Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Thường Niên năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần I thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Thường Niên năm chẵn
(14/01/2014) - (Mc 1, 21-28)

 


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”

Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
____________________________________

PÂHN TÍCH & CHIA SẺ:

“Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um”

Sau khi Đức Giêsu chuẩn bị xong các bước để thực hiện Sứ vụ loan báo Tin mừng, chẳng hạn:

+ Chọn thời điểm khởi đầu (sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt)
+ Chọn địa điểm hoạt động (Thành Carphacnaum)
+ Chọn Sứ điệp rao giảng (“Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”)
+ Chọn nhân sự hay các môn đệ (cụ thể Ngài gọi 04 môn đệ đầu tiên)

Hôm nay, theo Marcô, Đức Giêsu bắt đầu thực hiện Sứ vụ của mình. Ngài và các môn đệ đi vào thành Carphacnaum, là nơi sẽ gắn bó với cuộc đời công khai của Ngài nhiều nhất.

Đặc điểm của Tin mừng Marcô: không dài dòng như ở Matthêu và Luca, không sâu sắc như Gioan, vì thế Tin mừng của Marcô ngắn nhất trong các sách Tin mừng. Tuy ngắn gọn, nhưng Marcô cho ta biết rất nhiều phép lạ của Đức Giêsu. Hình như 04 sách Tin mừng của 04 Thánh sử có mặt mạnh riêng của mình, chính vì thế, trong 03 năm Phụng vụ A, B, C, Giáo hội sẽ cho lần lượt đọc Tin mừng cả 04 Thánh sử, và nếu ai có sự lưu tâm, người ấy sẽ hiểu trọn bộ về cuộc đời công khai của Đức Giêsu.

“Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy”

Ta để ý cụm từ “Ngay ngày Sabath”, có nghĩa đó là ngày Sabath thứ nhất, chứ không phải ngày Sabath thứ hai, thứ ba của Sứ vụ. Sứ vụ loan báo Tin mừng của Đức Giêsu phải thực hiện ngay mà không được phép trì hoãn, vì con người đã ở trong bóng tối sự chết bao đời nay, Ngài là Đấng mà Gioan mô tả: “ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1, 4), nên nó không cho phép Ngài trì hoãn.

Chúng ta cũng phải có sự thao thức như Đức Giêsu, ta cũng không cho phép mình được trì hoãn trong Ơn gọi làm chứng nhân cho Ngài. Nếu ngày hôm nay ta bỏ qua dễ dàng, ta sẽ tiếp tục bỏ qua những ngày khác để rồi cuộc đời của ta sẽ trôi đi vô ích. Thử hỏi rằng: Khi nhìn lại đời mình, ta đã làm được gì cho Chúa, hình như chưa làm được gì hết, vâng “con chưa làm được gì cho Chúa trong cuộc đời này, chưa làm được gì”. Ta đã đưa 01 người người nào đó vào Đạo chưa? Đừng kể trường hợp vào Đạo chỉ vì lấy vợ lấy chồng! Vậy mà ta cứ nghĩ mình là chứng nhân, cứ nghĩ mình là Tông đồ!

Nhưng tại sao phải là ngày Sabath? Xin thưa: Đối với nước Do Thái, chỉ có Đền thờ Giêrusalem là nơi duy nhất để thờ phượng, có nghĩa không còn nơi thứ hai. Tất cả người Do Thái phải trảy về Đền Thờ trong những ngày lễ quy định.

Còn trên khắp nước Do Thái, đều cho dựng các Hội đường, tối thiểu một vùng nào đó có từ 10 nóc nhà trở lên phải có 01 hội đường, đó là nơi vào mỗi ngày Sabath, người Do Thái đạo đức sẽ đến đây để nghe đọc và giải thích Kinh thánh, chỉ có ngày Sabath mà thôi. Giải thích Kinh thánh, không nhất thiết phải là Kinh sư, Luật sĩ hay Pharisêu, mà bất cứ người nào từ 12 tuổi trở lên, có khả năng và uy tín, đều có thể được mời. Chính vì thế có luật quy định cho ngày Sabath, người ta sẽ kiêng việc xác để có thời gian đến hội đường. Giới lãnh đạo Do Thái có một cái nhìn rất lệch lạc về ngày Sabath này, do đó họ luôn xung đột với Đức Giêsu. Ví dụ: Họ hay chỉ trích Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabath,...

“Người vào hội đường giảng dạy”, có nghĩa Đức Giêsu luôn lấy Hội đường làm nơi rao giảng Tin mừng và Ngài sẽ đến đây vào mỗi ngày Sabath, hôm nay là ngày Sabath đầu tiên tại Carphacnaum.

“Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”

Marcô không cho ta biết Đức Giêsu đã giảng dạy những gì, ông chỉ nói “Thiên hạ sửng sốt”. Cụm từ “sửng sốt” nó cho thấy một cái gì đó quá mới mẻ mà trước đây chưa gặp, nó làm cho người ta phải giật mình thán phục. Vâng, chưa bao giờ họ gặp cách giảng dạy như vậy, nó quá hay, đánh động thật mạnh vào nơi thâm sâu nhất của họ. Họ sửng sốt.

Tại sao họ lại sửng sốt? Marcô nói: “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”.

Vậy thử hỏi cách giảng dạy của Kinh sư thế nào? Xin thưa: Họ giảng dạy theo truyền thống, cụ thể là: Kinh thánh nói sao thì họ nói vậy, thiếu sự sáng tạo, mà làm sao dám sáng tạo được chứ!. Người ta hay gọi đó là: “Nói theo sách”, Nói như sách”, “Nói như vẹt”,.... Lời Chúa mà nói như vậy thì còn ai muốn nghe, chẳng thà bỏ tiền ra mua cuốn Kinh thánh về nhà đọc còn hay hơn. Họ vô tình biến cuốn Kinh Thánh là cuốn sách chết, trong khi Lời Chúa là lời Hằng Sống. “Sống”, có nghĩa không chết, nó phải có sự sinh động, lôi cuốn người ta tiến lên. Cái lối giảng giải Kinh thánh như vậy ngay đến ma quỷ còn phải buồn ngủ, huống chi là con người.

Đó là chưa kể, đời sống của họ đi ngược lại với lời họ nói. Ta luôn nhớ một nguyên tắc: Muốn cho lời nói lôi cuốn được người khác, thì chính ta phải sống lời đó trước đã. Chính đời sống của ta mới là lời giảng dạy hiệu quả nhất. Ta đã từng đến nhà thờ nào đó, bắt gặp vị linh mục đạo đức thánh thiện, ông sống nghèo khó, nhưng trình độ và khả năng chẳng là bao, phân tích một bài Lời Chúa còn chập choạng, nhưng tại sao mỗi lần ông giảng lại lôi cuốn người ta đông như vậy? Tuy ông giảng rất quê mùa nhưng người ta lại thích nghe, đó chỉ vì đời sống của ông đã là bài giảng sâu sắc rồi. Người ta bị lôi cuốn vì đời sống đó, chứ không phải vì kiến thức.

“Vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” Còn Đức Giêsu thì sao? Xin thưa: Ngài là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời của Thiên Chúa, có nghĩa là Lời của Thiên Chúa, Ngài có uy quyền trong lời nói của mình, và một khi người ta nói lời mà họ có thẩm quyền, thì họ sẽ nói với một sức lôi cuốn đặc biệt. Lời Ngài là lời Hằng Sống, làm cho người nghe bước vào trạng thái sống, có nghĩa người nghe phải thay đổi, thay đổi lối sống của mình cho phù hợp với Tin mừng. Một khi còn thay đổi, tức ta còn sống và người ta chỉ chết khi không còn thay đổi nữa, đó là cái chết của sự ù lì trong tội lỗi của mình.

Ta đến nhà thờ mỗi ngày, được nghe lời Chúa mỗi ngày, vậy thử hỏi: ta còn cảm thức “sửng sốt” như người Do Thái hôm nay không? Nếu nghe lời Chúa mà cứ thản nhiên như không, coi chừng ta đã chết rồi mà không biết.

“Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng”

Cụm từ “Lập tức” có nghĩa gì? Xin thưa: Nó nói đến một phản ứng ngay tức khắc của một người nào đó trước lời giảng dạy của Đức Giêsu. Trong khi đám đông đang sửng sốt trước lời giảng dạy của Ngài, thì có một người phản ứng theo cách khác, đó là người bị thần ô uế nhập.

“Trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập”. Tại sao Hội đường là nơi nói Lời Chúa và giảng dạy lời Chúa, lại có người bị quỷ ám trà trộn? Quỷ vào đây để làm gì?

Xin thưa: Người bị thần ô uế nhập cũng là người Do Thái, nên họ vẫn được vào Hội đường để nghe lời Chúa, vì thần ô uế đã nhập vào, nó ở trong người này, nên người này đi đâu thần ô uế sẽ đi theo đó.

Tại sao lại có chuyện quỷ nhập vào con người?

Trong nước Do Thái có nhiều trường hợp bị quỷ nhập, hôm nay là một trường hợp và sau này ta còn gặp nhiều trường hợp Đức Giêsu trục xuất quỷ ra khỏi người mà chúng nhập. Trong khi đó, theo Luca, Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ sau khi Ngài ăn chay 40 đêm ngày trong hoang địa. Ở cơn cám dỗ thứ ba, Luca viết: “Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." (Lc 4, 9-11).

Chính ma quỷ cũng phải xác nhận: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá. Như vậy Thiên Chúa đã cho thiên sứ gìn giữ mỗi người thì làm gì có chuyện quỷ nhập.

Vấn đề quỷ nhập rất dễ hiểu: ĐÓ LÀ DO TA MỜI CHÚNG VÀO NHÀ MÌNH, chỉ có vậy thôi. Nếu ta không mời, không mở cửa cho chúng vào, thì chúng không thể vào được, vì các Thiên thần sẽ bảo vệ ta. Một khi chúng đã vào thì chúng ở luôn không ra, cho đến khi nào bị trục xuất bởi một quyền lực nào đó. Chúng sẽ khống chế mọi khả năng và ý chí của ta, tước đoạt sự tự do của ta. Ta sẽ làm theo sự điều khiển của chúng.

Ta mời chúng vào bằng cách nào? Đó là khi ta làm những nghề như cầu cơ, đồng bóng, bói toán,... và khi ta chấp nhận bán linh hồn cho quỷ.

Thiên Chúa vẫn cho phép ma quỷ cám dỗ con người để thử thách họ, nhưng chúng không bao giờ được phép vào và cư ngụ trong con người, khống chế mọi khả năng và ý chí của con người, làm cho họ mất tự do. Có nghĩa trước lời mời mọc quyến rũ, trước những ham muốn bất chính, con người hoàn toàn có tự do ưng thuận hay không.

“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”.

Sự hiện diện của Đức Giêsu trong Hội đường đã làm cho quỷ phải khiếp sợ. Đây là phép lạ đầu tiên Đức Giêsu thực hiện tại Hội đường này. Trước hết ta sẽ phân tích lời nói của quỷ, vì trong đó có nhiều điều thú vị.

“Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Quỷ nói như vậy có đúng không? Xin thưa: KHÔNG. Vì sao? Vì Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, nhưng quỷ vẫn đang trong tình trạng hồ nghi, câu nó nói “Tôi biết ông là ai rồi” là sai, vì chúng chưa thực sự biết.

Muốn hiểu điều này, ta cần đi ngược trở về thưở ban đầu. Khi Ông bà Nguyên tổ phạm tội, sách Sáng Thế Ký viết: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (Stk 3, 14-15).

Chúng biết rất rõ Thiên Chúa đã vạch ra Chương trình Cứu chuộc, nhưng bao giờ Ngài thực hiện, chúng không biết. Cái giờ thực hiện đó luôn là ẩn số, chúng dò suốt trong thời Cựu ước nhưng vẫn không thấy gì. Chỉ khi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chúng bắt đầu hồ nghi về con người này.

Chúng đã áp dụng phép thử bằng 03 cơn cám dỗ Đức Giêsu trong hoang địa. Cả 03 cơn cám dỗ này chúng đều thất bại, nhưng điều này cũng chưa làm chúng hết hoài nghi, tức chưa đi đến kết luận. Chúng sẽ còn vận dụng nhiều phép thử nữa. Điển hình, theo Matthêu, khi Đức Giêsu tỏ cho các môn đệ biết, Ngài sẽ lên Giêrusalem và bị các Thượng tế, kỳ lão giết, quỷ tấn công vào Phêrô: “Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16, 22-23). Đức Giêsu đã gọi đích danh Phêrô là Satan, không phải Phêrô là Satan, nhưng ông đã để cho Satan cám dỗ mình.

Mặc dù bị thất bại, nhưng sau sự kiện này nó bắt đầu nghi ngờ mạnh và lần cuối cùng, chúng sẽ đánh thẳng vào Đức Giêsu để làm Ngài thất bại Chương trình cứu chuộc. Trong vườn Giệtsimani, chúng bày ra cảnh khổ nạn sắp đến làm cho Ngài phải run sợ muốn thối lui, nhưng Đức Giêsu vẫn xin vâng theo Thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” (Mt 26, 42) Đức Giêsu vẫn cương quyết chịu khổ nạn

Và cuối cùng trên Thập giá, chúng ra đòn cuối cùng, Matthêu viết: “Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni", nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46) Nhưng chính câu nói của Đức Giêsu: “Mọi sự đã hoàn tất” trong giây phút cuối cùng, chúng mới thật biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ thế gian thế đã muộn mất rồi, vì mục đích của chúng, là phải phá hỏng Chương trình Cứu chuộc của Thiên Chúa như chúng đã phá hỏng Chương trình Sáng tạo. Đây mới là cái biết thực sự của ma quỷ.

Như vậy, ngày hôm nay trong hội đường, nó nói: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Đó là lời nói xảo trá. Nó nói đúng: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”, nhưng “Tôi biết ông là ai rồi” là sai, chúng thật sự chưa biết chính xác, vẫn đang trong tình trạng hoài nghi.

“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông”. Đây là câu nói ngụy biện, tại sao chuyện chúng nhập vào người này, giết chết đời họ mà không liên can đến Đức Giêsu. Vậy Ngài xuống thế để làm gì? Sở dĩ chúng nói câu này vì vẫn hồ nghi Đức Giêsu, chúng nghĩ rằng, chuyện chúng nhập vào người này là chuyện rêng của chúng, không đụng chạm đến Ngài, tức không liên quan đến Ngài. Và chúng vốn coi Hội đường này là của chúng, lãnh địa của chúng, khi Đức Giêsu xuất hiện, chúng bắt đầu run sợ và tỏ thái độ. Vậy hóa ra từ trước đến giờ Hội đường là của chúng sao?

Có lẽ là như vậy, vì ngay như Đền thờ Giêrusalem là nơi thờ phượng, chúng cũng chiếm cứ và làm cho ra ô uế bởi cảnh buôn bán bát nháo, cảnh này đã tồn tại rất nhiều năm, chỉ khi Đức Giêsu đến thanh tẩy mới đưa Đền thờ trở về đúng nơi Thiên Chúa ngự.

“Chuyện chúng tôi can gì đến ông” là câu nói hàm hồ. Tất cả con người đều được Thiên Chúa dựng lên và yêu thương họ. Như vậy Ngài không muốn bất cứ người nào phải hư đi. Như vậy, chuyện người này bị quỷ ám cũng sẽ là chuyện của Ngài.

“Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”

Ta để ý cụm từ “quát mắng”, điều này chứng tỏ Đức Giêsu có quyền trên thần ô uế. Người ta chỉ quát mắng đối với kẻ bề dưới ngỗ nghịch, chứ không thể quát mắng với người từ ngang hàng trở lên.

“Câm đi”, Đức Giêsu bắt chúng phải im lặng. Ngài làm như vậy có 02 lý do: 1/. Vì ma quỷ chỉ nói lời xảo trá, nếu có một chút không xảo trả thì nó chẳng phải là quỷ. Chuyện người này bị nó nhập không liên quan đến Ngài sao? Thật xảo trá và ngụy biện 2/. Đứng trước Con Thiên Chúa mà quỷ còn dám đối thoại sao, đó là thái độ hỗn xược, không thể chấp nhận. Chính vì những lý do đó, mà Đức Giêsu bắt nó phải câm lặng.

Ta để ý, Đức Giêsu nói “Câm đi”, chứ Ngài không nói “Im đi”. Vì khi nói câm đi, nó mạnh nghĩa hơn rất nhiều, từ nay chúng không được phép đối thoại với Con Thiên Chúa.

“Hãy xuất khỏi người này”. Đây là một mệnh lệnh, quỷ phải tuân lệnh ngay lập tức. Hãy xuất ra khỏi người này, có nghĩa trả lại cho họ tình trạng đẹp đẽ ban đầu, trả lại cho người này tất cả mọi khả năng mà Thiên Chúa đã ban cho anh ta, trả lại ý chí và tự do.

Trên thế giới, từ xưa đến nay, vẫn có người làm cái nghề trừ quỷ. Khi trục xuất quỷ như vậy, họ phải dùng đến những phương pháp, còn đối với Đức Giêsu, Ngài chỉ ra lệnh và quỷ phải tuân lệnh, vì Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa.

Mặc dù ta không bị quỷ nhập thực sự, nhưng ta đang can tâm để cho mọi khuynh hướng xấu xa lôi kéo ta về mọi hướng. Nó làm cho ta trở thành con người mất tự do. Thử hỏi rằng, ta là một con người yếu đuối làm sao đương đầu nổi với 03 cám dỗ: Satan, thế gian và xác thịt. Ai tưởng rằng mình đứng vững, sẽ là người té đau nhất. Chính vì thế trong thái độ khiêm tốn, ta phải năng chạy đến với Chúa để Ngài gìn giữ ta, và nếu có bị sa ngã, ta cũng mau trỗi dậy, vì quyền năng của Đức Giêsu ngày hôm nay cho chúng ta niềm tin tưởng và sự cậy trông vững chắc nhất.

“Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.”

Vâng đó là cách quỷ ra khỏi một người, vì một khi sự xấu bị tống ra khỏi người nào, nó phải thét lên vì nuối tiếc. Tại sao nó phải lay mạnh người ấy? Vì nó đã bám quá sâu, bám quá chặt vào anh ta, nên phải lay thật mạnh mới gỡ ra hết. Nó có bao chân rết bám vào từng đường gân thớ thịt, bây giờ phải dứt ra, không còn gì để lại trong người ấy. Như vậy, thử hỏi, nếu Đức Giêsu không bắt chúng phải xuất ra thì thế lực nào mới làm được như vậy.

“Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”

Hôm nay lần đầu tiên người Carphanaum được chứng kiến những gì Đức Giêsu làm, ai nấy đều kinh ngạc. Mở đầu cho Sứ vụ của Đức Giêsu tại Carphanaum bằng một phép lạ gây chấn động, bằng một giáo lý mới mẻ, bằng một con người giảng dạy có uy quyền. Đây có thể nói là buổi ra mắt rất thành công của Đức Giêsu tại Carphanaum. Họ bàn tán với nhau “Thế nghĩa là gì?”, họ cũng không biết là gì nữa, vì từ trước đến giờ, trong Hội đường này chưa xảy ra như vậy, và họ cũng chưa bao giờ được chứng kiến như vậy, một Đức Giêsu, Đấng có uy quyền trên cả lời nói lẫn việc làm, đến ma quỷ cũng phải khiếp sợ. Giáo lý của Ngài thì mới mẻ, vì từ trước đến giờ họ chỉ nhìn Thiên Chúa như một Đấng đầy uy quyền, làm con người phải khiếp sợ, nhưng giáo lý ngày hôm nay thì lại khác, Thiên Chúa đúng bản chất là Cha của chúng ta.

Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

“Lập tức”, có nghĩa ngay tức khắc, danh tiếng Đức Giêsu đồn ra mọi nơi. Vâng Ngài chọn Galilê vô cùng chính xác, vì như sử gia đã nói: “Giao thông của thế giới phải ngang qua Galilê” và Carphanaum là nơi đóng đô cho Sứ vụ của Đức Giêsu, chỉ cần một phép lạ xảy ra ở đây, nó sẽ lan nhanh ra khắp thế giới.

Amen.

Jois. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2448
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  28
 Hôm nay:  8145
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12264299

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn