Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần III thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba tuần III thường niên năm chẵn.
(28/01/2014) - (Mc 3, 31-35)
Thánh Tôma Aquinô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh.

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em, chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”

Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
_______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ

“Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người”

Bài tin mừng hôm nay được cả ba Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 12, 46 -50); Marcô (Mc 3, 31-35); và Luca (Lc 8, 19 -21). Ý nghĩa của Bài Tin mừng, Đức Giêsu cho chúng ta biết, ngoài gia đình huyết thống mà ai cũng có, mỗi người còn có một gia đình nữa, đó là gia đình của những người thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Câu đầu tiên của Bài Tin mừng nó cho thấy, khung cảnh một buổi giảng dạy của Đức Giêsu, luôn có đông người tham dự. Họ đến đây để được nghe lời Thiên Chúa, được nghe Đức Giêsu nói lời Hằng sống.

Có một chi tiết ít ai để ý, đó là: “Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người”. Như vậy, từ đàng xa người ta có thể thấy Đức Giêsu, vì đám đông phía trước đều trong tư thế ngồi. Và Đức Giêsu cũng quan sát người từ đàng xa xuất hiện. Như vậy sự xuất hiện của Mẹ và anh em Ngài rất có thể Đức Giêsu đã nhận ra.

“Mẹ và anh em Đức Giê-su đến”, không biết họ đến đây có chuyện gì, Marcô không nói đến.

Cụm từ “anh em Đức Giêsu”, đây là kiểu nói của người Do Thái dễ gây ra sự hiểu lầm. Không như trong nhiều ngôn ngữ, nhất là trong tiếng Việt, có sự phân biệt hẳn hòi: anh em ruột, anh em họ, anh em kết nghĩa.... nhưng trong tiếng Do Thái chỉ có 01 từ “anh em” để chỉ chung các loại anh em: Anh em ruột, anh em họ,... Ta có thể đưa ra một số ý kiến sau đây:

1/. Khi Marcô không xác định rõ cụm từ “anh em” ở đây là anh em ruột, anh em họ,... thì không được phép hồ đồ cho rằng, đây là “anh em ruột”, để rồi từ đó đi đến kết luận Đức Maria không đồng trinh. Ta nên theo nguyên tắc đúng đắn, đó là: KHI CHƯA CÓ SỰ RÕ RÀNG, THÌ TA NÊN HIỂU THEO NGHĨA TÍCH CỰC, cụ thể ở đây, nên hiểu “anh em” theo nghĩa “anh em họ”. Đây mới là cung cách của người Quân tử.

2/. Ở phần sau, (phần chị em Đức Giêsu – đăng trên trang Web “Dân Chúa Úc Châu”) ta sẽ hiểu thêm anh em, chị em ở đây nên hiểu theo nghĩa nào. Đó là con của bà Marie Cléophas, chị ruột của Đức Maria.

3/. Trích dẫn toàn bộ phần chứng minh của tác giả Norberto, đăng trên trang Web “Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam”

“Trong Kinh Thánh còn có hai kiểu nói nữa có thể gây khó khăn: "Con đầu lòng" và "những anh em của Đức Giêsu".

Luca viết: "Và bà (Maria) đã sinh con đầu lòng" (Lc 2,7), Chúa Giêsu được gọi là"con đầu lòng", như vậy phải chăng bà Maria còn có những đứa con khác?

Không phải thế! theo Kinh Thánh "con đầu lòng" là đứa con khai thông dạ mẹ, chứ không nhất thiết sẽ có những đứa con khác tiếp theo sau. Tại Tel el Yahudieh thuộc nước Ai cập trên mộ của một người phụ nữ Do thái, được an táng vào khoảng thời gian trước Chúa giáng sinh, người ta ghi lại một câu diễn tả tâm tình người mẹ như sau: "Khi tôi phải đau đớn sinh con đầu lòng, số phận đã đưa tôi sang cuộc sống khác". Lẽ dĩ nhiên sau đứa con đầu lòng ấy, người phụ nữ Do thái kia đâu còn sống để sinh đứa con khác nữa!

Sở dĩ người ta lưu ý đến người con đầu lòng, vì luật pháp chiếu cố tới quyền lợi và nghĩa vụ của nó: nó được hưởng gia tài gấp hai phần của các em (Đnl 21,17) và nhất là nó thuộc về Giavê (Xh 13, 2 ; Lc 2, 23).

Các sách Phúc âm còn nói tới "những anh em của Đức Giêsu" (Mc 3,31; 6,3; Mt 13,55; Ga 2,2...). Đó là kiểu nói tại Palestina (cũng như tại Việt Nam) để chỉ những người có họ hàng với nhau. Trong sách Sáng thế (St 13,8; 14,14.16) ông Lót được gọi là em của ông Abraham, mà thực ra là cháu (St 12,5). Trong St 29,12 Giacóp tự giới thiệu là "em của Laban", tuy ông chỉ là cháu và Laban cũng gọi Giacóp là "em" (St 29,15). Sách Sử-biên-niên (1 Sb 23,22) kể chuyện các em gái của E-la-da lấy chồng là "các anh em của họ, tức là các con trai của Kít": "anh em" ở đây là những người con chú, con bác. Trong sách Lêvi (Lv 10, 4), tiếng "anh em" vẫn được dùng để chỉ những người có họ đã xa.

Về những "anh em" của Đức Giêsu là Giacôbê, Giô-xết, Giuđa và Simon mà tác giả Marcô nêu ở đoạn Mc 6,3 thì cũng chính Marcô cho chúng ta biết là Giacôbê và Giô-xết là con của bà Maria khác (Mc 15,40). Như vậy rõ ràng Giacôbê và Gio-xêt là những người có họ hàng với Chúa Giêsu thôi. Theo Ga 19,25, chúng ta có thể nghĩ rằng bà Maria Mẹ của Giacôbê và Gio-xêt, là vợ của Klôpa.

Một điều đáng chú ý khác là trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao phó môn đệ Gioan cho Đức Maria, và Đức Maria cho Gioan (Ga 19,26-27). Nếu Đức Maria còn có những người con ruột nào khác, thì chắc chắn họ sẽ không thể chấp nhận để cho mẹ của họ đến ở với ông Gioan, khi Đức Giêsu đã qua đời.

Nói tóm lại, trong các sách Tin Mừng không có một dấu hiệu nào cho phép chúng ta nghi ngờ về đức trinh khiết trọn đời của Đức Maria. Ta có thể suy luận thêm: qua hai mươi thế kỷ, lịch sử cho thấy Thiên Chúa đã ban ơn sống đời trinh khiết trọn vẹn "vì Nước Trời" (Mt 19,12) cho biết bao chư thánh; chẳng lẽ Người lại không ban ơn ấy cho Đức Maria để Bà trở thành người mẹ xứng đáng của Ngôi Lời Nhập thể sao?”

(Hết trích) 

Như vậy, ta có thể khẳng định, cụm từ “anh em Đức Giêsu” ở đây là anh em họ của Đức Giêsu.

“Mẹ và anh em Đức Giê-su đến”, không biết họ đến đây có chuyện gì? Bài tin mừng hôm qua có đề cập đến vấn đề, mức độ hoạt động của Đức Giêsu và các môn đệ không cân xứng với thời gian nghỉ ngơi và ăn uống, nên người thân của Ngài lo lắng.

Marcô viết: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” (Mc 3, 20-21) Lúc nào dân chúng cũng vây quanh lấy Đức Giêsu, nên Ngài và các môn đệ không sao ăn uống được. Sau giờ làm việc, lại làm việc, làm việc... thì thử hỏi làm sao cơ thể Ngài không suy kiệt cho được. Ta phải nhớ, Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật, do đó cơ thể của Ngài cũng phải được nghỉ ngơi, được ăn uống đầy đủ sau buổi rao giảng Tin mừng.

Bài Tin mừng hôm nay kế tiếp ngay sau đó, dù Marcô không cho biết Mẹ và anh em Đức Giêsu đến đây làm gì, nhưng ta có thể đoán, Mẹ đang quan tâm đến sức khỏe của Đức Giêsu.

“Họ đứng ở ngoài, cho gọi Người ra”, có lẽ số người tham dự nghe Đức Giêsu hôm nay quá đông, nên Mẹ và anh em Ngài đành phải đứng ở ngoài. Tại sao Mẹ và anh em Ngài không ráng chờ cho đến khi kết thúc mà lại cho gọi Đức Giêsu? Ta phải hiểu đây là việc bất đắc dĩ, vì Mẹ Maria đang lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con mình.

“Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em, chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”

“Có kẻ nói với Người”, kẻ đó là ai, Marcô không xác định, nhưng chắc chắn người này thuộc về đám đông dân chúng đang nghe Đức Giêsu. Ta hãy chú ý đến lời người này nói: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em, chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”, ở đây có thêm cụm từ “chị em Thầy”. Chính sự xuất hiện cụm từ “chị em Thầy” gây bất ngờ cho Nhà phân tích, và cũng cho biết người này biết rất rõ gia cảnh Đức Giêsu.

Tại sao câu mở đầu Bài Tin mừng, Marcô viết: “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến”, còn trong lời người này nói: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em, chị em Thầy”, có xuất hiện thêm thành phần “chị em Thầy”? Vậy chị em Đức Giêsu gồm những ai?

Trong bài viết “NHỮNG HIỂU LẦM VỀ CHÚA GIÊSU” của tác giả Ân Giang, đăng trên trang Web “Dân Chúa Úc Châu”, có đề cập đến một người chị ruột của Đức Maria. Theo tác giả, Đức Maria có một người chị ruột cũng tên là Marie, Thánh sử Gioan cho biết bà là vợ ông Cơ lô pát (Ga 19, 25), nhưng theo Bách khoa tự điển công giáo thì bà là Marie Clopas.

Marie Cléophas là người phụ nữ rất cao số, đã trải qua ít là bốn đời chồng và đời chồng nào cũng có con cả.

+ Lần đầu tiên xuất giá, bà là vợ ông Cléophas, nên có tên là Marie Cléophas. Bà sinh một bé gái, cũng đặt tên là Marie; cô này từ nhỏ đã ở luôn tại nhà bà ngoại (tức bà thánh Anna). Cô Marie này lớn hơn Đức Giêsu đúng bẩy tuổi. Hệt như mẹ, cô cũng là một phụ nữ trải qua nhiều đời chồng.

+ Sau ông Cléophas, bà Marie lấy ông Alphée và sinh ba con trai, là Simon, Giacôbê (gọi là Giacôbê Thứ vì Giacôbê Cả là con bà Marie Zêbêđê –Mt, 5:21 22 ; cả hai Giacôbê đều là môn đệ Đức Giêsu, và Jude Thaddée, tức là Giuda, sau cũng là môn đệ Người.

+ Bà lấy người chồng thứ ba tên là Sabas, vợ chồng sinh một trai là José (hay là Gioxếp) Barabas.

+ Người chồng cuối cùng là Jonas, sinh ra một trai là Siméon. Jonas, người chồng thứ tư này ở gửi rể tại nhà thánh Anna và phụ trách trông coi mọi việc trong nhà nhạc mẫu, như một viên quản gia vậy.

(Hết trích)

Như vậy, trong câu nói: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em, chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” ta phải hiểu, anh em, chị em Đức Giêsu là những người con của bà Marie Cléophas này.

“Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”

Có lẽ cách xử sự của Đức Giêsu làm chúng ta bất ngờ. Tại sao Ngài không dừng lại ít phút để ra xem Mẹ Maria có chuyện gì cần gặp? Nếu Ngài có dừng lại thì cũng chẳng ai thắc mắc, vì đó là lẽ thường tình. Nhưng chính vì không bình thường, ta mới có dịp khám phá về Đức Giêsu. Để có thể hiểu cách xử sự của Ngài trong trường hợp này, ta hãy trở lại thời Ngài 12 tuổi.

Thánh sử Luca viết: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.” (Lc 2, 41-50)

Ngay từ thời niên thiếu, Đức Giêsu đã ý thức được Sứ vụ của mình. Ngài đến trần gian để thi hành Thánh ý Chúa Cha, đó là thực hiện Chương trình Cứu độ. Và khi bước vào giai đoạn công khai, Đức Giêsu hăng say rao giảng Tin mừng và chữa bệnh trong dân chúng. Lòng hăng say đó làm cho Ngài quên đi những chuyện khác. Chính lúc này, Ngài cũng không theo lẽ thường tình để ra gặp Mẹ Maria, và tận dụng sự kiện này để mặc khải cho thính giả một điều hết sức mới mẻ.

Mẹ Maria ngày xưa không hiểu lời Đức Giêsu nói trong Đền thờ, thì hôm nay, không những Mẹ và cả chúng ta cũng không thể hiểu cách xử sự của Ngài. Mẹ mặc dù không hiểu nhưng luôn ghi nhớ trong lòng để suy ngẫm. Chúng ta cũng hãy bắt chước Mẹ, luôn suy ngẫm những việc Đức Giêsu làm trong cuộc đời mình, cho dù ta không hiểu, nhưng ta cứ để cho Thánh ý Chúa được nên trọn.

Nhưng vấn đề bây giờ nằm trong câu nói của Đức Giêsu: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Có lẽ đám thính giả hơi bị sốc trước câu hỏi này, vì rõ ràng Mẹ và anh em Ngài đang ở ngoài kia sao Ngài lại hỏi như vậy? Hình như Đức Giêsu đang muốn nói điều gì đó, ta cần phải chú ý lắng nghe.

“Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh”

Thái độ rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh, đã gây sự chú ý và tò mò của dân chúng. Đây không hẳn là nghệ thuật của nhà diễn thuyết, vì chỉ nguyên lời Đức Giêsu nói, việc Ngài làm đã có sức mạnh lôi cuốn người khác rồi, không cần mấy cái tiểu xảo vụn vặt này. Ngài nhìn họ vì lẽ gì, ta chưa biết, nhưng hình như có liên quan đến việc nghe Ngài nói.

“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

Đức Giêsu muốn nói cho ta biết một điều hết sức mới mẻ và sâu sắc. Ngoài cái gia đình huyết thống ta đang có, trong đó có mẹ và anh chị em, còn một gia đình nữa mà ta sẽ có mặt, mà ta gọi là ĐẠI GIA ĐÌNH THÁNH, trong gia đình đó mỗi thành viên đều là người thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Người ta sẽ đặt vấn đề, khi Đức Giêsu nói: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”, Ngài có coi thường Mẹ Ngài và anh em Ngài không? Xin thưa: Không. Trái lại Đức Giêsu đang ngầm ca tụng Mẹ. Vì sao? Xin thưa, vì có ai trên đời này thực hiện Thánh ý Chúa bằng Mẹ. Mẹ đã được Thiên Chúa ban cho những tước hiệu cao trọng, như Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời,... Như vậy, Đức Giêsu muốn nói với cử tọa rằng, Mẹ Maria cũng sẽ là Mẹ của Đại gia đình đó.

Gia Đình Thánh không được xác định rõ ràng, vì nó bao gồm tất cả những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng ai là người thi hành ý muốn của Thiên Chúa, điều đó chỉ mình Chúa biết, vì thế ta nói gia đình đó không được xác định cụ thể.

Nhưng ta luôn cảm nghiệm được gia đình đó, đây chính là cảm giác đặc biệt của người Công giáo. Khi ta đến một nơi xa lạ, không hề quen bất cứ ai và vô tình ta bắt gặp tại đó một người Công giáo đúng nghĩa, xin được nhắc lai “người Công Giáo đúng nghĩa”, thì tự nhiên ta cảm thấy có một cảm giác thật ấm cúng. Tại sao ta lại cảm giác lạ lùng này? Xin thưa: vì Đức Giêsu đã xác định có một loại gia đình không theo huyết thống, mà chỉ dựa trên việc thực thi thánh ý Chúa. Tất cả những ai thực thí ý Thiên Chúa đều là Mẹ và anh em với Đức Giêsu, như vậy giữa chúng ta phải là anh em với nhau qua liên kết với Đức Giêsu.

Ta cũng chú ý đến cụm từ “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”, như vậy cho dù có là người Công giáo đi nữa, nhưng không thi hành ý muốn của Thiên Chúa, cũng bị loại ra ngoài. Đây cũng là cảm giác của ta khi đến một nơi có người Công giáo, ta bỗng thấy mình hoàn toàn xa lạ. Xa lạ là vì họ và ta không cùng ở trong gia đình thánh, họ và ta chưa phải là anh em với nhau.

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” Nhưng xin hỏi ý muốn của Thiên Chúa là gì? Xin thưa: Đó là HÃY YÊU THƯƠNG NHAU, yêu thương trong cuộc đời này. Vì sao? Vì Thiên Chúa là Tình yêu, ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy”.

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3037
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  22
 Hôm nay:  6238
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12262392

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn