Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Có Cần Xin Lễ Cầu Cho Các Thai Nhi và Các Linh Hồn Mồ Côi Không?

Có Cần Xin Lễ Cầu Cho Các Thai Nhi và Các Linh Hồn Mồ Côi Không?

Có Cần Xin Lễ Cầu Cho Các Thai Nhi và Các Linh Hồn Mồ Côi Không?

 

Có 03 vấn nạn được đặt ra sau đây:

1. Có cần xin lễ cầu cho các thai nhi bị giết vì phá thai không?

2. Có cần xin lễ cầu cho các linh hồn mồ côi không?

3. Có cần xin lễ đời đời để cầu cho ai không?

 

Trả lời: (Theo Lm. Phanxicô X. Ngô Tôn Huấn)

 

1. Về việc cầu nguyện cho các thai nhi

Các thai nhi là những bào thai đã bị giết trong lòng mẹ vì phá thai (abortion).

 

Đây là một tội ác phạm đến điều răn thứ năm: "Cấm giết người" của Thiên Chúa đã truyền cho con người phải tuân giữ từ thời Cựu Ước cho đến nay.

 

Sự sống là quà tặng linh thánh (sacred gift) Thiên Chúa ban cho những người được mời sống ơn gọi gia đình để cộng tác với Chúa trong chương trình sáng tạo, tức là làm cho có thêm nhiều người trên trần thế này như Chúa đã truyền cho Adam và Eva xưa kia. Lệnh truyền đó như sau:

 

“Hãy sinh sôi nảy nở cho thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.” (St 1,28).

 

Để thi hành mệnh lệnh trên của Thiên Chúa, tuyệt đối cấm sát sinh vì bất cứ lý do gì. Phải tôn trọng sự sống từ lúc được thụ thai (conception) cho đến cái chết tự nhiên (natural death) trên giường bệnh. Do đó, phá thai là giết chết một sự sống, dù mới được hình thành trong lòng mẹ một hai tháng hay tám chín tháng. Đây là một tội ác phạm đến Thiên Chúa là Nguồn Mạch Sự Sống của con người và mọi sinh vật trên trần thế này.

 

Vì thế, ai phạm tội phá thai hay giúp người khác phá thai có kết quả thì lập tức bị vạ tuyệt thông tiền kết (x. Giáo luật số 1398) dành cho Đức Thánh Cha quyền tháo gỡ mà thôi. Nhưng đặc biệt trong Năm Thánh lòng thương xót đang diễn ra trong Giáo Hội cho đến ngày 20 tháng 11 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép các linh mục trong toàn Giáo hội được tha tội này cho các hối nhân để giúp họ nhận lại tình thương của Chúa, sau khi đã lỡ đánh mất vì phạm tội phá thai.

 

Riêng đối với các thai nhi bị giết, thì chắc chắn các thai nhi này hoàn toàn vô tội vì chưa được sinh ra, lớn lên và có thể phạm tội được. Tuy nhiên, chúng vẫn phải chịu hậu quả của tội nguyên tổ do Adam và Eva để lai, nhưng không được rửa tội để tẩy xóa hậu quả này thì đó hoàn toàn không phải lỗi của chúng. Đó là lỗi của kẻ đã giết chúng, không cho chúng cơ hội được sinh ra để được rửa tội. Vì không phải là lỗi của chúng, nên chắc chắn Chúa cũng không thể bắt lỗi các thai nhi bị giết về sự thiếu sót ngoài ý muốn này .

 

Vả lại, xin lễ chỉ có giá trị xin tha các hình phạt hữu hạn (temporal punishment) cho các linh hồn đang còn được thanh lọc trong Luyện tội (Purgatory) chứ không có giá trị tha tội Tổ Tông và các tội cá nhân cho người còn sống hay đã qua đời. Như vậy, càng không có lý do để xin lễ cầu cho các thai nhi.

 

Các thai nhi bị giết oan uổng này chắc chắn vẫn được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Cho nên, ta không cần phải lo cho phần rỗi của chúng, để phải xin lễ cầu cho chúng, như nhiều người không am hiểu đang làm. Tôi quả quyết là các thai nhi bị giết oan uổng nên được Chúa thương xót nhiều hơn để đón nhận vào chốn an nghỉ đời đời với Người. Kẻ có tội là những ai đã xin phá thai hay giúp người khác phá thai có kết quả. Các thai nhi là những nạn nhân đáng thương của những kẻ vô tâm, vô luân đã giết hại chúng, khiến chúng không có cợ hội được sinh ra làm con người trên trần thế này. Như thế, không cần phải xin lễ cầu cho chúng.

 

Các linh mục có bổn phận giải thích cho giáo dân để ĐỪNG NHẬN TIỀN xin lễ cầu cho các thai nhi như người ta đã và đang làm ở nhiều nơi. Thực hành này hoàn toàn không hợp lý xét theo đức tin, giáo lý và thần học của Giáo hội Công giáo.

 

2. Có linh hồn nào mồ côi không?

Khi nói linh hồn mồ côi là nói theo suy nghĩ của người đời. Tức là nói đến các linh hồn không có thân nhân còn sống để cầu cho người thân đã mất.

Nhưng thực tế là Giáo hội vẫn cầu xin cho mọi tín hữu đã ly trần trong mọi Thánh lễ, dù không có ai xin lễ cầu cho các linh hồn này.

 

Sau đây là bằng cớ cụ thể:

 

Trong các Kinh nguyện Tạ ơn (Thánh Thể) I, II, III,và IV đọc trong Thánh lễ, Giáo hội hằng ngày cầu chung cho các tin hữu đã ly trần như sau:

“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhân Chúa…” (KNTT II)

 

Dù không có ai xin lễ, thì linh mục vẫn đọc lời cầu xin trên đây để cầu cho tất cả mọi tín hữu đã ly trần, tuy không có ai xin lễ cầu cho họ.

 

Nếu có ai xin lễ cầu cho linh hồn nào, thì có thêm lời nguyện riêng như sau:

 

“Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là... mà (hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa thì cũng được sống lại như Người.”

 

Như thế, rõ ràng cho thấy là Giáo hội không chỉ cầu nguyện riêng cho những linh hồn có thân nhân còn sống xin lễ cầu cho, mà còn cầu nguyện chung cho hết mọi tín hữu đã ly trần trong đó có những linh hồn không có thân nhân còn sống xin lễ cầu cho. Nghĩa là không có linh hồn nào được coi là “mồ côi” vì không có ai cầu nguyện cho cả.

 

Tóm lại, ai có lòng tốt xin lễ cầu cho các linh hồn đã ly trần thì đó là việc bác ái đáng khuyến khích, nhưng đừng nói xin cầu cho các “linh hồn mồ côi”, vì thực ra, không có linh hồn nào bị coi là mồ côi đúng nghĩa trong kinh nguyện của Giáo hội.

 

3. Về việc xin lễ đời đời

Vấn đề này tôi đã đôi lần nói đến. Nay xin được nhắc lại như sau:

Trước hết, từ ngừ “đời đời” (eternal) được dùng trong Giáo hội để chỉ:

a.     Trước hết tình trạng ơn phúc vĩnh cửu với Chúa trên Thiên Đàng

b. Hay phải xa cách Chúa vĩnh viễn trong nơi gọi là hỏa ngục (hell).

Các linh hồn đang được hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng, thì không cần ai cầu nguyện cho nữa. Ngược lại, linh hồn nào đã xa lìa Chúa vĩnh viễn trong hỏa ngục thì không ai có thể làm gì để cứu giúp được nữa, vì không có sự hiệp thông nào giữa các Thánh ở trên trời, hay giữa các tín hữu còn sống trên trần gian với các người đã xa lìa Chúa trong hỏa ngục. (x. Sách GLGHCG số 954-55, 1033).

 

Như vậy xin lễ đời đời để cầu cho ai?

Không cần cầu cho các Thánh ở trên Thiên Đàng mà cũng không thể giúp ích gì cho các linh hồn trong hỏa ngục như đã nói ở trên. Chỉ còn các linh hồn trong Luyện tội mới cần được giúp đỡ của các Thánh trên Thiên Đàng và các tín hữu còn sống trên trần gian mà thôi.

 

Nhưng các linh hồn này chỉ ở Luyện tội có thời hạn thôi, chứ không ở đây vĩnh viễn đời đời, như những người đã xa lìa Chúa trong hỏa ngục.

 

Như vậy, không cần phải xin lễ đời đời cầu cho các linh hồn trong Luyện tội, vì không ai phải ở đây đời đời như các người trong chốn hỏa ngục.

 

Vả lại, ai có thể sống đời đời trên trần gian này để dâng lễ đời đời cho người khác? Nhà dòng nào, linh mục nào có thể “sống đời đời” để dâng lễ đời đời cho ai để hưởng bổng lễ cao của người xin lễ???

 

Như thế, rõ ràng đây là việc làm lừa dối và sai lạc giáo lý chỉ vì mục đích kiếm tiền mà thôi. Không ai ngăn cấm hay giới hạn việc xin lễ cầu cho các linh hồn đã ly trần. Nhưng không thể đặt ra cái gọi là “lễ đời đời” với bổng lễ cao (có nơi đòi 20,000 hay 30,000 USD) của người giáo dân không am hiểu giáo lý của Giáo Hội về việc cầu cho người đã ly trần. Bao lâu con cháu hay thân nhân của người quá cố còn sống, thì cứ cầu nguyện và xin lế cầu cho thân nhân đã ly trần, vì không ai biết được linh hồn nào đã được vào Thiên Đàng rồi hay đã xa lìa Chúa trong hỏa ngục, hoặc đang còn phải thanh lọc trong Luyện tội. Do đó, cứ xin lễ cầu cho các người đã ly trần, nhưng không thể xin lễ đời đời để cầu cho các linh hồn nơi luyện tội, vì các linh hồn không ở đây đời đời mà chỉ ở có thời hạn theo sự công bằng Chúa đòi hỏi mà thôi.

 

Cũng liên quan việc xin lễ cầu cho người quá cố, phải nói rõ một lần nữa là tiền bạc không bao giờ có thể mua được Nước Thiên Đàng cho ai. Chúa không bao giờ luận phạt hay ban phúc cho ai vì có người đã bỏ ra nhiều tiền để xin lễ hay dâng cúng vào nhà thờ, nhà dòng... Tiền xin lễ chỉ giúp ích cho các linh mục dâng lễ, chứ không ảnh hưởng gì đến việc phán xét của Chúa cho một hay nhiều linh hồn. Xin nhớ kỹ điều này để đừng ai lầm tưởng là bỏ nhiều tiền ra xin lễ, xin cầu nguyện thì được ích lợi thiêng liêng nhiều hơn người nghèo không có tiền xin lễ.

 

Nếu một người, khi còn sống đã thực tâm yêu mến Chúa, yêu thương tha nhân, thực thi công bằng, bác ái và đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa, thì dù không có ai cầu nguyện cho, thì cũng không thiệt thòi gì về phần rỗi. Ngược lại, một người đã bỏ quên Chúa để chạy theo những quyến rũ của thế gian và ma quỷ và không biết ăn năn sám hối trước khi chết, thì dù cỏ ai bỏ ra hàng triệu đô la xin lễ cầu cho thì cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy!

 

Như thế, ai gây cho người khác ngộ nhận là bỏ ra nhiều tiền xin lễ, xin cầu nguyện thì linh hồn được mau vào hưởng Thánh Nhan Chúa, hơn là không có tiền xin lễ. Gây ngộ nhận như vậy, để lấy nhiều tiền xin lễ của giáo dân là phạm tội “mại thánh = simonia” theo giáo lý và giáo luật của Giáo hội. (x. Giáo luật số 1380) .

 

Tội mại thánh là tội vô tình hay cố ý lấy tiền của ai để ban một bí tích hay dâng lễ cầu cho ai (Giáo luật trên đây). Do đó, linh mục không được phép đòi tiền ai để rửa tội, giải tội, xức dầu hay chứng hôn phối, hoặc cử hành lễ nghi an táng.

 

Nhưng nếu thân nhân người nhận các bí tích hay thánh vụ nói trên tự ý tặng tiền cho thì được phép nhận. Lại nữa, linh mục chỉ được phép nhận bổng lễ (mass stipend) theo quy định của giáo quyền địa phương (ở Tổng Giáo Phận Galveston-Houston, tiền xin lễ quy định là 5 USD mỗi thánh lễ), chứ không được phép đòi bổng lễ cao hơn mức quy định, hay từ chối dâng lễ vì có bổng lễ thấp. Ngoài ra, nếu người xin lễ không có tiền xin lễ thì linh mục vẫn được mong đợi để dâng lễ cho họ, dù không có bổng lễ (tiền xin lễ) (x. Giáo luật số 945, & 2).

 

Tóm lại, linh mục không được lợi dụng thánh chức của mình để làm tiền ai trong bất cứ trường hợp nào. Ai vi phạm thì bị coi là phạm tội mại thánh, vì đã biến việc phục vụ thiêng liêng của mình thành hoạt động thương mại trần thế.

 

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.


Trở lại      In      Số lần xem: 7046
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  17
 Hôm nay:  2197
 Hôm qua:  2972
 Tuần trước:  23881
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12221270

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn