kêu réo “Lạy Chúa, lạy Chúa”, Nước đó chỉ dành cho những ai dám sống can trường, dám dùng sức mạnh để làm chủ dục vọng con người mình.

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

“Sám hối” tức ý thức sự lầm đường lạc lối, khi chạy theo những đam mê, dục vọng, khép kín lòng mình với anh em, để ta trở về với nẻo chính đường ngay, trở về với Thiên Chúa, trở về với anh em và trở về với ta.

“Tin vào Tin Mừng”, có nghĩa tin vào Đức Giêsu và và thực thi Lời Ngài. Lời Đức Giêsu được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Khi nói đến Tin mừng, làm ta nhớ lại lời Thiên sứ báo tin cho các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. Vâng, Đức Giêsu chính là Tin mừng Thiên Chúa ban cho con người và từ đây sẽ không có Tin mừng nào khác.

Nhưng thử hỏi còn Tin mừng nào khác nữa không? Xin thưa: Không. Nhưng người ta lại không thích Tin mừng này, vì một khi chấp nhận nó, đòi hỏi người ta phải từ bỏ chính mình, từ bỏ tất cả những đam mê, dục vọng làm tha hóa con người mình. Chính vì thế, người ta chạy theo những tin mừng khác, dễ dãi hơn, phù hợp với bản năng của con người hơn.

Nhưng vấn đề đặt ra: Tin mừng nào mới đem lại sự sống cho con người, đó mới là vấn đề quan trọng.

CHỌN NHÂN SỰ: KÊU GỌI CÁC MÔN ĐỆ.

Công việc cuối cùng chuẩn bị cho công cuộc loan báo Tin mừng, đó là chuẩn bị nhân sự, còn gọi là các môn đệ. Những người này sẽ được Đức Giêsu huấn luyện và sẽ kế tục sứ vụ của Ngài.

Bài Tin mừng hôm nay, Marcô giới thiệu 04 môn đệ đầu tiên, đó là 02 cặp anh em: Phêrô, Anrê – Gioan, Giacôbê.

“Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người.”

Đây không phải lần đầu Đức Giêsu gặp 02 anh em: Anrê – Phêrô. Trước đây Anrê và Gioan là môn đệ của Gioan Tẩy giả. Một hôm trong lúc Gioan đang giảng thì thấy Đức Giêsu đi ngang qua, Gioan Tẩy Giả liền chỉ tay và nói rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Tò mò và kích thích, Anrê và bạn ông là Gioan đã theo Đức Giêsu đến nơi Ngài ở và ở lại với Ngài ngày hôm đó. Sau đó Anrê về nhà dẫn em mình là Phêrô đến gặp Đức Giêsu. Hai anh em: Anrê – Phêrô lúc này chưa dứt khoát đi theo. Họ về lại nơi mình ở và tiếp tục nghề chài lưới. 

Hôm nay, không phải 02 anh em đi tìm Đức Giêsu như lần trước mà chính Ngài đi tìm các ông và tìm các ông trong lúc đang quăng chài xuống biển, để sau này Đức Giêsu có thể nói: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại” (Ga 15, 16)

Ta để ý cụm từ “đang thả lưới xuống biển”, có nghĩa Đức Giêsu chọn 02 ông trong lúc đang làm việc, chứ không phải lúc nghỉ ngơi. Nó có ý nghĩa rất đặc biệt, khi được kêu gọi trở thành kẻ chài lưới người, các ông vẫn trong tư thế làm việc, chỉ có điều chuyển từ chài lưới cá thành chài lưới người, mà trong dụ ngôn Nước Trời, Đức Giêsu đã ví Nước Trời giống như mẻ cá đầy, mẻ cá do các môn đệ đánh được.

“Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”.

“Hãy theo Ta”, đây là lời mời gọi chính thức của Đức Giêsu.

Có người cho rằng, trong Tin mừng Gioan (Ga 1, 35-51), Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Điều này sai hoàn toàn, Gioan tường thuật: Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu khi ông nói về Ngài, “Đây là Chiên Thiên Chúa”, lúc đó 02 môn đệ của ông là Anrê và Gioan có mặt, liền đi theo Đức Giêsu đến nơi Ngài ở và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Tiếp đến Anrê về dẫn em mình là Simon Phêrô đến gặp Đức Giêsu. Ngài nói với ông: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô).” Sự việc chỉ có vậy, và không có lời nào Đức Giêsu kêu gọi. Sau đó các ông trở về lại nhà mình.

Hôm nay tại bờ hồ Galilê, Đức Giêsu chính thức gọi các ông. Ngài gọi hai ông để làm gì? Ta để ý cụm từ “Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành...”, Ngài không nói họ làm gì hết, mà là việc của Ngài, đó là biến đổi các ông thành những kẻ chài lưới người như lưới cá.

Đức Giêsu nói vậy có đúng không? Vì lưới người và lưới cá hoàn toàn toàn khác nhau, không có gì đảm bảo từ việc giỏi lưới cá cũng sẽ giỏi lưới người, đặc biệt các ông là những người ít học, khả năng không có gì ngoài việc đánh bắt cá. Song điều này hoàn toàn có thể, vì đó là việc của Thiên Chúa, chỉ có Chúa mới làm được và thực tế các ông đã làm được, Giáo hội Chúa Kitô ngày nay đã chứng minh điều đó, vì Đức Giêsu đã nói: “Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành...”.

“Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người.”

Ta để ý cụm từ “lập tức”, có nghĩa phản ứng của 02 ông thật chớp nhoáng và dứt khoát, lập tức, có nghĩa không có một khoảng thời gian trống, khoảng trống cho sự đắn đo, cân nhắc. Ở đây có một sự liên tục thật kỳ lạ. Đức Giêsu vừa nói dứt câu, các ông liền đi theo Ngài. Ta nên nhớ, các ông đang quăng lưới bắt cá khi Đức Giêsu gọi, như vậy “lập tức” cũng đồng nghĩa với việc vứt bỏ tất cả, đoạn tuyệt với nghề chài lưới ngay lập tức.

Khi đọc lại sự kiện Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên, ai cũng phải kinh ngạc trước thái độ đáp trả của các ông. Người ta không hiểu tại sao các ông dám từ bỏ một cuộc sống ổn định, từ bỏ những gì đảm bảo cho mình mà lao vào một tương lai bất định mông lung, một tương lai không có gì đảm bảo? Ta nên nhớ, Đức Giêsu không hứa hẹn các ông điều gì, ngoài việc biến đổi các ông thành kẻ lưới người. Vậy lý do nào có thể cắt nghĩa được thái độ đáp trả mau mắn như vậy?

Xin thưa: Chỉ vì tin vào Đức Giêsu. Vâng chỉ có niềm tin người ta mới dám sống chết cho niềm tin đó. Các ông tin gì nơi Ngài?

Thánh sử Gioan thuật lại, sau khi hai anh em Anrê và Phêrô gặp gỡ Đức Giêsu lần đầu, các ông đã bị khuất phục, các ông tin lời thầy của mình là Gioan Tẩy Giả nói về Đức Giêsu, “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1, 36). Sau đó mặc dù chưa chính thức được Đức Giêsu gọi, các ông cũng mang danh là môn đệ của Ngài, và cùng với Ngài dự tiệc cưới Cana. Gioan viết, “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự” (Ga 2,1-2) Tại đây các ông đã được chứng kiến tận mắt phép lạ nước hóa thành rượu, đó là việc chỉ có Thiên Chúa làm, vì nó biến đổi tận căn đặc tính của nước, chuyển nó thành rượu. Có lẽ Đức Giêsu đã cho các ông tham dự tiệc cưới này để các ông thêm niềm tin vào Ngài. Chỉ có niềm tin vào Đức Giêsu mới cắt nghĩa được thái độ đáp trả mau mắn như vậy.

Mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi, không phải ta chọn Chúa mà là Chúa chọn ta, để thấy rằng ơn gọi của mình là hồng ân Chúa ban chứ không tự sức ta, không phải ta tài giỏi, cũng không phải ta xuất chúng, ta chẳng có gì để bắt Ngài phải chú ý, để bắt Ngài phải chọn. Ta chỉ là con người bé nhỏ, bất xứng, bất xứng hơn những gì bất xứng. Thế nhưng Chúa đã chọn, chọn ta vì Chúa muốn chọn ta, chỉ có vậy thôi.

Đừng ai nghĩ rằng chỉ có tu sĩ, linh mục, giáo sĩ mới có ơn gọi, mà mỗi người đều có ơn gọi của mình, cho dù đó là giáo dân. Ngài chọn ta để làm gì? Xin thưa: để trở thành kẻ chài lưới người. Chài lưới người, tức đưa người ta về với Chúa bằng chính đời sống của mình. Thế giới hôm nay đang cần những chứng nhân, cần người làm chứng, cần đến độ Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã có lần nói rằng con người ngày hôm nay cần những chứng nhân hơn là những thầy dạy.

“Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.”

Phần sau của Bài Tin mừng nói về ơn gọi của hai anh em còn lại, đó là Giacôbê và Gioan.

Ta để ý cụm từ “Đi xa hơn một chút nữa”, có nghĩa hai anh em con ông Dêbêđê cũng là ngư phủ và đang có mặt tại biển hồ Galilê. Đặc biệt có thêm sự xuất hiện của ông Dêbêđê. Ơn gọi của hai ông cũng giống Anrê và Phêrô, thiết tưởng không cần phân tích. Nhưng ở đây có một điểm ta cần chú ý.

Hai anh em Giacôbê và Gioan cũng mau mắn đáp trả lời mời mọi của Đức Giêsu giống như trên, hai ông đã từ bỏ tất cả, song ở đây ta phải xét đến hai ông đã bỏ lại cha già của mình để đi theo Đức Giêsu. Bỏ thuyền, bỏ lưới,... là bỏ những gì vật chất, nghề nghiệp nó còn dễ hiểu, nhưng bỏ cha già thật không dễ chút nào.

Như vậy ta mới thấy, đứng trước lời mời gọi của Đức Giêsu, con người phải có thái độ dứt khoát và quyết liệt. Bây giờ ta mới thấm thía đòi hỏi của Đức Giêsu: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10, 37-39).

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2503
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  20
 Hôm nay:  1164
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12341169

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn