Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Thư Mục Tử Mùa Vọng 2014 - TGM Phao-lô Bùi Văn Đọc

Thư Mục Tử Mùa Vọng 2014 - TGM Phao-lô Bùi Văn Đọc 

Tp. HCM ngày 10 tháng 11 năm 2014

THƯ MỤC TỬ
MÙA VỌNG và MÙA GIÁNG SINH
2014

 

Kính gửi: Quý Cha, Quý Bề Trên,
Quý Tu sĩ Nam Nữ, Chủng sinh
và Anh Chị Em giáo dân trong Gia Đình Giáo Phận

1. Kính chào tất cả quý cha, quý bề trên, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân. Tôi đã được mời tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới Khóa Ngoại thường về “Mục vụ Gia đình”, với tư cách là Chủ Tịch HĐGMVN. Mục đích Đức Thánh Cha Phanxicô khi triệu tập THĐGMTG lần này là để lắng nghe các nghị phụ, đặc biệt là các chủ tịch HĐGM các quốc gia, để biết tình trạng đời sống các gia đình Công giáo trên thế giới. Tất cả bắt nguồn từ tình thương và ước muốn phục vụ con người, giống như Chúa Giêsu khi nhìn thấy đám đông thì chạnh lòng thương. Sau hai tuần làm việc ráo riết: lắng nghe, trao đổi, tham luận, góp ý, suy niệm …, Thượng Hội Đồng đã bế mạc ngày 19 tháng 10 vào ngày lễ phong “chân phước” cho Đức Thánh Cha Phaolô VI.

2. Tôi ra về, lòng hân hoan vui sướng vì đã được cộng tác với Đức Thánh Cha và hàng Giám mục thế giới trong tình huynh đệ. Tâm hồn mục tử được nâng cao và lòng đầy hy vọng cho tương lai của Giáo hội Chúa Kitô trong thời đại đầy những biến chuyển và thử thách này.  “Ở đâu tội lỗi càng nhiều, thì ở đó càng dồi dào ân sủng” (Rm 5, 20). Đó là điều thánh Phaolô đã từng rao giảng, làm nổi bật Tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa: Tình yêu không đặt điều kiện, không mặc cả, cho đi mà không tính toán, Tình yêu tự hiến trọn vẹn nơi cái chết hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập giá! Lòng tôi đầy hy vọng vì hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều có “niềm hy vọng lớn lao”: được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần yêu thương trọn vẹn, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, Tình Yêu ấy vẫn chờ đợi chúng ta (x. Spe Salvi, số 3).

3. Mùa Vọng là “Mùa Chờ đợi”:  Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Trong Thư II, thánh Phêrô nói với chúng ta: “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Pr 3,9b). Thiên Chúa chờ đợi, vì muốn gặp gỡ chúng ta. Chúa Giêsu Kitô muốn gặp gỡ chúng ta, nên Người sẽ trở lại trong vinh quang. Nhưng nếu trong cuộc đời lữ thứ này, chúng ta gặp gỡ được Chúa trong đức tin, nhờ lắng nghe Lời Chúa và cử hành phụng vụ bí tích, thì chúng ta đã là “phúc nhân” rồi! Tuy ở trong thế gian, chúng ta vẫn không thuộc về thế gian, đúng như lòng Chúa Giêsu mong ước, được biểu lộ trong Lời cầu nguyện với Chúa Cha trước khi ra đi về cùng Chúa Cha (x. Ga 17,14-16).

4. Thiên Chúa chờ đợi! Chúng ta chờ đợi! Trong thâm sâu, lòng con người lúc nào cũng ước ao những điều cao thượng, âm thầm hướng về Thiên Chúa là Cội Nguồn, là Quê Hương đích thực. Sự hoài hương thuộc về bản chất của con người. Mùa vọng là mùa Giáo hội khơi dậy lòng yêu mến Quê Hương đích thực của người kitô hữu. Hướng về Quê Trời, yêu mến “Quê Hương Ba Ngôi”, không phải là lãng quên các giá trị trần thế. Trái lại, nghĩa vụ của mọi người kitô hữu là biến đổi thế giới, thay đổi trần gian này, chuẩn bị cho “Trời mới Đất mới” (2 Pr 3,13) nơi Thiên Chúa ngự trị: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Chính Thiên Chúa đổi mới tất cả, Thần Khí Tác Tạo của Chúa canh tân bộ mặt trái đất! Hãy cộng tác với Thần Khí, đổi mới mọi sự, dọn đường cho Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể làm người và ở giữa chúng ta.

5. Hãy noi gương Gioan Tiền Hô, dọn đường cho Chúa. Hãy trở thành tiếng của “Người Hô trong sa mạc”! Người Hô ấy chính là Đức Chúa! Cuộc đời chúng ta trở thành “tiếng nói” của Đức Chúa. Chúng ta là “sứ giả” của Người ; để bớt phần bất xứng, trước hết phải canh tân chính mình! Hãy đổi mới bản thân! Hãy lấp cho đầy những hố sâu, để khỏi có ai rơi vào! San bằng những lồi lõm trên đường ta đi, để người khác có thể đồng hành! Hãy tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ đến làm phép rửa bằng Thánh Thần. Hãy quan tâm đổi mới cuộc sống gia đình, dù có rất nhiều khó khăn và thách đố! Chuẩn bị cho gia đình đón Chúa, lắng nghe Tin mừng của Chúa!

6. Đặc biệt năm nay, hãy nỗ lực đưa Niềm vui của Tin mừng vào giáo xứ, đến với mọi thành phần trong giáo xứ, vào các cơ chế và tổ chức của giáo xứ. Làm thế nào để Giáo xứ mỗi ngày thêm giống Cộng Đoàn Kitô hữu đầu tiên (x. thư MV của HĐGMVN, số 1). Trong giáo xứ, giống như trong gia đình, mỗi người tự canh tân mình trước khi đòi hỏi người khác phải thay đổi. Sám hối và tin vào Tin mừng, thì sẽ có Niềm vui của Tin mừng. Niềm vui này trước hết là niềm vui bước theo Chúa và trở nên người môn đệ chân chính của Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Giáo xứ dần dần trở nên như gia đình của Thiên Chúa ở trần gian. Cha xứ, cha phó, làm gương sáng cho giáo dân trong nỗ lực vươn lên. Hội đồng giáo xứ và các đoàn thể cố gắng đổi mới cách sống, cách suy nghĩ.

7. Tôi đã chủ sự Thánh lễ tại nhiều nhà thờ các giáo xứ và cảm thấy rất hãnh diện về việc tham dự tích cực và sốt sắng của các thành phần Dân Chúa. Chỉ còn rất ít người đi trễ, có lẽ vì kẹt xe hay một lý do nào đó; nhưng nếu khắc phục được, thì thật là đáng khen. Chắc trong số những người tham dự Thánh lễ, có nhiều người thực sự muốn gặp gỡ và nhận được sự sống từ nơi Chúa. Tôi chưa có dịp nghe anh em linh mục giảng trong Thánh lễ, nhưng rất ước mong anh em lưu tâm chuẩn bị bài giảng vắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, có chất lượng nuôi dưỡng đời sống Dân Chúa. Trong việc dạy giáo lý, cần có sự cộng tác chặt chẽ giữa linh mục và giáo dân, nhưng linh mục vẫn là người chịu trách nhiệm chính. Làm thế nào để việc huấn giáo góp phần đưa Lời Chúa vào cuộc sống của các tín hữu.

8. Tôi ước mơ các giáo xứ trở thành những cộng đoàn hiệp thông, hiệp thông với Chúa, hiệp nhất với nhau. Mọi người đều có chỗ đứng trong lòng giáo xứ, nhất là những người nghèo, những người trẻ. Tôi ước mơ mọi kitô hữu trong giáo xứ đều trở nên những môn đệ tông đồ của Chúa Giêsu, dấn thân tích cực loan báo Tin mừng Chúa Giêsu, sẵn sàng đối thoại với mọi người, những người thuộc các tôn giáo khác, cả những người không theo một tín ngưỡng tôn giáo nào ; sẵn sàng trả lẽ về niềm hy vọng trong lòng, trong cuộc sống của anh em. Tôi ước mong tất cả chúng ta, những Kitô hữu, trở thành những “đấng an ủi”, “đấng bảo trợ”, giống như Chúa Thánh Thần, đối với những người gặp nhiều hoạn nạn khổ đau. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn, mở rộng tầm nhìn hướng về những phần đất xưa kia đã từng là cái nôi của  Kitô-giáo như Syrie, Irak…, dâng những hy sinh để cầu nguyện cho họ, cho những người phải bỏ lại mọi sự, xa rời quê nhà để làm chứng cho Chúa. Tại Việt Nam, lòng chúng ta hướng về anh chị em di dân bỏ các vùng quê lên thành phố tìm kế sinh nhai.

9. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn năm 2015 là năm của “đời sống thánh hiến”. Đây là cơ hội thuận lợi để anh chị em sống đời thánh hiến đào sâu căn tính và đoàn sủng của mình, để “trải nghiệm không ngừng sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (x. Niềm vui của Tin Mừng, số 264). Chính trải nghiệm này thúc giục anh chị em ngày càng yêu mến Đức Kitô nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, dấn thân cho sứ vụ Phúc âm hóa cách mạnh mẽ hơn, trong sự hợp tác chặt chẽ với Giáo hội địa phương (x. Thư MV của HĐGMVN năm 2014).

10. Về phương diện mục vụ, từ Chúa Nhật I Mùa Vọng, Tổng giáo phận Saigon của chúng ta bắt đầu thực hiện chương trình đã được HĐGMVN đề nghị cho năm 2015 về việc tân phúc âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến. Sau Mùa Vọng, chúng ta sẽ hân hoan bước vào Lễ Giáng Sinh, một Đại Lễ không những cho Giáo hội Công giáo, mà  cho mọi kitô hữu trên thế giới. Chúng ta vui mừng vì Chúa đến với chúng ta, Chúa sinh ra làm người ở giữa nhân loại, và sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chúng ta sẽ tiếp nối “nền văn hóa gặp gỡ” mà Chúa đã mở ra cho chúng ta, hướng về ngày mọi người gặp gỡ nhau trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.

11. Chúng ta sẽ noi gương Chúa, đến với mọi người, đặc biệt là những người nghèo, đến ở giữa họ, ở cùng họ, chia vui sẻ buồn với họ. Đem ánh sáng Tình thương của Thiên Chúa đến cho mọi người, đem “tin yêu”, đem “niềm vui của Tin Mừng” đến cho mọi người. Chúa Giáng Sinh là nguồn vui của chúng ta. Những thứ vui chơi khác chỉ là phụ thuộc, không được che lấp Ánh Sáng linh thiêng của đêm Noel, niềm vui thiêng thánh mà Chúa mang tới. Xin anh chị em bớt tiêu xài vào những vui chơi theo kiểu trần gian trong đêm Noel, để tiền bạc và của cải vật chất chia sẻ cho người nghèo. Tôi nghe nói những anh chị em bị nhiễm HIV/AIDS ở “trọng điểm”, nơi mà trước đây có một sự hợp tác khá chặt chẽ giữa các dòng tu và phía chính quyền, cùng với xã hội dân sự, rất thiếu thốn, đặc biệt trong những dịp lễ lớn, như Noel, Tết Nguyên Đán.

12. Niềm vui Giáng Sinh của chúng ta sẽ kéo dài, nếu Đức Chúa Trời không ngừng sinh ra trong tâm hồn chúng ta. Mà đâu có Tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi là đó có ân sủng Người, đâu có lòng bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi, đâu ý hợp tâm đầu, ở đó chứa chan niềm vui!

Cầu chúc anh chị em một Mùa Vọng thật sốt sắng, một Lễ Noel thật ấm cúng, một Mùa Giáng Sinh tràn ngập niềm vui và ân sủng!

Thân ái kính chào anh chị em!

(đã ký và đóng dấu)

+ Phao lô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám Mục


Trở lại      In      Số lần xem: 2527
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  28
 Hôm nay:  535
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12256689

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn