Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Chúa Nhật Đức Giê-su chịu Phép Rửa

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Chúa Nhật Đức Giê-su chịu Phép Rửa.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa
(12/01/2014) - (Mt 3, 13-17)

 



Bài Ðọc I: (Is 42, 1-4. 6-7) "Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người".
Bài Ðọc II: (Tđcv 10, 34-38) "Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".
Bài Tin mừng: (Mt 3, 13-17) "Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người".

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.

Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”
______________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình.”

“Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê”. Galilê, một miền mà dân ngoại đã chiếm hơn phân nửa, nó luôn bị người Giuđêa khinh dể, nơi có Thành thánh Giêrusalem và Đền thờ Giêrusalem. Tại Giuđêa có con sông Jordan, nơi mà Gioan làm phép rửa thanh tẩy. Người ta tuốn đến với ông rất đông để được ông làm phép rửa cho.

Gioan Tẩy giả là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước xuất hiện khoảng năm 30 sau Công nguyên. Trước ông, có khoảng 20 vị ngôn sứ được Thánh Kinh ghi nhận đã xuất hiện rải rác trong khoảng 450 năm, bắt đầu là ngôn sứ Êlia (khoảng năm 900 trước CN), và cuối cùng là ngôn sứ Giona (khoảng năm 350 trước CN). Kể từ ngôn sứ Giona, suốt gần 400 năm, dân Do Thái không có một ngôn sứ nào xuất hiện. Năm 63 trước CN, Do Thái bị đế quốc Rôma thống trị tàn bạo, nên từ đó dân chúng ai nấy đều nóng lòng chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân Ngài. Thế rồi Gioan Tẩy giả xuất hiện như một vị ngôn sứ, ông ăn mặc giống Êlia (2V 1,8; Mt 3,4), rao giảng cùng một sứ điệp như Êlia về sự phán xét của Thiên Chúa, đồng thời kêu gọi «hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần» (Mt 3,2) và loan báo sẽ có một «Đấng đến sau ông, quyền thế hơn ông và ông không đáng xách dép cho Người» (Mt 3,11b).

Có một nghịch lý này:

Phép rửa là một nghi thức mà người Do Thái thực hiện cho dân ngoại, khi họ muốn gia nhập Do Thái Giáo. Như vậy, nếu ai là người Do Thái thì họ không cần lãnh phép rửa nữa. Nhưng Gioan Tẩy Giả lại thực hiện phép rửa cho người Do Thái, đó là điều mà người đương thời không hiểu. Chẳng lẽ một người Do Thái lại muốn trở thành người Do Thái nữa sao? Vậy phép rửa của Gioan có ý nghĩa gì?

Phép rửa của Gioan mang ý nghĩa: Nước Trời đã gần đến, mà Người khai mạc nước ấy, sẽ đến sau ông và ông không xứng cởi dép cho Ngài (Mt 3,11b). Cần phải sám hối để chuẩn bị đón nhận Nước Trời và Đấng ấy. Như vậy, phép rửa của Gioan không mang ý nghĩa làm cho một người dân ngoại trở thành người Do Thái giáo.

Mặc dù Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê, miền dân ngoại đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Phép rửa đó không nằm 02 ý nghĩa mà ta vừa xét, tức Ngài không đến xin làm phép rửa để gia nhập Do Thái giáo, vì Ngài là người Do Thái, và Ngài cũng không đến xin Gioan làm phép rửa để thanh tẩy tội lỗi, vì Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội. 

Vậy Đức Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa nhằm mục đích gì?

1/. Tuy bản thân Đức Giêsu hoàn toàn vô tội, nhưng Ngài là Đấng gánh tội trần gian, nghĩa là Ngài chất đầy tội lỗi của nhân loại trên bản thân mình. Vì thế, trước mặt Thiên Chúa, với tư cách đại diện cho toàn nhân loại, Ngài phải tự liệt mình vào hàng tội nhân cần phải sám hối. Và Ngài sám hối thay cho toàn nhân loại.

2/. Đức Giêsu muốn đánh dấu việc bắt đầu cuộc đời công khai của mình bằng hành động sám hối thay cho nhân loại, và kết thúc cuộc đời Ngài bằng việc chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại. Cái chết của Ngài chính là «phép rửa bằng lửa» (Mt 3,11) cho những ai tin vào Ngài và sống giới răn yêu thương của Ngài. Phép rửa này có khả năng xóa sạch tội lỗi của họ trước mặt Thiên Chúa.

Như vậy, bắt đầu và kết thúc cuộc đời công khai, Đức Giêsu đều chịu phép rửa: Lúc bắt đầu: Phép rửa bằng nước – Khi kết thúc: Phép rửa bằng lửa. Nhờ đó, toàn bộ cuộc đời công khai của Đức Giêsu mang ý nghĩa sám hối và đền tội thay cho nhân loại.

“Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”

Bài Tin mừng hôm nay được 03 Thánh sử tường thuật: Matthêu (Mt 3, 13-17); Marcô (Mc 1, 9-11); Luca (Lc 3:21 -22) Nhưng chỉ riêng Matthêu nêu bật sự ngăn cản của Gioan, trong khi 02 thánh sử kia không đề cập đến.

Tại sao Gioan ngăn cản việc này? Xin thưa:

1/. Lý do thứ nhất: Vì nó quá vô lý.

Gioan từng nói: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi." (Mt 3, 11-12) Ông chuẩn bị, dọn đường cho một Đấng quyền năng mà theo Gioan: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10).

Vâng Đấng ấy quá cao trọng, cao trọng đến nỗi ông không xứng đáng xách dép cho Ngài, thế mà ông lại làm phép rửa cho Đấng cao trọng hơn mình được sao? Quá vô lý.

2/. Lý do thứ hai: Vì chính Gioan đang cần một phép rửa.

“Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa”, câu nói của Gioan cho ta biết ông đang cần một phép rửa cho ông. Quả vậy, khi Gioan thấy Đức Giêsu xuất hiện, ông biết nhiệm vụ của ông đã kết thúc. Nhiệm vụ của ông là dọn đường cho một Đấng, mà bây giờ Đấng ấy đang xuất hiện trước mặt mình, thì nhiệm vụ coi như đã hoàn tất.

Ông đã hoàn tất Sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó. Và theo truyền thống Kinh thánh, khi nhiệm vụ đã xong, người của Chúa sẽ được đón về. Như vậy ông biết mình không còn hiện diện trên trần thế này bao lâu nữa. Ông ao ước mình sẽ được chịu phép rửa trong Thánh Thần và Lửa, phép rửa đó mới ban sự sống Thần linh.

Nhưng bây giờ thay vì mình được chịu phép rửa của Đấng ban Thánh Thần, thì Đấng ban Thánh thần lại xin ông làm phép rửa để thanh tẩy. Quá ngược đời, không thể chấp nhận, vì thế Matthêu cố ý nêu bật ý chí ngăn cản của Gioan.

Hình như Thiên Chúa luôn hành động ngược lại với suy nghĩ của con người, ngược đến nỗi sau này khi Gioan bị giam trong ngục, ông tỏ ra hồ nghi về Đức Giêsu, ông cho môn đệ của mình đến gặp Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3).

Theo Gioan Đấng Cứu Thế phải là Đấng Uy Quyền, dùng quyền năng của Thiên Chúa để thực hiện việc cứu độ trong uy lực, trong sấm chớp vang trời. Đấng ấy, theo Gioan: “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân”, Đấng ấy: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Đó là suy nghĩ của Gioan.

Nhưng Đức Giêsu lại không như vậy, Ngài luôn rao giảng về yêu thương, dùng quyền năng Thiên Chúa để cho: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11, 5-6)

Như vậy việc Đức Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa hôm nay là một sự vô lý không thể chấp nhận. Ông không thể ngờ Thiên Chúa lại hành động như vậy.

“Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.”

“Bây giờ cứ như thế đã” sẽ là câu nói đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin mừng Matthêu. Thông thường câu nói đầu tiên của Đức Giêsu theo Thánh sử nào sẽ là câu đặc trưng cho Thánh sử đó. Đối với Matthêu, ông chọn câu: “Bây giờ cứ như thế đã” là câu đặc trưng cho mình.

“Bây giờ cứ như thế đã” có nghĩa cứ để cho Thánh ý Chúa được nên trọn. Việc Ngài đến đây để xin ông làm phép rửa, đó là Thánh ý Thiên Chúa, mà trong Chương trình Cứu độ đã hoạch định.

Vâng theo Thánh ý Thiên Chúa, có nghĩa ta để cho Chương trình Thiên Chúa đi xuyên suốt cuộc đời mình mà không gặp bất kỳ lực cản nào. Tại sao con người của ta ngày một xấu đi, trong khi đó ý định của Thiên Chúa dành cho ta luôn tốt đẹp? Đó là do ta luôn cản trở ý định của Ngài trong cuộc đời mình. Ta không xin cho Thánh ý Chúa được nên trọn, mà ta chỉ muốn làm theo ý ta. Có bao giờ ta biết dừng lại mà cầu xin với Ngài: “Lạy Chúa, xin cho Thánh ý Chúa được nên trọn trong con” chưa? Nếu ta có thói quen cầu nguyện như vậy, ta sẽ biết dừng lại những gì cần dừng, và biết làm những gì cần làm, vì lúc ấy Thánh ý Chúa đang đi xuyên con người của ta vậy.

“Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Đức Giêsu cho Gioan biết, tại sao cứ để như vậy, đó là để giữ trọn đức công chính.”

Thế nào là giữ trọn đức công chính? Thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi Tín hữu Corintô đã viết: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2Cr 5, 21)

Có nghĩa, Đức Giêsu tuy bản thân là vô tội, nhưng đã gánh hết tội lỗi nhân loại vào mình, chính vì thế Ngài cần phép rửa để thực hiện việc sám hối cho toàn nhân loại.

Thánh Phaolô còn muốn chứng minh, sự công chính không thể đến từ lề luật, lề luật không thể làm được việc này, ông viết trong thự gửi Tín hữu Rôma như sau: “Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình. (Rm 8, 3)

Như vậy, qua việc Đức Giêsu chịu phép rửa, Ngài đã làm cử chỉ sám hối cho toàn thể nhân loại, để từ đây chúng ta được nên công chính, vì tội của con người đã được chuyển sang Con Thiên Chúa.

“Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra.”

Matthêu không mô tả Đức Giêsu chịu phép rửa thế nào, ông nói: “vừa ở dưới nước lên”. Khi xuống sông Jordan, Đức Giêsu xuống nơi thấp nhất hành tinh này để đưa Thiên Chúa xuống với con người tội lỗi. Vâng chính vì tội lỗi đã đẩy con người xuống đáy vực thẳm, bây giờ chính Thiên Chúa phải xuống đáy vực thẳm đó để gặp gỡ con người.

Ta chú ý cụm từ “các tầng trời mở ra”, như vậy trước đó nó đã bị đóng. Vâng đúng vậy, nhưng các tầng trời bị đóng từ khi nào?

Để giải đáp cho câu hỏi này, ta phải làm một cú nhảy về ngay thưở ban đầu. Sau khi Ông bà Nguyên tổ phạm tội, sách Sáng Thế ký viết: “Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh.”(Stk 3, 24) “Trục xuất”, “canh giữ”... đó là việc Thiên Chúa trục xuất con người ra khỏi nơi hạnh phúc mà Ngài đã dành cho họ, đóng cửa trời lại, và từ đây có một khoảng không vô tận ngăn cách con người với Thiên Chúa. Con người bị tuyệt vọng, bị đầy đọa, bị trầm luân vĩnh viễn nếu không có Chương trình Cứu độ.

Ngày hôm nay, Cửa Trời lần đầu tiên được mở ra, và sẽ không bao giờ đóng lại nữa. Nó mang 02 ý nghĩa:

1/. Cửa trời mở ra để Ba Ngôi Thiên Chúa hiển linh. Cuộc hiển linh đó sẽ đánh dấu cho sự bắt đầu cuộc đời công khai của Con Thiên Chúa.

2/. Cửa trời mở ra để cho ta biết, từ nay có sự thông thương giữa trời và đất, con người có quyền về lại nơi mà mình đã bị trục xuất.

Cửa trời đã mở sẵn rồi, nhưng ta có vào được hay không lại là chuyện khác. Chỉ những ai tin vào Con Thiên Chúa là Đức Giêsu, người ấy mới vào được Nước Trời mà thôi. Nhưng chỉ khi Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá, phục sinh và lên trời, Ngài là niềm hy vọng của chúng ta, vì hoa quả đầu mùa là Đức Kitô và kế đến là những kẻ thuộc về Đức Kitô. Đến lúc ấy con người mới được về trời.

Luca trong Tông Đồ Công Vụ đã tường thuật cuộc tranh luận giữa Stêphanô với người Do Thái. Stêphanô được tràn đầy Chúa Thánh Thần, ông đã chứng minh Đức Giêsu là Con Thiên Chúa bị người Do Thái giết chết. Họ đầy căm phẫn và muốn giết ông, Luca viết: “Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” (Tđcv 7, 55-56) Vâng ông thấy Trời mở ra, không phải ông thấy Trời lại mở ra, vì Cửa Trời luôn mở, không bao giờ đóng lại, nhưng ta không thể thấy điều ấy bằng con mắt xác thịt.

Nếu có ai hỏi ta: Trời ở đâu? Một câu hỏi quá đơn giản, ta sẽ không ngần ngại chỉ lên trời. Có đúng trời ở phía tay ta chỉ không? Xin thưa: Không. Vì nếu ta đi mãi, đi lên mãi, đi vô tận trong vũ trụ này ta vẫn không biết Trời ở đâu.

Vậy Trời là gì? Và nó đang ở đâu?

Vào thời Trung cổ, người ta đưa ra khái niệm về vũ trụ. Người ta quan niệm vũ trụ như cái lồng bàn, hình vòm, bên trong đó chứa đựng các tinh tú, và bên ngoài lồng bàn đó được gọi là trời. Thế nhưng nếu ta đứng ở ranh giới lồng bàn, ta thấy bên ngoài vẫn là vật chất. Như vậy, cái ranh giới đó không đúng, tức ranh giới còn xa nữa. Tiếp tục lý luận, ta sẽ thấy trời không ở đâu cả.

Vậy tại sao Bài Tin mừng hôm nay lại nói: “Cửa trời mở ra”. Vậy trời là gì?

Như vậy khi định nghĩa về trời, ta không được ở trong phạm vi vật chất, mà nó thuộc về tâm linh. Ta có thể định nghĩa chính xác về Trời như sau:

TRỜI LÀ NƠI CHÚA NGỰ.

Vâng đúng vậy, nơi nào có Thiên Chúa thì nơi đó là Trời, nơi nào không có Ngài, nơi đó là Hỏa ngục. Mà Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, như vậy nó cũng ở trong lòng mỗi người chúng ta.

Hôm nay Cửa Trời mở ra, Chúa cũng muốn dạy chúng ta biết, hãy mở lòng mình ra, mở toang ra, mở rộng ra nữa, để tất cả những gì trong ta được đi ra để ta được phong phú. Ta mở lòng ra với người nghèo khó đang cần ta giúp đỡ, ta mở lòng ra để khả năng Chúa ban cho ta được đi ra giúp ích cho người khác. Nếu ta đóng cửa trời lòng mình, thì ta sẽ trở thành nghèo nàn và cằn cỗi.

“Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”

"Người thấy Thần khí Thiên Chúa đáp xuống như chim câu”: Trong Do thái giáo, chim câu không hề được coi là hình ảnh của Thần khí, thế nhưng một vài bản văn các giáo sĩ có so sánh chuyển động của Thần khí Thiên Chúa với cử chỉ của một con bồ câu "bay chập chững trên bầy con mà không đụng tới chúng"; Thần khí cũng "bay là đà" trên nước nguyên thủy như vậy (Stk 1,2). Trọng tâm so sánh nằm ở chỗ nhấn mạnh tới thần tính của Thần khí (Thần khí chẳng phải là một mãnh lực mưu xuất từ thiên nhiên hay con người, song là một hữu thể siêu việt), lẫn tính cách dịu dàng, gần gũi của hoạt động Ngài. Bản văn Matthêu, như Maccô, không gợi lên hình dáng (Lc) cho bằng cách thức mà Thần khí đột hiện và tác động trên Chúa Giêsu. 

"Người này là Con Ta": Tiếng phán ra là tiếng Chúa Cha; tiếng ấy lấy lại lời khẳng quyết của Tv 2,7: "Con là con Ta, hôm nay Ta đã sinh con"; nó cũng lấy lại lời Giavê ngỏ cùng người Tôi tớ đau khổ sẽ thể hiện ơn cứu độ cho thân thuộc mình: "Này đây Tôi tớ của Ta mà Ta nâng đỡ Tuyển nhân của Ta mà Ta sủng mộ. Ta đã ban Thần khí Ta trên Người..." (Is 42, 1). Cũng có thể đối chiếu lời công bố của Thiên Chúa với nhiều bản văn Cựu ước trong đó Giavê gọi Israel là "con" Ngài (Xh 4, 22; Hs 11,1 v.v...) và một lần nữa kết luận rằng Matthêu muốn cho thấy Chúa Giêsu là Israel mới. Trình thuật Cám dỗ (4, 1-11) sẽ củng cố hơn nữa việc song đối này.

Công thức "Người này là Con chí ái Ta, kẻ Ta sủng mộ" được lấy lại từng chữ trong trình thuật Biến hình (Mt 17,5). Chắc hẳn Matthêu muốn thiết lập một sự tương đồng có tính cách thần học giữa hai biến cố. Hết thảy những điều này xác nhận rằng cảnh phép rửa thật là một cuộc thần hiện, y như cuộc biến hình, hơn là một thị kiến của riêng Chúa Giêsu. Cuộc thần hiện này nhắm tới các độc giả Tin Mừng đã trở thành môn đồ Chúa Giêsu (vì Matthêu không đề cập tới đám đông nào hết), y như cuộc Biến hình chỉ dành riêng cho 3 môn đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan thôi vậy.

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm. 


Trở lại      In      Số lần xem: 3399
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  18
 Hôm nay:  1593
 Hôm qua:  3165
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12338469

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn